“Hố tử thần” và trách nhiệm nhà nước

Đã có nhiều cái chết tang thương vô ích của các công dân TP.HCM chỉ do những cái hố đào xong lắp qua quýt, những cột đèn rò rỉ điện, những sợi dây điện đứt vắt ngang vỉa hè. Trách nhiệm đó thuộc về ai?

“Hố tử thần” và trách nhiệm nhà nước

Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 25/10/2010

Đã có nhiều cái chết tang thương vô ích của các công dân TP.HCM chỉ do những cái hố đào xong lắp qua quýt, những cột đèn rò rỉ điện, những sợi dây điện đứt vắt ngang vỉa hè. Trách nhiệm đó thuộc về ai?

Năm 1873, tức cách đây 137 năm, một công dân Pháp tên Jean Blanco đã kiện nhà nước Pháp vì một chiếc xe đẩy của nhà máy thuốc lá công quản TP Bordeaux lật, đè lên con gái ông là Agnès Blanco, 5 tuổi. Phán quyết ngày 19-5-1874 buộc nhà nước Pháp phải trợ cấp suốt đời cho Agnès Blanco. Phán quyết này đã trở thành nền tảng cho luật hành chính Pháp liên quan đến trách nhiệm của nhà nước.

Từ phán quyết mang tên nạn nhân Blanco trên, các cơ quan thuộc nhà nước Pháp trở nên có trách nhiệm hơn.

Vì sao trách nhiệm của họ lại cao? Chẳng phải do họ văn minh bẩm sinh mà do trách nhiệm đi đôi với xử lý và trừng phạt. Ngay cả người đứng đầu thành phố cũng phải liên đới thọ án như từng thấy trong một số vụ tai nạn điện công cộng giật chết người.

Đó là vụ Toà đại hình Narbonne năm 1999 xử một thị trưởng sau khi một bé gái 4 tuổi bị điện giật chết do chạm tay vào một cột đèn chiếu sáng ở khu vực chung cư bé gái ở lúc trời đang mưa. Hay vụ Toà đại hình Montpellier xử một thị trưởng khác sau khi một dụng cụ giải trí bị chạm điện trong một buổi khiêu vũ ngoài trời do thị trấn tổ chức làm một thanh niên chết và hai người khác bị thương.

Trách nhiệm cầm quyền

Nhà cầm quyền luôn tự hun đúc thế nào là trách nhiệm của mình. Và trách nhiệm đó là phổ quát toàn cầu, chứ không còn cố thủ trong những “ngoại lệ địa phương”.

Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Johannesburg năm 2002 đã căn dặn: “Các nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo vệ quyền được sống và làm việc trong những điều kiện vệ sinh và an ninh tốt, quyền có được một môi trường lành mạnh và an toàn, quyền được chăm sóc và chi trả các thiệt hại gặp phải, quyền được thông tin và tiếp cận công lý. Các quốc gia phải đảm bảo việc công ty tôn trọng các quyền này”.

Không có một đạo đức cầm quyền nào lớn hơn đạo đức “bảo vệ quyền được sống và làm việc trong những điều kiện vệ sinh và an ninh tốt…” cho các công dân của mình.

Cũng có thể trách nhiệm tối thượng đó còn gắn liền với lá phiếu cử tri. Tất nhiên, không phải đợi lên đến chức thị trưởng mới trách nhiệm cao độ, mà là trách nhiệm ngay từ khi trở thành công chức nhà nước. Mọi công chức đều phải thuộc nằm lòng rằng “Trách nhiệm hành chính là nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước phải bồi thường các thiệt hại gây ra bởi hoạt động của mình hay của nhân viên các cơ quan ấy”.  (Droit Administratif Fancais – Luật hành chính Pháp).

Làm gì để thể hiện trách nhiệm?

Khi các “lô cốt” cứ kéo dài tuổi thọ, mãi đến gần đây mới có một công dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Điều đó cho thấy có hai mặt của vấn đề: thứ nhất, Nhà nước chưa thấy hết trách nhiệm của mình với sự an sinh của người dân. Thứ hai, các công dân chưa biết rằng đã có sẵn những cơ chế pháp luật bảo vệ họ trong trường hợp này.

Mặt thứ nhất của vấn đề đòi hỏi nhiều công sức hơn, mà cơ bản là ngồi rà lại từng cái “lô cốt”, từng cái hố ga, từng cái cột đèn sắp đổ, từng cái ngã ba, ngã tư kẹt xe sáng tối… để tìm cách giải quyết cho người dân được sống bình thường.

Nếu xem đó là nhiệm vụ quan trọng nhất, thiết thực nhất, vì dân nhất sẽ thấy cách tháo gỡ bài toán “thiếu một nhạc trưởng” trong thi công các dự án công cộng ở thành phố này từ chục năm hơn. Sẽ thấy cụm từ “hạ tầng đồng bộ” trong thực tế của đời sống người dân khác với các “bản vẽ” lộng lẫy như thế nào. Và trên tất cả, sinh mạng của công dân lớn là chừng nào.

DU LONG