Cần kịch bản ứng phó chi tiết cho từng địa phương

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, đến năm 2100 mực nước biển dâng nơi thấp nhất là 65cm, nơi cao nhất là 100cm. Tuy nhiên ở từng vùng, từng tỉnh cụ thể, nước biển có khả năng dâng khoảng bao nhiêu thì chưa có trong kịch bản. Trong đó cũng cần đưa ra nhiều yếu tố cụ thể hơn về lượng mưa, nhiệt độ…

Cần kịch bản ứng phó chi tiết cho từng địa phương

 “Chúng ta cần chi tiết hoá kịch bản ứng phó và hạn chế rủi ro do thảm hoạ thiên nhiên cho từng vùng.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, đến năm 2100 mực nước biển dâng nơi thấp nhất là 65cm, nơi cao nhất là 100cm. Tuy nhiên ở từng vùng, từng tỉnh cụ thể, nước biển có khả năng dâng khoảng bao nhiêu thì chưa có trong kịch bản. Trong đó cũng cần đưa ra nhiều yếu tố cụ thể hơn về lượng mưa, nhiệt độ…

Bản thân kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam (đã được công bố) vẫn cần được hoàn thiện hơn về mặt nội dung.

Hiện nay, chúng ta chưa thể biết rõ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra cho Việt Nam do biến đổi khí hậu là gì. Cần có phần đánh giá riêng để tìm ra phương thức sống chung với những điều tồi tệ nhất. Chúng ta sẽ phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau vừa là ứng phó, vừa là thích nghi với những điều tồi tệ đó. Một trong những phương pháp đó là vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn cần có cấu trúc nhà cửa mới để đảm bảo cách sống thích ứng hay phân vùng, tìm chỗ nào ít rủi ro nhất để ở.

Kịch bản biến đổi khí hậu của thế giới cũng như ở Việt Nam được xây dựng theo hai phương pháp: thứ nhất là quan trắc thực tế và thứ hai là dùng mô hình. Trên thế giới, người ta chuyển mô hình từ quy mô lớn thành quy mô nhỏ, dựng một bản đồ thô chung cho tất cả khu vực, sau đó chia nhỏ về từng khu vực cụ thể. Trên bản đồ này, Việt Nam, Hà Nội chỉ là những chấm nhỏ.

Ở Việt Nam hiện nay, người ta lấy quy mô chung, xây dựng kịch bản theo phương pháp quan trắc số liệu thực và theo mô hình. Phương pháp mô hình dựa vào độ phát thải nhà kính để tính toán. Tuy nhiên, bản thân kịch bản đó cũng mới được xây dựng ở giai đoạn sơ khai, cần cập nhật thường xuyên theo cả hai phương pháp: dựa theo số liệu quan trắc thực và phương pháp chạy mô hình.

Đồ hoạ: Kỳ Thư

Một vấn đề khác là thời gian quan trắc hiện quá ngắn. Ở Việt Nam, theo số liệu quan trắc thì mới ghi nhận được 40-50 năm là cùng,  trong đó lại gắn với những chu kỳ biến động dài hạn 30, 50 năm. Nếu ta quan trắc trong vòng 50 năm thì chỉ có thể lặp lại một lần chu kỳ dài ấy thôi, thậm chí nó nằm ở một pha, pha tiến hoặc pha thoái của một dao động thì chưa thể nói nên điều gì.

Tôi vẫn cho rằng theo hiện tượng lũ lụt vừa rồi ở miền Trung, nói đến biến đổi khí hậu người ta phải nói đến một điều nữa là biến động khí hậu. Biến động khí hậu nghĩa là sự thay đổi của khí hậu theo một chu kỳ nhất định. Chu kỳ đó có thể kéo dài hàng năm, có thể nhiều năm, có thể rất nhiều năm. Lũ lụt ở miền Trung có thể là một pha dao động khí hậu.

Những năm gần đây nhất, lượng mưa ở khu vực phía Bắc và khu vực Nam bộ ít đi. Còn ở khu vực miền Trung, đặc biệt ở một vài nơi như Đà Nẵng, Quy Nhơn… quan trắc đều cho thấy lượng mưa tăng lên. Với xu thế như hiện nay, trong những năm tới lượng mưa khu vực miền Trung sẽ tăng lên. Do vậy phải giúp các địa phương đưa ra các chương trình hành động ứng phó cụ thể phù hợp kịch bản biến đổi khí hậu với những thông số mới.

GS ĐINH VĂN ƯU – Khoa Khí tượng thuỷ văn và hải dương học (ĐH Quốc gia Hà Nội)

NGUYỄN HÀ ghi

Tính sổ “lũ cạn” ở ĐBSCL 

Những năm lũ ngập sâu, từ năm 2000 về trước, các tỉnh đều có nêu con số thiệt hại đáng kể về người và của. Đó là những thiệt hại thấy rõ trước mắt. Nhưng “lũ cạn” bất thường ở đồng bằng sông Cửu Long trong vài năm nay đem đến những thiệt hại lâu dài và không kém phần khốc liệt mà tới nay chưa thấy các tỉnh thống kê.

Đó là thiếu nguồn nước, cá khan hiếm, mặn ngập sâu, lúa bị chết, vườn trái cây mất mùa, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Một ví dụ đơn giản: lũ bình thường đem về hàng triệu tấn tôm cá, đem lại công ăn việc làm, giải quyết nguồn thức ăn cho hàng trăm ngàn người. Nay không lũ, ta mất số đó. Mặn vào sâu, nội đồng thiếu nước, ruộng lúa phải tốn xăng dầu bơm, côn trùng dịch hại phát triển do không có lũ rửa trôi, lúa, trái cây bị giảm năng suất, chi phí tăng cao… ta cũng mất một số đáng kể nữa.

Thiếu nước còn ảnh hưởng tới nghề nuôi trồng thuỷ sản, thế mạnh con tôm và cá ba sa xuất khẩu không còn do giảm năng suất, ta tiếp tục mất một nguồn thu ngoại tệ lớn. Nếu “lũ cạn” kéo dài, nguy cơ mất nguồn lợi thuỷ sản là khó tránh khỏi.

Việc thống kê thiệt hại đó sẽ cho thấy trách nhiệm của các nhà lãnh đạo địa phương, để họ bức xúc mà tìm cách giải quyết. Tôi còn nhớ những năm lũ lớn 1994, 1998, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh nào để xảy ra thiệt hại nặng về người và của sẽ bị kỷ luật. Bây giờ lũ kém không nghe ai nói gì, trong khi lẽ ra cũng phải tính sổ như vậy. Ví dụ như trách nhiệm vì không lo biện pháp giữ gìn, bảo vệ nguồn nước. Nước là tài nguyên quốc gia, để thất thoát tài nguyên phải bị quy trách nhiệm.

Giải pháp cho chuyện “lũ cạn” sẽ bắt đầu từ các tỉnh đầu nguồn – nơi có trách nhiệm lưu trữ nguồn nước. Vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên có hàng ngàn lung, hồ, ao, lại thêm đất trũng ngập nước. Đó là điều kiện tốt để có giải pháp tạo vùng chứa nước. Các kênh thoát lũ trước đây nay không còn lũ lấy gì “thoát”, nên xem xét còn tác dụng nữa không, nên có giải pháp gì để giữ nước? Và không thể không nói đến nước mưa là nguồn nước trời cho quý giá, cần có biện pháp lưu trữ.

Trong khi chờ đợi chính phủ các nước bàn thảo và tìm ra giải pháp cho vấn đề xây dựng các đập thuỷ điện trên sông Mekong, tại sao ta không tự cứu mình trước? Ví dụ như có nên coi lại quy hoạch phát triển thuỷ sản ồ ạt hiện nay, tránh để việc nuôi trồng thuỷ sản làm gia tăng nguy cơ với môi trường.

Muốn có 1 triệu tấn cá ba sa xuất khẩu thì phải mất bao nhiêu triệu tấn cá bột? Cá bột cũng từ nước lũ mà ra. Khi hết lũ, cá bột không còn thì cá nuôi cũng chết. Lúa cũng vậy, trong tình hình thiếu nước này cũng nên xem lại việc mở rộng diện tích, thay vào đó là tăng cường làm hồ chứa nước.

TS DƯƠNG VĂN NI chuyên gia đất ngập nước, giám đốc Trung tâm Hoà An (ĐH Cần Thơ)

DƯƠNG THẾ HÙNG ghi

 

Sống thích nghi như người Bangladesh

Với 140 triệu dân, trong đó 100 triệu người sống ở nông thôn, Bangladesh là một trong những nước có mật độ dân số lớn nhất thế giới, cũng là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhưng họ đã tìm được cách thích nghi.

Một lớp học trên thuyền ở Bangladesh

 Ảnh: learningforlifeuk.org

Khi 2/3 diện tích Bangladesh chỉ cao hơn mực nước biển 5m và trung bình hằng năm 1/4 lãnh thổ bị chìm dưới nước thì trong những năm lũ lớn có thể 60% đất nước này ngập trong nước.

Có đủ vấn đề ở đây liên quan đến biến đổi khí hậu, cả tự nhiên và xã hội: dân số đông và tăng nhanh, khí hậu thay đổi thất thường, nước biển dâng, mùa mưa kéo dài và tình trạng băng tan từ dãy Himalaya do Trái đất ấm lên. Theo nghiên cứu “Bangladesh: kinh tế học của thích nghi biến đổi khí hậu” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, chính quyền nước này đã đầu tư 10 tỉ USD trong 35 năm qua để giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai.

“Bangladesh giống một phòng thí nghiệm sống cho nghiên cứu thích nghi biến đổi khí hậu” – Saleemul Huq, người đứng đầu Trung tâm quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển tại London (Anh), nói. Ngay lúc này, chỉ tính riêng thiệt hại trực tiếp hằng năm trong 10 năm qua, biến đổi khí hậu khiến Bangladesh mất 0,5-1% GDP, theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc.

Chính cuộc chiến chống chọi với thiên nhiên kéo dài đã khiến Bangladesh rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu và triển khai hàng loạt hoạt động thích nghi khác nhau. Ở cấp chính quyền là các chương trình ngăn lũ, xâm nhập mặn và gia tăng sản xuất nông nghiệp tại những vùng trũng, xây đê biển và tăng cường hệ thống thoát nước cho đô thị, xây dựng các dự án “vành đai xanh” ven biển, tăng cường hệ thống tưới tiêu để canh tác trong mùa khô…

Nhưng người dân cần những giải pháp ngắn hạn và cụ thể để thích nghi với các cơn bão và những trận lũ không mong đợi. Mục tiêu hàng đầu vẫn là giảm số thiệt hại về người. Một cách thiết thực, chính quyền đã xây hàng loạt trung tâm trú ẩn thiên tai chắc chắn bằng bêtông dọc bờ biển hoặc tận dụng những cơ sở công cộng như trường học, trạm y tế, toà nhà chính quyền… để di dời dân khỏi những căn nhà lá lụp xụp ngay khi bão đến.

Reuters dẫn nguồn từ Bộ Đối phó tình trạng khẩn cấp Bangladesh cho biết cả nước hiện đã có 2.853 trạm trú ẩn như thế dọc 16 huyện ven biển, nhưng họ cho biết sẽ cần thêm khoảng 2.500 trạm trong các năm tới. “Chúng tôi cần thêm tài trợ để xây các trung tâm trú ẩn này” – Mokhlesur Rahman, bộ trưởng Bộ Đối phó tình trạng khẩn cấp, nói. Ông ước tính để xây một trung tâm đầy đủ tiện nghi cần 285.000 USD và chính quyền đang vận động tài trợ quốc tế, hiện đã đủ để xây thêm 482 trung tâm trú ẩn.

Tác dụng của những trạm trú ẩn này hết sức ấn tượng. Đến tận đầu những năm 1990, các trận bão lớn ở Bangladesh có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, nhưng chiến lược “trạm trú ẩn ven biển” đã giảm mạnh con số đó. Số người chết trong trận bão kinh hoàng Sidr năm 2007 là khoảng 5.000 người. Còn trận bão Aila tuy phá huỷ nhà cửa của 87.000 người và quét sạch 400km đường sá, song con số người chết đã giảm rất nhiều, khoảng 300 người.

Còn để đối phó với lũ lụt, người dân chuyển cuộc sống lên những bè nổi. Trong một phóng sự thực hiện tháng 7-2010, Hãng tin Mỹ CNN đã quay cảnh học sinh Bangladesh chuyển lớp học của mình lên những chiếc bè nổi vào mùa lũ. Liên Hiệp Quốc ước tính đến cuối thế kỷ này 18% diện tích lãnh thổ Bangladesh sẽ chìm trong nước biển.

Shidhulai Swanirvar Sangstha, một nhà giáo dục thiện nguyện, đã chuẩn bị trước bằng cách xây dựng các ngôi trường trên mặt nước bao gồm đầy đủ thư viện, phòng máy tính với khoảng 30 học sinh mỗi lớp học trong bốn giờ mỗi ngày, sáu ngày một tuần. Những em nhỏ bình thường phải di chuyển ngập trong bùn lầy để đến lớp vào mùa mưa giờ có thể đi học thoải mái trên những con thuyền buýt do nhà trường cung cấp.

Các ngôi trường này phổ biến tới mức Sangstha hi vọng trong tương lai không xa ông có thể quyên góp đủ tiền để xây các lớp học nổi cho ít nhất 180.000 học sinh.