Trò chuyện với Tổng bí thư cuối cùng của Đảng XHCN thống nhất Đức

LBBT: Kinh nghiệm hoà giải giữa người dân Đông Đức và Tây Đức cũng là điểm dân tộc chúng ta nên biết vì đã từng ở trong hoàn cảnh giống như họ trước đây. Hơn 20 năm trước, trong cuộc biến động lịch sử diễn ra tại Đông Âu, Egon Krenz đã lên nắm quyền Tổng bí thư Đảng XHCN thống nhất Đức (CHDC Đức). Với tư cách nguyên thủ, ông là người đã tham gia vào các sự kiện diễn ra vào năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ đưa tới thống nhất nước Đức.

Trò chuyện với Tổng bí thư cuối cùng của Đảng XHCN thống nhất Đức

 

Báo Thanh Niên, ngày 26/09/2010

 

LBBT: Kinh nghiệm hoà giải giữa người dân Đông Đức và Tây Đức cũng là điểm dân tộc chúng ta nên biết vì đã từng ở trong hoàn cảnh giống như họ trước đây.

 

Hơn 20 năm trước, trong cuộc biến động lịch sử diễn ra tại Đông Âu, Egon Krenz đã lên nắm quyền Tổng bí thư Đảng XHCN thống nhất Đức (CHDC Đức). Với tư cách nguyên thủ, ông là người đã tham gia vào các sự kiện diễn ra vào năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ đưa tới thống nhất nước Đức.

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông, nhân dịp cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989 của ông vừa được Alpha Books và NXB CAND xuất bản tại Việt Nam.

* Ông đánh giá thế nào về nhận định cho rằng sự sụp đổ của Đông Đức năm 1989 có một phần nguyên nhân là do sự phụ thuộc chặt chẽ về mặt ý thức hệ và cùng với đó là chính trị, kinh tế… của CHDC Đức với Liên bang Xô viết?

– Tôi không nghĩ rằng không có sự phụ thuộc ý thức hệ với Liên Xô vì ý thức hệ chúng tôi muốn phát triển tại CHDC Đức là ý thức hệ của Marx và Engel. Thực tế là việc rời bỏ ý thức hệ đã xuất hiện ở Liên Xô cùng với Gorbachov và các đồng sự của mình. Các nhà lãnh đạo và kể cả người dân CHDC Đức thời đó luôn nghĩ rằng Liên Xô là một ông anh cả và chỉ cần học theo người anh cả đó thôi. Tuy nhiên ông anh cả sau đó đã từ bỏ chúng tôi. Và tôi nghĩ rằng đó cũng là một bài học rất lớn đối với chúng tôi.

Nhưng tôi cũng muốn nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa của nền chính trị thế giới. Nếu nhìn vào bản đồ châu Âu hiện tại, các bạn sẽ thấy lực lượng của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn được triển khai dọc biên giới Liên Xô cũ. Thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô đã không trở nên an toàn hơn.

* Việt Nam cũng từng bị chia cắt thành hai miền với 2 chế độ khác nhau. Nhưng khác với nước Đức, những người cộng sản chúng tôi đã giành thắng lợi trong cuộc thống nhất đất nước. Về phía mình, ông có thể chia sẻ những trải nghiệm và những bài học trong tâm thế khi mà ở Đức những người cộng sản lại thất bại?

 

Đảm nhận chức Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào ngày 18.10.1989, Egon Krenz đã buộc phải từ chức sau 50 ngày cầm quyền. Sau khi nước Đức thống nhất, ông bị kết án 6 năm rưỡi tù và phải ngồi tù 4 năm. Tuy nhiên bản án của Toà án bang Berlin cũng nêu rõ rằng nhờ ông mà năm 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu và trước đó Egon Krenz cũng đã tranh đấu ngăn không cho bạo lực xảy ra.

 

– Trong thực tế đúng là chúng tôi đã thua một cuộc chiến nhưng tôi nghĩ cuộc chiến đó vẫn chưa kết thúc. Trong tương lai, thế hệ trẻ có thể sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu đó. Những người cộng sản cũ, những người hoàn toàn tin vào lý tưởng XHCN, cho tới giờ phút này, đến cuối cuộc đời mình đã phải thừa nhận họ không thể hiện thực hóa được lý tưởng đó. Việc khiến tôi đau lòng hơn là chính quyền Đức hiện nay luôn thể hiện trước công chúng rằng tất cả những điều Tây Đức mang lại là điều tốt đẹp, những điều Đông Đức mang lại là tội ác và nợ nần. Các chiến dịch tuyên truyền hiện nay đều nói là Đông Đức thời đó kiệt quệ; và dùng đó làm lý do giải thích cho việc hiện nay chất lượng cuộc sống của Đông Đức cũ vẫn thấp hơn Tây Đức cũ.

Nhưng cá nhân tôi vẫn luôn lạc quan. Chủ nghĩa tư bản không phải đã chiến thắng ngay từ đầu. Họ cũng đã cần tới hơn 200 năm để có thể ngồi vững trên yên cương của mình. Tôi tin rằng XHCN vẫn có tương lai.

* Khi đồng ý cho xuất bản cuốn sách Mùa thu Đức 1989 tại Việt Nam, ngoài mục đích muốn cho độc giả Việt Nam biết đến suy nghĩ cũng như nhiều sự kiện lịch sử mà bản thân ông trải qua thời điểm đó, ông có gửi gắm điều gì?

– Trong cuốn sách này các bạn cũng thấy những tấm ảnh mà tôi chụp cùng cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Vào thời điểm đó, chúng tôi trao đổi với nhau về quá trình đổi mới ở VN mà ông Nguyễn Văn Linh là một trong những người khởi xướng. Và tôi đã hiểu rất rõ sự kỳ vọng của ông ấy lớn như thế nào khi tiến hành tiến trình đổi mới. Thời điểm đó tôi cũng nghĩ rằng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hẳn cũng không biết quá trình đổi mới đó sẽ diễn ra như thế nào. Đó là một điều hoàn toàn mới đối với tất cả mọi người.

Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 30 năm (1980) và tôi có thể nhìn thấy rất rõ nét quá trình đổi mới của các bạn. Nhưng tôi cũng là một người có cái nhìn thực tế. Không phải tôi không thấy những vấn đề tồn tại, những khó khăn mà Việt Nam còn đang phải đối mặt. Thông điệp mà tôi có thể gửi đến là các bạn hãy vững bước trên con đường mà các bạn đã chọn.

* Nước Đức thống nhất trong hoà bình, nhưng nước Đức cũng phải trải qua một quá trình hoà giải dân tộc không dễ dàng. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong việc hoà giải dân tộc của nước Đức sau 1989. Vai trò của các nhà chính trị trong tiến trình hoà giải đó diễn ra như thế nào?

– Tất cả các vấn đề liên quan đến hoà giải dân tộc đều phải đặt ra với các nhà chính trị của Đức và người đã làm rất nhiều cho quá trình hoà giải đó là nguyên Tổng thống của CHLB Đức Richard von Weizsäcker. Nhưng đa số các chính trị gia của CHLB Đức đều coi CHDC Đức là quốc gia không hợp pháp và không cần phải hoà giải mà phải chống lại họ.

Năm 1989, khi biên giới giữa Đông Đức và Tây Đức được mở, tất cả người dân Đức đều đã ôm lấy nhau. Thời điểm đó nếu như các chính trị gia hai bên còn đang nắm quyền cùng nhau bỏ lại quá khứ sau lưng hướng tới tương lai thì chắc chắn đã có một kết quả tốt đẹp hơn cho bây giờ. Bây giờ nước Đức đã có một nữ thủ tướng có gốc từ Đông Đức nhưng ngoại trừ điều đó, tất cả các vị trí quan trọng như Toà án hiến pháp, Toà án tối cao, Bộ Quốc phòng không có chính trị gia nào của Đông Đức nắm giữ. Trước ngày kỷ niệm thống nhất nước Đức đã có 3, 4 cuộc thăm dò ý kiến dư luận thì có hơn 50% người dân Đông Đức bày tỏ rằng họ có cảm giác họ là công dân hạng hai. Tôi cho rằng việc hoà giải dân tộc sẽ được tiến hành trong 1, 2 thế hệ nữa sau khi các thế hệ được sinh ra trong thời Đông Đức, Tây Đức không còn nữa. 

Nguyên Phong (thực hiện)