Làng cổ, phố cổ: nhiều sãi không ai đóng cửa chùa

Nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình quê tôi phá nhà cổ, xây nhà mới là nhà cổ vừa thấp vừa chật hẹp, ba bốn thế hệ cùng ở quá chật chội. Hơn nữa, hầu hết nhà cổ đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không tiện cho sinh hoạt và rất bẩn vì gỗ bị mối mọt, tường bong tróc…

Làng cổ, phố cổ: nhiều sãi không ai đóng cửa chùa

Là người dân ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), tôi rất tâm đắc với bài viết “Khổ vì làng cổ, phố cổ” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 5 và 6-1. Theo tôi, bài viết đã nêu được những vấn đề bất cập, bức xúc nhất trong bảo tồn các di tích làng cổ, phố cổ, trong đó có Đường Lâm.

Nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình quê tôi phá nhà cổ, xây nhà mới là nhà cổ vừa thấp vừa chật hẹp, ba bốn thế hệ cùng ở quá chật chội. Hơn nữa, hầu hết nhà cổ đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không tiện cho sinh hoạt và rất bẩn vì gỗ bị mối mọt, tường bong tróc…

Kinh tế bây giờ khá lên, người quê tôi thường bảo nhau: Vận động giữ nhà cổ nhưng không cho dân hưởng lợi gì thì giữ làm gì cho khổ? Ở Đường Lâm có một số gia đình cán bộ, đảng viên cũng phá nhà cổ, xây nhà mới. Thêm nữa, việc không kiên quyết đình chỉ những công trình vi phạm ngay từ đầu đã dẫn đến tình trạng “người ta xây được thì mình cũng làm được”.

Điều rất vô lý là ở Đường Lâm, lãnh đạo xã, thôn trực tiếp quản lý địa bàn nhưng không nằm trong thành phần của ban quản lý di tích làng cổ (?), nên trách nhiệm của chính quyền cơ sở chưa được phát huy. Chính vì “việc ai nấy làm” nên mới có nghịch cảnh chính quyền cho xây nhà văn hoá thôn “mới toe, loè loẹt” ngay cạnh các di tích cổ!

Từ thực tế ở làng cổ Đường Lâm cho thấy việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích làng cổ, phố cổ là một bài toán khó, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chứ không thể nói suông mà thành công.

Đa số những bất cập trong bảo tồn các di tích cổ đều bắt nguồn từ cơ chế, do đó giải pháp then chốt, đột phá cũng phải nhằm vào khâu này.

Trước tiên, cần củng cố bộ máy các ban quản lý di tích gồm những người có tâm, có tài và không thể thiếu lãnh đạo chính quyền sở tại; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong việc bảo tồn di tích, khắc phục triệt để tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.

Khi bảo tồn, tôn tạo các di tích làng cổ, phố cổ nhất thiết phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các nhà văn hoá. Quy trình bảo tồn cần ưu tiên tôn tạo công trình của tư nhân trước, công trình công cộng sau (ở Đường Lâm lại tu sửa đình chùa trước, khi làm xong các công trình công cộng thì dân đã phá mất nhiều nhà cổ rồi). 

Một việc có tính cấp bách và không thể không làm là phải có chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở cho những gia đình trong khu vực làng cổ, phố cổ cần bảo tồn (đi đôi với ký cam kết giữ nguyên trạng công trình nhà cổ hiện có).

Đối với những công trình vi phạm quy định bảo tồn di tích phải kiên quyết lập biên bản, bắt buộc tháo dỡ để người dân không tiếp tục vi phạm.

Trong cơ chế thị trường, chỉ khi nào giải được “bài toán lợi ích” (lợi ích của người dân được tôn trọng, giải quyết thỏa đáng) thì việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá nói chung, làng cổ, phố cổ nói riêng mới có hiệu quả.