Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn–=– Đạo lý “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” vẫn rất cần trong cuộc sống, trong bất cứ thời đại nào…

Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn

Ký sự pháp đình “Lòng độ lượng” (Tuổi Trẻ ngày 12-11) viết về chuyện ông Nguyễn Trí tha thứ cho hung thủ đã giết chết con của ông, đồng thời ông và vợ kiên trì xin toà án giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang. Bài viết sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, tất cả đều nói lên sự cảm phục về lòng vị tha của vợ chồng ông Trí.

Bạn đọc hungnguyen viết rằng ông Trí đã gửi đến mọi người bài học vị tha, “một bài học mà tôi tin rằng không một hung thủ nào hoặc sát thủ nào lại không thấm thía, và ông cũng đã giải cho những người có lòng căm thù như tôi một bài học quá khó”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Trâm Anh thì mong: “Giá cuộc sống có nhiều hơn nữa những người “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” như bác Trí thì có lẽ sẽ không còn nhiều những cái chết đau thương”.

Xin giới thiệu chia sẻ của bạn đọc Thanh Vân như một ý kiến đúc kết:

Câu chuyện “Lòng độ lượng” của ông Nguyễn Trí hết sức đặc biệt, hiếm hoi trong xã hội ngày nay. Khi mà lắm người chỉ muốn tranh giành, hơn thua, thậm chí đâm chém nhau chỉ vì một xích mích, va chạm nhỏ.

Tuy rất đau lòng với cái chết của con mình nhưng ông đã bình tâm suy xét, đặt mình vào tâm trạng, hoàn cảnh của người khác… Và với cái nhìn sâu xa, nhân hậu, ông nhận ra dẫu sao hung thủ cũng chỉ là nạn nhân của sự thiếu chăm nom, giáo dục để rút ra một điều: hung thủ cần được giáo dục hơn là trừng trị.

Câu chuyện của ông làm tôi nhớ lại lần đi dự phiên toà cách đây gần 40 năm. Bị cáo là một thanh niên 18 tuổi dùng búa đập đầu một nhà sư, cướp chiếc Vespa rồi bỏ đi vì nghĩ nhà sư đã chết. Tại toà, nhà sư lên tiếng xin tha bổng vì hung thủ tuổi đời còn trẻ, chẳng qua nghiện ngập xì ke, ma tuý phải làm liều. Ông khẳng định bị cáo chỉ là nạn nhân của một xã hội đầy rẫy tệ nạn…

Tất nhiên cả ông Nguyễn Trí và vị sư kia không thể xin tha tội cho bị cáo được hoàn toàn, vì luật pháp vẫn phải thi hành. Nhưng việc lên tiếng “xin tha” của hai người vẫn có giá trị lớn lao của nó.

Như tên cướp sau khi mãn hạn tù đã tìm gặp nhà sư nói lời cảm ơn, xin quy y tam bảo, trở thành một công dân tốt. Còn bị cáo Thùy Trang hôm nay tôi tin sẽ nhớ mãi những lời nói, hành động cao cả của vợ chồng ông Nguyễn Trí, đó cũng là bài học quý giá nhất trong những tháng ngày thụ án, là yếu tố then chốt, thuyết phục nhằm thay đổi, giáo dục một con người.

Đạo lý “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” vẫn rất cần trong cuộc sống, trong bất cứ thời đại nào…