Tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai: Phải tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật

Đây là điều được các nhà khoa học lưu ý đối với chủ đầu tư về xây dựng các hồ chứa bùn đỏ qua chuyến khảo sát thực tế tại hai dự án khai thác bôxit chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ.

Tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai: Phải tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật

Đây là điều được các nhà khoa học lưu ý đối với chủ đầu tư về xây dựng các hồ chứa bùn đỏ qua chuyến khảo sát thực tế tại hai dự án khai thác bôxit chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ.

Sáng 7-11, đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ do GS.TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội – dẫn đầu đã khảo sát thực địa khu vực xây dựng nhà máy và hồ chứa bùn đỏ của dự án alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông. Dự án làm lễ khởi công từ tháng 2-2010, theo chủ đầu tư là Công ty cổ phần alumin Nhân Cơ – TKV, ngày 18-10 mới phát động thi công.

Đề nghị điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu alumin

Ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần alumin Nhân Cơ – TKV, cho biết tổng vốn đầu tư xây dựng của dự án từ khi triển khai đến nay đã hơn 2.658 tỉ đồng, trong đó có hơn 2.288 tỉ đồng tạm ứng cho nhà thầu Chalieco. Hiện nhà thầu đã triển khai khoan cọc nhồi ở một số điểm trên khu vực xây dựng nhà máy. Riêng công tác khoan thăm dò địa chất khu vực hồ bùn đỏ đã được nhà thầu thực hiện và lập xong thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ với diện tích 150ha.

Bộ Công thương cung cấp cho đoàn công tác một báo cáo tóm tắt kết quả thẩm định hiệu quả kinh tế của dự án được hội đồng thẩm định do bộ thành lập thực hiện. Hội đồng thẩm định kết luận dự án có hiệu quả kinh tế nhưng có rủi ro với chủ đầu tư, trong khi đối với Nhà nước thì có hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Theo hội đồng thẩm định, thuế xuất khẩu alumin hiện nay 20% và phí bảo vệ môi trường 30.000 đồng/tấn quặng nguyên khai là quá cao. Nếu điều chỉnh thuế xuất khẩu alumin giảm xuống còn 15% hoặc 10% thì hiệu quả kinh tế của dự án sẽ cao hơn.

An toàn nếu xây đúng kỹ thuật

Qua hai ngày khảo sát, GS.TSKH Đặng Vũ Minh đặt ra cho chủ đầu tư, các bộ và các nhà khoa học, chuyên gia độc lập tám câu hỏi, trong đó chủ yếu làm rõ độ tin cậy về các yếu tố bảo đảm an toàn cho hồ bùn đỏ.

Về nguy cơ thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, chuyên gia Trần Văn Trạch cho rằng với thiết kế kỹ thuật hiện nay, khả năng dịch xút trong bùn đỏ thấm ra ngoài và gây ô nhiễm là không có. Tuy nhiên, ông Trạch khuyến cáo Bộ Công thương và chủ đầu tư phải có tính toán độ lắng, kết rắn của bùn cho hợp lý và nếu cần thiết thì nên chuyển hẳn từ công nghệ thải ướt sang công nghệ thải khô với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ít hơn.

Về độ an toàn của đập chắn hồ bùn đỏ, PGS.TS Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học công trình, Đại học Thủy lợi – cho biết ban đầu nhà thầu thiết kế đập ở Tân Rai với hệ số an toàn 1,15 theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Hội đồng thẩm định yêu cầu nhà thầu phải điều chỉnh hệ số an toàn theo tiêu chuẩn VN là 1,25 và nhà thầu đã tiếp thu. Ông Chiến cho rằng thiết kế của đập là bảo đảm an toàn nhưng với điều kiện thi công đúng kỹ thuật. Do đó, ông đề nghị chủ đầu tư “phải tổ chức giám sát chặt từng công đoạn thi công, phải nghiệm thu xong từng phần mới cho thi công tiếp, không thể thi công ào ào”.

GS.TSKH Đặng Vũ Minh cho rằng cá nhân ông sau chuyến khảo sát này có những vấn đề đã được làm rõ, có những vấn đề làm rõ một phần và cũng có những vấn đề cần tiếp tục trao đổi, tìm hiểu. Ông Đặng Vũ Minh đề nghị Bộ Công thương và chủ đầu tư trong thời gian tới cần tổ chức những hội nghị để các chuyên gia của chủ đầu tư và chuyên gia của các bộ, ngành khác có dịp trao đổi thông tin nhiều hơn.