“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”–=–Chừng đó nỗi đau và chừng đó câu chuyện thật đến khó tin. Phải đấu tranh rất lâu, những con người vốn thu mình trong mặc cảm mới chịu bộc lộ ký ức và cảm xúc của mình.

“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”

Khán giả khóc và diễn viên cũng khóc khi kết thúc vở kịch do 20 người khuyết tật tham gia dự án Tôi (*) – dự án do Trung tâm Life art thực hiện, nhằm hướng tới sự chia sẻ và kích thích sáng tạo ở những người kém may mắn.

Bốn mảnh ghép của một vở kịch chỉ kéo dài vỏn vẹn trong gần một giờ mà những tình huống, lời nói trong đó được “chắt” ra từ chính câu chuyện cuộc đời những người khuyết tật. Không có diễn viên chuyên nghiệp, họ – 20 thành viên của Trung tâm Nghị lực sống – là diễn viên trong vở kịch về chính mình.

“Bố đi làm xa, trong giây phút mẹ sinh tôi, mọi người bảo hãy bỏ đứa trẻ đó đi. Tất cả mọi thứ đã chuẩn bị sẵn: chiếc nôi, cái chăn và một ít tiền lẻ cho sự ra đi của đứa trẻ mới chào đời…”. 20 năm trôi qua, Thanh Xuân – đứa trẻ không lành lặn suýt bị bỏ đi ấy – đã trưởng thành. Nhưng mỗi lần nhắc lại, quá khứ buồn tủi vẫn như một lưỡi dao cứa vào lòng.

Thanh Xuân, Thảo Vân “đi” bằng đôi tay trên sân khấu, Nghĩa “đi” bằng chiếc xe lăn vì mất một chân, còn Trung xuất hiện với dáng đi tập tễnh do liệt nửa người bên phải. Chừng đó nỗi đau và chừng đó câu chuyện thật đến khó tin. Phải đấu tranh rất lâu, những con người vốn thu mình trong mặc cảm mới chịu bộc lộ ký ức và cảm xúc của mình. Tất cả những người đến xem đã khóc khi nhìn những cơ thể mất mát ngồi yên như tượng, còn phía sau bức màn trắng là một thế giới được dựng lên bằng rối bóng, đẹp đẽ và cũng xa vời vợi, bởi đó chỉ là giấc mơ không bao giờ đến của những người khuyết tật.

Ngày mới bắt đầu dự án Tôi, với một tờ giấy trắng để trước mặt, mỗi học viên sẽ tự vẽ ra bản đồ cuộc đời mình. Ðau khổ, bất hạnh sẽ biểu hiện bằng đường đi xuống, hạnh phúc vui vẻ biểu hiện bằng đường đi lên. Rồi những đôi tay không lành lặn học cách vẽ tên mình lên không trung bằng khuỷu tay, bàn chân… Mỗi bài tập chỉ để hướng đến mục đích người khuyết tật biết yêu cơ thể hơn và kết nối với phần bên trong của mình.

Nhưng học cách mở lòng với thế giới thông qua bút vẽ, diễn kịch là điều không đơn giản. “Ngày đầu tiếp xúc, cảm giác bi quan bao trùm khắp không gian này. Họ không chỉ mất một đôi chân, một bàn tay hay cơ thể không lành lặn. Kéo theo điều đó là những mất mát lớn hơn về tình cảm, cơ hội sống. Chúng tôi đưa cho các bạn một tờ giấy, bộc lộ mình đến đâu là do các bạn mong muốn. Có người chia sẻ một chút, có người chia sẻ rất nhiều và chúng tôi tôn trọng sự chia sẻ đó, bắt đầu chia sẻ cũng là một điều đáng quý rồi”, Phan Ý Ly – giám đốc nghệ thuật của Life art – chia sẻ.

Chính Phan Ý Ly – người phụ nữ đầy năng lượng sống – cũng nói rằng chị đã học được rất nhiều từ những học viên của mình. “Tôi cảm thấy mình có ý chí để sống và trải nghiệm với cuộc sống này hơn. Tôi từng nghĩ cuộc sống xây dựng trên ước mơ và tương lai. Nhưng các bạn lại nói với tôi rằng: chúng tôi không muốn vẽ tiếp về tương lai, cũng không muốn ước mơ để sau này nó sụp đổ. Tôi phải suy nghĩ rất lâu để nhận ra các bạn có quyền nói thế”.

“Không dễ gì để có thể thổ lộ hết những nỗi đau của chính mình. Tôi đã từng e sợ nó trở thành trò đùa để người khác trêu chọc hay nhạo báng. Nhưng các bạn khuyết tật khác đã cho tôi niềm tin. Những gì tôi đã học, đã diễn trên sân khấu cũng giống như một hành trình học cách tin vào thế giới một lần nữa” – Nghĩa chia sẻ sau khi vở diễn kết thúc, khi tất cả mọi người đến bên nhau, an ủi nhau bằng câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”.

Suốt từ tháng 11-2010 đến nay, cả học viên và giáo viên ở Life art đều “lăn, lê, bò, toài” để học và dạy trên sàn nhà. Như Phan Ý Ly nói chị muốn mọi người bình đẳng và cơ thể được giải phóng hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc. Và kết thúc khoá học, những người khuyết tật vốn đóng kín mình trong mặc cảm và nỗi đau bị chối bỏ đã dám bước lên sân khấu để chia sẻ câu chuyện của mình, để hiểu mình và bắt đầu tin vào thế giới.

HÀ HƯƠNG

______________

(*) Buổi biểu diễn kết thúc dự án Tôi diễn ra chiều 8-1. Tuy nhiên, vở kịch sẽ sớm trở lại vào giữa tháng 1-2011 trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Sau dự án này các khoá học khám phá bản thân bằng ngôn ngữ nghệ thuật dành cho người khuyết tật vẫn được tiếp tục tại Life art (56 Nguyễn Khuyến, Hà Nội).