Luật chống tiếng ồn ơi, cứu tôi với!

Pháp luật đã có quy định về tiếng ồn ở khu dân cư, các thông số kỹ thuật cho phương tiện lưu thông, cấm lắp đặt còi hơi, cũng như quy định về thời gian mở cửa các quán cà phê, karaoke, nhà hàng… Thế nhưng việc xác minh mức độ vi phạm, xác định thiệt hại về sức khoẻ rất khó thực hiện. Đồng thời công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chính vì thế hiện nay nạn ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng.

Luật chống tiếng ồn ơi, cứu tôi với!

Tiếng ồn từ những chiếc loa tập thể dục của nhà văn hoá, của những xưởng mài, xưởng đúc… Tiếng ồn làm không suy nghĩ gì được, không muốn ở trong nhà… Sau các bài viết “Chạy đâu trốn tiếng ồn” trên Tuổi Trẻ ngày 10-1 và “Cần có luật chống tiếng ồn” trên Tuổi Trẻ ngày 3-1, đã có 33 ý kiến kể tiếp câu chuyện của mình.

Không thể nghỉ ngơi

Chúng tôi ở đường Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM. Suốt gần một năm qua, người dân khốn khổ vì ô nhiễm bụi bặm và tiếng ồn do công trình xây dựng gần nhà. Chúng tôi được biết họ làm tới ba năm mới hoàn tất công trình. Họ hoạt động liên tục suốt từ 7g30 đến tối, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Điều đáng nói nhất là cứ cách hai tuần một lần, vào ngày thứ bảy công trình hoạt động liên tục từ 7g30 đến 18g, 19g, tạm ngưng và bắt đầu lại từ 23g30 cho tới tận 5g sáng chủ nhật hôm sau.

Không biết phải mô tả như thế nào về tiếng ồn mà công trình này gây ra, khiến chúng tôi, những hộ dân xung quanh, sống dở chết dở với những tiếng nện ầm ầm khi họ đổ bêtông và những tiếng đập, đóng vang dội khắp khu vực. Chúng tôi không thể nào nghỉ ngơi gì được và phải hít thở khói bụi dày đặc từ công trình này. Trong nhà, bàn ghế lau chùi liên tục nhưng bụi vẫn bám đầy, dơ bẩn vô cùng.

Chúng tôi thấy thanh tra xây dựng xuống vài lần nhưng rồi công trình vẫn hoạt động ì xèo, không một chút quan tâm tới người dân trong khu vực. Chúng tôi đã phản ảnh với UBND P.7, Q.3 nhưng vẫn không thấy hiệu quả gì.

Mỗi ngày chúng tôi chỉ ước mong được sống bình yên, không còn bị công trình này tra tấn nữa.

Anh Tran Ngoc (bidou2007@…)

Cúp điện mới đỡ ồn!

Tôi thấy cần phải thêm một tiếng nói để ủng hộ luật chống ô nhiễm tiếng ồn. Tôi ở P.13, Q.6. Nơi tôi ở là một con hẻm nhỏ. Mỗi ngày những tiếng ồn làm tôi khổ sở, giận dữ, bức xúc mà không thể nào làm cho chúng chấm dứt. Nếu người khác bị tiếng ồn từ nhạc, từ còi xe, từ loa phường… thì ở đây tôi khổ vì tiếng ồn của những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư. Tiếng ồn này ai phải chịu đựng rồi mới hiểu. Hàng xóm láng giềng thân thiết vậy mà người ta cũng làm khổ mình được. Người ta sản xuất với các loại máy móc cơ khí, tiếng mài, tiếng cưa, tiếng máy rền suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng… Những ngày cúp điện, tuy khổ vì nóng nực nhưng bù lại… đỡ ồn.

Tiếng ồn thật là ghê gớm, nó làm tôi không suy nghĩ gì được, không tha thiết muốn ở trong nhà. Có làm đơn kiện thì người ta nghỉ làm được ít lâu rồi tiếp tục đâu lại vào đấy, ồn hơn, bụi hơn, khổ hơn. Trong nhà lúc nào hai lỗ tai cũng kêu u u suốt ngày, đi khám thì uống thuốc vài bữa, tiếng ồn tiếp tục làm mình đau. Tuổi 53 như tôi thì dễ bị các chứng bệnh về huyết áp, tim mạch, có thêm tiếng ồn và bụi bặm, những căn bệnh này cứ như đứng chực ngoài cửa. Tôi không có đủ điều kiện tài chính có thể kiếm một căn nhà khác để tránh khỏi tiếng ồn ghê gớm, quỷ quái này.

Cuộc sống của tôi là kế bên những căn nhà làm ồn, làm khổ tôi từng ngày. Luật chống ô nhiễm tiếng ồn ơi, cứu tôi với!

Thái Thị Phi Hồng (P.13, Q.6, TP.HCM)

Trả lại yên tĩnh cho mọi người

Tại nơi chúng tôi ở là cư xá Thanh Đa (P.27, Q.Bình Thạnh), đều đặn hai lần mỗi ngày từ 6g30-7g30 và từ 16g-17g30 (trừ chủ nhật), chúng tôi bị lớp thể dục thẩm mỹ nữ hành hạ. Họ mở nhạc quá lớn mà không hề biết cách âm là gì, cũng không cần tôn trọng sự yên tĩnh của người dân sống xung quanh khu vực. Việc mở nhạc ồn ào này đã được báo Công An TP.HCM lên tiếng phản ánh hai lần trong năm 2008 và báo Tuổi Trẻ đăng một lần nhưng chính vì không ai nhắc nhở, xử phạt nên sau đó họ lại làm phiền bà con.

Không chỉ lớp thể dục thẩm mỹ, quán cà phê, nhà dân vô tư hát karaoke… ồn ào mà xung quanh khu tôi ở còn những quán nhậu khuya gây mất trật tự. Rồi nhiều cửa hàng bán quần áo trên phố cũng ra sức tra tấn người khác khi mở nhạc hết công suất. Những người sống gần chợ càng bị phiền toái hơn bởi tiếng ồn đủ loại từ nửa đêm về sáng, đó là những âm thanh từ xe tải, xe máy chở thịt heo về, tiếng thau chậu nhôm vứt ầm ầm giữa khuya, tiếng máy cắt thịt heo rè rè thâu đêm và đôi khi còn xuất hiện cả những tiếng cãi nhau mất an ninh trật tự. Chúng tôi mong luật chống tiếng ồn sớm ra đời, trả lại sự yên tĩnh cho mọi người.

NGUYỄN TUYẾT TRINH (P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Kiện để được yên tĩnh

Pháp luật đã có quy định về tiếng ồn ở khu dân cư, các thông số kỹ thuật cho phương tiện lưu thông, cấm lắp đặt còi hơi, cũng như quy định về thời gian mở cửa các quán cà phê, karaoke, nhà hàng… Thế nhưng việc xác minh mức độ vi phạm, xác định thiệt hại về sức khoẻ rất khó thực hiện. Đồng thời công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chính vì thế hiện nay nạn ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn trong việc xử lý những vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn, nhằm trả lại một chút yên tĩnh cho thành phố.

Pháp luật hiện hành về xử phạt hành vi gây tiếng ồn đã quá chi tiết và rõ ràng, vấn đề là các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt chức trách của mình hay chưa. Theo điều 12 nghị định 117/2009/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định (mức ồn cho phép là dưới 70dB) thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính từ 2-100 triệu đồng, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Nghị định vừa nêu cũng đã quy định rất rõ thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí thì hình như các cơ quan này chưa quyết tâm lắm về việc xử lý dứt điểm cơ sở gây tiếng ồn.

Trường hợp cơ quan chức năng quá thờ ơ với nỗi khổ của người bị tra tấn bởi tiếng ồn thì ở góc độ người dân có thể nhờ tổ chức có chức năng đo tiếng ồn và nhờ thêm thừa phát lại lập vi bằng địa điểm và thời gian đo tiếng ồn. Việc này nhằm củng cố chứng cứ để kiện tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn ra toà án và yêu cầu toà án buộc chấm dứt hành vi gây tiếng ồn và bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, nếu có.

Đã đến lúc người bị tra tấn nên chủ động khởi kiện tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn nhằm bảo đảm quyền được nghỉ ngơi bình thường của mình.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

 Gây tiếng ồn phải coi là phạm pháp

Hầu hết bạn bè người nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ châu Âu, khi được tôi hỏi về cảm nghĩ riêng đối với tiếng ồn ở các đô thị tại Việt Nam đều trả lời bằng cái lắc đầu ngao ngán. Có người thậm chí còn cho rằng phải xếp Việt Nam vào số những quốc gia có vấn nạn nghiêm trọng về tiếng ồn trong cuộc sống thị dân.

Ở các nước, nhà chức trách can thiệp từ rất sớm để khắc chế, hoặc ít ra là hạn chế trong chừng mực có thể được, ảnh hưởng xấu của tiếng ồn đối với chất lượng cuộc sống, nói chung đối với sự phát triển xã hội bền vững.

Thật ra không thể cấm người ta tạo ra tiếng động, bởi suy cho cùng, đó là một phần nội dung của quyền tự do cá nhân. Khi chấp nhận sống trong không gian chung, con người đồng thời phải chấp nhận những điều phiền toái, bất tiện có nguồn gốc từ những hành vi được người láng giềng thực hiện theo ý thích của họ.

Dẫu sao, nguyên tắc tự do trong quan hệ cộng đồng đòi hỏi một mặt chủ thể có đầy đủ sự tự do của mình và mặt khác, chủ thể phải tôn trọng tự do đầy đủ của mọi chủ thể khác. Vả lại, không ai bị buộc hi sinh lợi ích riêng tư của mình vì lý do cần bảo vệ lợi ích riêng tư của người khác.

Nói riêng về quan hệ láng giềng, cũng bởi vì sự chấp nhận điều phiền toái, bất tiện là bắt buộc, mà việc có người nào lạm dụng sự chấp nhận đó, thể hiện thành những hành vi mang tính quấy nhiễu vượt quá sức chịu đựng của người xung quanh, phải bị coi là việc làm không chính đáng và bị chế tài.

Cụ thể, một khi có đầy đủ bằng chứng về mối liên hệ nhân quả giữa hành vi gây tiếng ồn của một người và những thiệt hại vật chất, tinh thần người khác gánh chịu, thì người gây tiếng ồn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp không chỉ cuộc sống cá nhân mà cả sinh hoạt cộng đồng, trật tự công cộng cũng bị ảnh hưởng xấu do những hành vi loại này, thì người thực hiện hành vi có thể còn phải bị xử phạt hành chính và phải trả một khoản tiền lớn; thậm chí người này có thể bị truy tố theo pháp luật hình sự và phải ngồi tù, một khi hành vi thực hiện bị cho là nguy hiểm đối với xã hội.

Tất cả những điều này cũng được thừa nhận ở Việt Nam và được ghi nhận trong các văn bản luật. Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Toà án ngại can thiệp, các cơ quan hành chính cũng chẳng biết làm gì mỗi khi người dân kêu nài.

Chắc chắn, cộng đồng không thể được coi là có trật tự và văn minh trong điều kiện mỗi người có quyền thụ hưởng cuộc sống của riêng mình theo cách gì đó tùy thích, kể cả việc “tra tấn” người khác. Với tư cách là người đảm nhận chức năng tổ chức, quản lý cuộc sống xã hội, nhà chức trách công phải đầu tư thoả đáng cho việc hoàn thiện khung chuẩn mực ứng xử nhằm bảo đảm sự bình yên, thoải mái của cuộc sống trong không gian chung.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN