Miền Trung lại hứng lũ: Người dân đối mặt với đói khát

Lũ lớn dồn dập đổ về Bình Định, Phú Yên khiến hàng chục ngàn hộ dân bị cô lập giữa biển nước chảy xiết. Cuộc sống người dân, đặc biệt là những gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn, rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Miền Trung lại hứng lũ: 

Người dân đối mặt với đói khát

Lũ lớn dồn dập đổ về Bình Định, Phú Yên khiến hàng chục ngàn hộ dân bị cô lập giữa biển nước chảy xiết. Cuộc sống người dân, đặc biệt là những gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn, rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. 

Hàng ngàn hộ dân đang đói khát

Nằm ven đầm Thị Nại, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước (Bình Định) có tới 6 ngôi nhà bị sập. Đến chiều tối hôm qua 9.11, nước lũ vẫn còn bao vây tứ bề, dâng cao tràn ngập nhà dân. Phải di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, PV Thanh Niên mới tiếp cận được một trong nhiều địa bàn ở vùng rốn lũ Tuy Phước đang bị cô lập này. Hầu hết người dân đều co cụm trong nhà tránh lũ, chẳng thể làm được công việc gì. 

 

Bị chia cắt nhiều ngày, nhân dân trên địa bàn rất cần được cứu trợ khẩn cấp – Ông Lương Văn Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Thắng, H.Tuy Phước, Bình Định

 

Suốt ngày hôm qua, cả nhà ông Nguyễn Xuân Tài (54 tuổi, ở thôn Vinh Quang 2) oằn mình vật lộn với mưa to, lũ lớn. Ngôi nhà của gia đình ông vốn ọp ẹp đã không thể chống chịu được sức tàn phá của lũ dữ. Mới rạng sáng, nó bất ngờ đổ sập tan hoang. Rất may là ông cùng vợ và 2 đứa con kịp thoát ra ngoài. Không có chỗ trú ẩn, ông đành phải căng tấm bạt dựa sát vào nhà hàng xóm để ở tạm.

Khi chúng tôi đến thăm, bà Nguyễn Thị Tuyết (65 tuổi, ở thôn Vinh Quang 2) nước mắt ngắn dài. Cả đời làm lụng vất vả, bà Tuyết và chồng là ông Huỳnh Chớ (78 tuổi) mới dựng được ngôi nhà, sống cùng người con trai bệnh tật. Ngập chìm giữa nước lũ, ngôi nhà đã bị sập đổ trong đêm tối. “Vợ chồng tui cố sức thu lượm cả buổi cũng chỉ còn sót lại vài viên ngói. Giờ tài sản chỉ còn lại mấy chục con vịt, may mà chưa bị nước lũ cuốn trôi, nhưng nếu bán đi chỉ được mấy trăm ngàn. Số tiền chừng ấy cũng chỉ giúp mua được ít gạo chống đói mà thôi”, bà Tuyết nói trong nước mắt.

Theo ghi nhận, nhiều ngôi nhà ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước nước ngập gần tới mái. Đường dẫn vào thôn Lục Lễ, thị trấn Diêu Trì bị chia cắt hoàn toàn. Tỉnh lộ 640 đoạn qua các xã Phước Thắng (Tuy Phước), Cát Thắng, Cát Chánh (Phù Cát) bị ngập sâu hơn 2m. Ông Lương Văn Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Thắng, cho biết qua điện thoại: “Cả xã có 14 ngôi nhà bị sập. Bị chia cắt nhiều ngày, nhân dân trên địa bàn rất cần được cứu trợ khẩn cấp…”.

Tại Phú Yên, mưa lớn ở vùng hạ du, trong khi đó cả 2 hồ thuỷ điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ cùng xả lũ với lưu lượng gần 6.500 m3/giây nên nhiều xã ven sông Ba thuộc các huyện Tây Hoà, Phú Hoà, Đông Hoà và TP Tuy Hoà ngập chìm trong nước lũ. Quân đội và công an phải điều động ca-nô tổ chức sơ tán những hộ dân ở  2 xã Hoà Trị và Hoà An.

 

15 người chết và mất tích

Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, tính đến chiều tối qua, toàn tỉnh có gần 50 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 113 nhà bị hư hỏng nặng, 3.815 nhà bị ngập sâu; 7 người chết, 1 người mất tích và 2 người bị thương. Tại Phú Yên, trong đợt mưa lũ từ 1-9.11, toàn tỉnh có 6 người chết, 1 người mất tích.

 

Tỉnh Phú Yên cũng đã xuất khẩn cấp 300 thùng mì tôm, 200 thùng nước uống đến ứng cứu cho những vùng bị lũ cô lập kéo dài mấy ngày qua. Chị Nguyễn Thị Hồng Phận ở thôn Qui Hậu, xã Hoà Trị, H.Phú Hoà, cho biết: “Giếng đã ngập sâu trong lũ nên phải hứng nước mưa để uống, còn nước rửa chén, giặt quần áo thì dùng nước lũ. Hơn nữa, lũ kéo dài gần 10 ngày nay, củi đã không còn nên có gạo cũng như không”.

Ông Nguyễn Bá Lộc, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, chỉ đạo thuỷ điện Sông Hinh ngưng xả lũ vào trưa 9.11, còn thuỷ điện Sông Ba Hạ xả với lưu lượng 4.000 m3/giây để giảm uy hiếp vùng hạ du trong đêm 9.11. 

Nhiều tuyến đường bị sạt lở

Sáng 9.11, tại Km 1294+820 trên QL1A thuộc địa phận xã An Dân, H.Tuy An, Phú Yên đã bất ngờ sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Tại hiện trường, vết nứt kéo dài hơn 60m, rộng 25 cm, sâu từ 0,5-1m, làm mặt đường hai bên vết nứt chênh nhau gần 40 cm. Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho biết trước mắt dùng rọ đá rào chắn xung quanh vị trí sụt lún, sạt lở và tiến hành mở đường tránh để đảm bảo việc thông xe.

Trước đó, lúc 20 giờ tối 8.11, tại Km 1230+470 thuộc xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh (Khánh Hoà) tiếp tục bị sạt lở làm một lượng lớn đất đá nằm chắn ngang đường sắt, gây ách tắc trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Ngay sau đó, ngành đường sắt phối hợp với lực lượng công binh tỉnh Khánh Hoà dùng chất nổ phá đá để giải phóng đường. Hiện tuyến đường sắt đã thông trở lại.

Tại Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Tại H.Sơn Tây, mưa lớn làm các tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã Sơn Long, Sơn Lập, Sơn Tân, Sơn Tinh, Sơn Mùa, Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Dung bị sạt lở hàng chục nghìn mét khối đất đá, giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn. 15 ngôi nhà của người dân ở xã Sơn Dung bị sập, hư hỏng nặng. Ngay trong sáng 9.11, huyện đã khẩn trương di dời 6 hộ dân ở Tập đoàn 18, xã Sơn Long đến nơi ở tạm.

Mưa lũ cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Di Lăng – Trà Trung (từ huyện Sơn Hà đi Tây Trà).