Triều cường lớn, TP.HCM ngập nặng

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đỉnh triều đo được tại trạm Cầu Bông lúc 19g ngày 25-10 là 1,49m (tương đương đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn). Đây là đỉnh triều lớn nhất từ đầu năm 2010 và làm 20 tuyến đường ở TP.HCM ngập nặng.

Triều cường lớn, TP.HCM ngập nặng

Báo Tuổi Trẻ, ngày 26/10/2010

 

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đỉnh triều đo được tại trạm Cầu Bông lúc 19g ngày 25-10 là 1,49m (tương đương đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn). Đây là đỉnh triều lớn nhất từ đầu năm 2010 và làm 20 tuyến đường ở TP.HCM ngập nặng.

Mới hơn 17g, triều cường đã tràn lên từ các miệng cống và nhanh chóng biến đường Phạm Hữu Lầu, Q.7 (gần khu vực cầu Phú Xuân) thành một “khúc sông” khiến nhiều người dân vừa tan sở làm đi qua khu vực này hết sức vất vả. Nhiều người đi xe máy chọn giải pháp an toàn là dắt bộ qua khu vực ngập nước có đoạn quá nửa bánh xe.

Theo nhiều người dân trong khu vực, liên tục hơn ba ngày qua khu vực này đều bị ngập nặng như vậy. Triều cường cũng lan rộng ra các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Nguyễn Tất Thành (Q.4).

Thủy triều từ sông Sài Gòn lên nhanh cũng biến đường Tầm Vu, P.26, Q.Bình Thạnh trở thành con đường ngập nặng nhất và làm nhiều hộ dân sống dọc đường này một phen khốn đốn. Nước ngập có đoạn lên đến gần yên xe, nhiều hộ dân sống ở đây phải dùng bao cát, ván và nhiều vật dụng chắn ngay cửa nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ngập nước.

Chị Nguyễn Thị Uyên Trâm cho biết: “Tôi dùng tấm ván cao hơn 30cm chắn ngay cửa nhưng triều mỗi lúc cao thêm, cầm cự được một lúc thì nước tràn qua luôn tấm ván. Cả nhà phải sử dụng máy bơm hỗ trợ vẫn không ăn thua”.

Cách đó không xa, hẻm 860 Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng chìm trong biển nước do bị thấp trũng. Nước ngập qua yên xe khiến hàng loạt chủ phương tiện phải bó gối chờ nước rút khi muốn lưu thông qua đoạn đường này.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định đỉnh triều sẽ giảm dần xuống 1,47m vào ngày 26-10 và tiếp tục xuống còn 1,44m, 1,43m trong các ngày tiếp theo. Thời gian xảy ra triều cường từ 7g-9g và từ 20g-22g mỗi ngày.

Vẫn kẹt sà lan do triều cường

20 tuyến đường bị ngập

Trong đó, các tuyến đường bị ngập 0,2-0,3m là: Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Tất Tố, Tầm Vu (Q.Bình Thạnh), An Điền (Q.6), Nguyễn Hữu Hào (Q.4), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập (Q.7), Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương (Q.8). Các điểm ngập từ 0,05-0,15m như: Kha Vạn Cân, Gò Dưa (Q.Thủ Đức), An Điềm, Cao Văn Lầu (Q.5), Gò Công, Phạm Phú Thứ (Q.6), Hoàng Diệu (Q.4), Thảo Điền (Q.2)…

Ngày 25-10, triều cường tiếp tục gây tình trạng tắc nghẽn sà lan chở cát trên sông Sài Gòn. Lúc 12g ngày 25-10, đã xảy ra tai nạn giao thông thủy trên đoạn sông gần khu vực cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Theo ông Trần Văn Tém – phó Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP.HCM, thuyền trưởng Lê Phước Tấn khi điều khiển sà lan chuẩn bị lưu thông qua cầu Bình Lợi, do sơ suất bị vướng dây lai rơi xuống sông mất tích.

Các lực lượng cảnh sát giao thông, cứu hộ tổ chức tìm kiếm nhưng đến 20g cùng ngày vẫn chưa tìm thấy.

Miền Bắc trở lạnh

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) cho biết chiều 25-10, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu đông bắc Bắc bộ. Hôm nay 26-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác thuộc Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa rào và dông vài nơi. Từ đêm nay các tỉnh Trung Trung bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc và gió giật mạnh.

Dự báo đợt không khí lạnh này làm các tỉnh miền núi phía Bắc chuyển rét. Một số nơi như ở Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Trùng Khánh (Cao Bằng) nhiệt độ có thể xuống dưới 130C. Khu vực Hà Nội nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 200C, trời lạnh.

Bên cạnh đó, NCHMF cũng cảnh báo do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động nên từ đêm 26-10, ở các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hoà sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Đợt mưa này có thể kéo dài 2-4 ngày, nhiều khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa. Các tỉnh trên đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi.

Ông Lê Thanh Hải – phó giám đốc NCHMF – cho biết đến chiều qua, vùng hội tụ, nhiễu động nói trên chưa có biểu hiện mạnh như hình thế gây mưa ở hai đợt lũ vừa qua. Mưa vừa, mưa to sẽ xuất hiện nhưng mức độ không mạnh như hai đợt vừa rồi.

Q.KHẢI – V.HƯƠNG – T.PHÙNG