27/12/2024

Thăng Long giai thoại – Bài 8: Xẩm chợ Đồng Xuân

Xẩm xuất hiện ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và đầu tiên người ta được thấy những người khiếm thị ê a trước cửa chợ Đồng Xuân. Hà Nội như động tiên sa Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần Vui nhất có chợ Đồng Xuân Mùa nào thức nấy, xa gần xem mua Cổng chợ có chị hàng dừa Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng… Ai ơi đứng lại mà trông Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong rườm rà…

Thăng Long giai thoại – Bài 8: Xẩm chợ Đồng Xuân

 

 

Báo Thanh Niên, ngày 16/09/2010

Xẩm xuất hiện ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và đầu tiên người ta được thấy những người khiếm thị ê a trước cửa chợ Đồng Xuân.

Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức nấy, xa gần xem mua
Cổng chợ có chị hàng dừa
Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng…
Ai ơi đứng lại mà trông
Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong rườm rà…

“Xẩm chợ Đồng Xuân” liệt kê gần như tất cả các mặt hàng bán trong chợ, không khí bán mua nhộn nhịp khiến người nghe thích thú.

Giữa năm 1889, chính quyền thành phố cho lấp đoạn sông Tô Lịch từ cửa sông Nhị Hà (sông Hồng) trở vào đến chân tường thành cổ, tạo nên một bãi đất rộng hàng chục héc-ta để mở mang phố phường và lập chợ vì hai chợ Bạch Mã, Cầu Đông trở nên chật chội. Chợ Đồng Xuân ban đầu họp trên bãi đất trống mới lấp xung quanh có căng dây để tiện thu thuế và không cản trở người đi lại. Năm 1890, công việc xây chợ có mái che bắt đầu. Trúng thầu cung cấp phần khung sắt là nhà thầu Poinsard Veyret (Pháp), còn thi công là một nhà thầu khác. Khung thép cao 19 mét và rộng 25 mét được đúc cầu kỳ làm cho chợ trở thành độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Tổng diện tích chợ khoảng 6.500 mét vuông, tuy nhiên xung quanh chợ vẫn trống hoác và đến năm 1912, người ta mới cho xây tường xung quanh.

Lúc đầu chợ Đồng Xuân chỉ họp theo lối chợ phiên, hai ngày một phiên, nhưng về sau do nhu cầu phát triển kinh tế thương mại, chợ họp theo ngày từ sáng đến tối. Khi cầu Long Biên hoàn thành vào năm 1902 thì chợ Đồng Xuân trở thành tụ điểm buôn bán sầm uất không chỉ nổi tiếng nhất Hà Nội mà còn nổi tiếng cả Bắc kỳ, thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ… thường xuyên qua lại buôn bán. Cùng với hàng hóa do các vùng lân cận và nhiều tỉnh mang đến thì hàng hóa nhập khẩu cũng phong phú. Không chỉ hàng tiêu dùng mà cả cam, táo và nho tươi được các thương gia nhập từ Hồng Kông, San Francisco (Mỹ) về. Đồng Xuân cũng là nơi đặt văn phòng thương mại của người Pháp, Hoa, Ấn, Việt. Do nguồn hàng đa chủng loại nên Đồng Xuân không chỉ là chợ bán lẻ mà còn là đầu mối phân phối cho các tỉnh ở hầu hết Bắc kỳ. Từ năm 1937 đến 1939, trước cửa chính của chợ có một quầy bán công khai sách báo của Đảng Cộng sản Đông Dương do Phạm Văn Hải trông coi.

Nhà nghèo, mới hơn 10 tuổi, cậu bé Kông Tu Nghiệp người làng Phú Thượng (nay thuộc quận Tây Hồ) đã phải đến chợ Đồng Xuân dọn hàng thuê cho một chủ sạp bán thực phẩm. Thấy cậu bé dễ thương nên vợ chồng một người Pháp hay đến đây mua thực phẩm nhận về làm con nuôi. Bà người Pháp này – rất giỏi nấu nướng các món ăn châu Âu và am hiểu ẩm thực Hà Nội – đã dạy cho Nghiệp cách nấu các món ăn. Lớn lên, Nghiệp xin ra ở riêng và mở quán ăn ở phố Hàng Gai, sau đó chuyển xuống phố Hàng Trống và trở nên nổi tiếng khi mở nhà hàng Phú Gia (136 Hàng Trống).

Đồng Xuân không chỉ là nơi xuất xứ của phở bò – vốn trước đó là bún sáo trâu, sáo bò bán cho phu phen ngoài bến sông vào ăn, mà còn là một trong những nơi đầu tiên bán bún thang. Khoảng năm 1915, cụ Lê Thị Tho khi đó 20 tuổi đã mở quán bán bún thang ở chợ và quán nổi tiếng khắp Hà thành đến mức dân Tây “biết ăn rau muống, nằm võng ngâm Kiều” thường xuyên tìm đến chợ thưởng thức. Sau đó cụ Tho truyền nghề lại cho con gái là bà Đàm Thị Ẩm. Bà Ẩm nấu theo cách của mẹ truyền lại nên duy trì được sự nổi tiếng cho đến khi nghỉ bán hàng.

Vì cổng chợ ngày càng có nhiều nhóm hát xẩm nên một số nhóm đã tỏa đi các nơi trong thành phố. Khi đường tàu điện phát triển đến Hà Đông thì có nhóm “cắm rễ” ở bến tàu bờ Hồ (nay là bãi trông giữ ô tô phố Đinh Tiên Hoàng). Tuy nhiên nhiều nhóm vẫn bám trụ ở chợ Đồng Xuân và các khu vực xung quanh. Do người hát hầu hết đều bị khiếm thị nên họ lấy thơ lục bát có nội dung buồn hay éo le như: Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính), Anh Khóa hoặc các bài ca dao nói về thân phận người nghèo, do đó dễ gây rung động cho người nghe. Sau một ngày mưu sinh vất vả, chiều xuống, vợ chồng con cái những gia đình hát xẩm tay chiếu tay nhị dắt díu nhau về bãi An Dương (nay thuộc quận Ba Đình). Những năm 1930, khu vực nói trên có tới mấy chục nhóm nên mới có tên là “xóm xẩm”.

Ngày 2.9.1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và việc đầu tiên mà nước cộng hòa non trẻ này tiến hành là “diệt giặc đói và giặc dốt”, đồng thời người ta vận động người hát xẩm, dù không biết chữ, tham gia tuyên truyền bình dân học vụ. Xẩm Tiễu trừ giặc dốt ra đời trong thời kỳ này đã lôi cuốn người mù chữ tham gia các lớp học. Sau Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương, các nhóm hát xẩm được mời tham gia sáng tác và đến các vùng duyên hải miền Bắc hát tuyên truyền chống dụ dỗ di cư vào Nam của địch. Có rất nhiều bài xẩm thời kỳ này nhưng cảm động hơn cả phải kể đến bài Ở quê có tổ có tiên. Nhà văn Thanh Tịnh được giao phụ trách nhóm gồm 23 anh chị em xẩm Hà Nội đến hát ở vùng Bùi Chu, Phát Diệm.

Ngày 19.12.1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hà Nội bước vào cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Ngày 14.2.1946, một trận chiến ác liệt đã diễn ra ở chợ Đồng Xuân và trong cuộc chiến không cân sức ấy có cả những thiếu niên đã anh dũng hy sinh. Ngày 14.7.1994, trận hỏa hoạn đầu tiên từ khi có chợ xảy ra, do các họng nước dành cho cứu hỏa khu vực này khô khốc nên xe cứu hỏa phải chạy xuống hồ Gươm lấy nước. Chợ bị thiêu rụi hoàn toàn với tổng thiệt hại là 150 tỉ đồng (tương đương 14 triệu USD). Tháng 10.1995, UBND TP Hà Nội cho xây lại chợ như hiện nay.

Nguyễn Ngọc Tiến