Miền Trung mưa dữ dội, 5 người chết, 3 người mất tích

Đợt mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay trong bốn ngày từ 29-9 đến 3-10 đã làm các tỉnh bắc miền Trung chìm trong biển nước. Đêm 3-10, hàng chục ngàn dân phải khẩn cấp di dời ngay trong đêm, đập thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh có nguy cơ vỡ.

Miền Trung mưa dữ dội, 5 người chết, 3 người mất tích

Báo Tuổi Trẻ, ngày 04/10/2010

 

TT – Đợt mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay trong bốn ngày từ 29-9 đến 3-10 đã làm các tỉnh bắc miền Trung chìm trong biển nước. Đêm 3-10, hàng chục ngàn dân phải khẩn cấp di dời ngay trong đêm, đập thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh có nguy cơ vỡ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tổng lượng mưa đo được trong 24 giờ có nơi lên hơn 500mm, như tại Minh Hóa (Quảng Bình) lượng mưa lên đến 610mm.

Hà Tĩnh: di dời 8.000 dân

Tại Hà Tĩnh, nhiều nơi lượng mưa lên đến 300-400mm, ở hai huyện Hương Khê và Vũ Quang đã xuất hiện lũ lớn. Mưa lũ khiến sáu xã của huyện Vũ Quang bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường từ huyện Đức Thọ đi Vũ Quang đã bị ngập sâu và người dân phải dùng thuyền đi lại. Huyện Vũ Quang đã di dời hơn 800 hộ dân sống ở những nơi xung yếu có nguy cơ sạt lở, cô lập.

Đến tối 3-10, mực nước ở thủy điện Hố Hô đạt trên 4 triệu m3, đang lên cao, nước chảy qua mặt đập hơn 1m và có nguy cơ vỡ, đe dọa hơn 8.000 người dân của 14 xã nằm dọc sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê), chính quyền các cấp đang tìm mọi phương án khắc phục. Chiều 3-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ yêu cầu ban quản lý Nhà máy thủy điện Hố Hô phải tìm mọi cách xả lũ, không để mực nước dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ đập.

Tối cùng ngày ông Trần Minh Kỳ cho biết diễn biến của hồ thủy điện Hố Hô đang phức tạp. UBND tỉnh Hà Tĩnh đang huy động tổng lực đến 14 xã ở huyện Hương Khê bị ảnh hưởng của hồ thủy điện để di dời khẩn cấp 8.000 dân trong đêm. Trong khi đó ở huyện Hương Khê có đến một người chết, ba người mất tích.

Quảng Bình: hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu

Lúc 19g ngày 3-10, ông Lê Nam Giang, phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), cho biết toàn huyện có gần 3.000 ngôi nhà ở các xã Châu Hóa, Đức Hóa, Mai Hóa… ven sông Gianh bị ngập sâu trong lũ từ 0,4-1m. Gần 1.000 hộ dân ở các xã với trên 1.800 người đã di dời khẩn cấp lên vùng cao hơn. Quốc lộ 12A từ quốc lộ 1A đi cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Minh Hóa) bị ngập nặng nhiều chỗ đến 1m, khiến giao thông trên tuyến đường này bị đứt. Đến 19g nhiều xã ở Tuyên Hóa vẫn bị nước chia cắt.

Tại ga Đồng Hới, ông Nguyễn Thanh Khánh, phó ga, cho biết đến 19g vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào cho việc thông tuyến đường sắt Bắc – Nam. Trước đó, từ trưa 3-10, hai đoàn tàu trên với gần 600 hành khách đã phải nằm lại ga Đồng Hới do đường sắt bị ngập lũ.

Quảng Trị: lũ về trong đêm, hàng trăm dân sơ tán

Đến 19g ngày 3-10, tốc độ lên của nước lũ trên các sông trong tỉnh càng nhanh hơn khiến hàng ngàn hộ dân bị bất ngờ và không kịp trở tay. Thống kê chưa đầy đủ, tại huyện Hải Lăng, đã có hơn 2.000 hộ dân bị ngập trong lũ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã di dời được 330 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại huyện Cam Lộ, hàng chục hộ dân ở các xã Cam Tuyền, thị trấn Cam Lộ (ven sông Hiếu) bị ngập nặng do lũ. Tại thị xã Quảng Trị, lúc 15g nước mới chạm báo động 2, nhưng đến 18g đã chạm báo động 3 làm hàng trăm hộ dân ven sông bị thiệt hại một số tài sản do không dọn kịp. Tại Quảng Trị đã có một trường hợp chết do lũ.

Huế: phố biến thành… sông

Tại Thừa Thiên – Huế, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ giao thông bị chia cắt. Đặc biệt tại TP Huế trong ngày 3-10, hàng chục tuyến đường nội thành và ngoại thành chìm trong nước, có nơi ngập sâu đến 1m. Tại huyện Phong Điền, gần tối 2-10 một cơn lốc đã quét qua thị trấn khiến một số nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh ngã đổ… Tính đến 12g ngày 3-10, mưa lớn đã khiến các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trong tỉnh nước đã qua tràn. Tại hồ Truồi (thuộc huyện Phú Lộc) mực nước đo được lúc 12g ngày 3-10 là 36,65m, qua tràn 0,65m; hồ thủy điện Hương Điền (thuộc huyện Hương Trà và Phong Điền) là 49m, qua tràn 6,25m (cao trình đỉnh tràn hồ này là 42,75m)…

Tại Nghệ An, mưa dông làm lũ cuốn chết một học sinh, hai nông dân bị sét đánh chết. Ngoài ra tàu Hoàng Trung cùng 850 tấn ximăng và hơn 3.000 lít dầu bị chìm xuống biển, tám thủy thủ được cứu sống.

Áp thấp gây mưa to tại Bắc Trung bộ

Theo ông Bùi Minh Tăng – giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vùng áp thấp hoạt động trên vùng biển các tỉnh Quảng Nam – Bình Thuận di chuyển chậm chủ yếu theo hướng bắc tây bắc và có khả năng mạnh thêm trong khoảng hai ngày tới.

Hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với trường gió đông bắc và đới gió tây nam ở khu vực nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) gây mưa rào và dông mạnh vùng biển ngoài khơi Trung bộ và Nam bộ, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngoài ra, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc bộ tiếp tục tràn về các tỉnh Trung bộ. Không khí lạnh này kết hợp với hoạt động của vùng áp thấp gây mưa to đến rất to các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế tiếp tục lên.

Nhóm PV