Tiếng mõ–=–Vọng lên giữa nhộn nhịp buổi mai có một âm thanh lạ: tiếng mõ của ai đó đang cầu kinh, đẩy thời gian trôi vào một cõi.

Tiếng mõ

Vọng lên giữa nhộn nhịp buổi mai có một âm thanh lạ: tiếng mõ của ai đó đang cầu kinh, đẩy thời gian trôi vào một cõi. Tầng nhà cao, có giàn treo cây cảnh, cửa sổ buông mành thấp thoáng dáng một người đàn bà đang ngồi xếp gối, mắt chăm đắm theo quyển kinh Phật.

Xe cộ có đôi lần tắc nghẽn, người đi đường bóp còi inh ỏi. Những bếp ăn nhanh bày biện ra trên vỉa hè, nào là phở, bún, chả cá, bánh chưng rán, thịt xiên, bánh mì kẹp thịt… Mùi của thực phẩm đủ lôi kéo thực khách chen chân vào để lấp chỗ trống cái dạ dày. Những gánh hàng hoa còn ngậm sương đêm bắt đầu dạo phố.

Nhiều đôi vai oằn xuống vì đôi quang gánh chất đầy các loại quả của miền nhiệt đới. Họ bước vào một ngày mưu sinh bán dạo trong phố cổ. Dường như họ vẫn lưu tâm một tiếng mõ cầu kinh chậm rãi, đều đều.

Một nghệ sĩ già bước vào quán cà phê, chọn góc tĩnh lặng để ngắm phố phường. Ông lúi cúi đọc báo và thi thoảng đưa ánh mắt trầm tư tìm một thứ gì đó. Bất chợt, ông rút vội chiếc bút chì ra và ghi nhanh mấy ký tự liên tiếp nhau trên lề của tờ báo: “đục và trong/tiếng mõ/khát bình yên”. Không phải đang làm thơ, nhưng nghệ sĩ đang nhạy thính và dành chút suy cảm sớm nhất của một ngày cho một thanh âm gợi tịch mịch giữa phố đông.

Đối diện với ngôi nhà của người đàn bà cầu kinh là một khách sạn 4 sao toạ lạc. Bao nhiêu du khách dừng chân sau hổn hển đường xa thì có bấy nhiêu đôi tai nghe ngóng tiếng mõ. Lắng đọng và nhẹ nhàng, họ như bắt gặp một dư âm thảnh thơi giữa một góc Hà Nội.