Chuyển – niềm đam mê múa: Ánh đèn màu rực rỡ, chớp tắt, sân khấu lúc lặng phắc, lúc tiếng nhạc cất lên ồn ã, những động tác múa của diễn viên khi nhanh khi chậm, thăng hoa và đê mê dẫn khán giả qua những tiết mục liên tiếp Lắng, Air, Zig zag, Tình yêu và Chuyển.

Chuyển – niềm đam mê múa

Báo Tuổi Trẻ, ngày Chủ Nhật, 12/09/2010

 

TT – Ánh đèn màu rực rỡ, chớp tắt, sân khấu lúc lặng phắc, lúc tiếng nhạc cất lên ồn ã, những động tác múa của diễn viên khi nhanh khi chậm, thăng hoa và đê mê dẫn khán giả qua những tiết mục liên tiếp Lắng, Air, Zig zag, Tình yêu và Chuyển.

Chuyển, chuyển là những biến động không ngừng trong cuộc sống, có êm dịu, có khắc nghiệt nhưng luôn hướng về phía hạnh phúc, về phía đẹp hơn, tươi sáng hơn…

50 phút của Chuyển đã mang lại cho khán giả những rung động tích cực. Để có 50 phút này, nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng – biên đạo kiêm diễn viên của vở – đã cùng với Nguyễn Phúc Hải (biên đạo múa, phó đoàn vũ kịch và cũng là anh trai Hùng), Nguyễn Mạnh Duy Linh (nhạc sĩ), Trần Nhật Minh (chỉ huy hợp xướng, dàn nhạc) và các diễn viên tập luyện ròng rã ba tháng.

Chúng tôi đã ghi lại câu chuyện sau sân khấu này, câu chuyện của nghề múa “làm thật ăn giả” như lời tự bạch của các nghệ sĩ. Dẫu biết “làm thật ăn giả” – không catsê cao, không fan club, không được báo chí săn đón – nhưng họ vẫn làm với tất cả đam mê, vẫn dành từng ngày từng giờ của tuổi trẻ để chọn múa làm sự nghiệp. Và các nghệ sĩ trẻ mong truyền một chút ấm từ niềm đam mê ấy đến khán giả.

Nguyễn Phúc Hùng học múa từ năm 13 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi Trường Múa VN. Năm 1998, anh về làm việc tại Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) và đảm nhận các vai chính trong vũ kịch Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, Carmen…

Năm 2006 Hùng nhận học bổng của UBND TP.HCM theo học về biên đạo tại Học viện múa Fontys ở Tilburg (Hà Lan) và tốt nghiệp loại xuất sắc. Tháng 6-2010 anh trở về VN làm biên đạo và hướng dẫn các diễn viên trẻ của HBSO, giảng dạy tại Trường Múa TP.HCM.

Chuyển là những gì anh ấp ủ trong những tháng ngày học tập ở nước ngoài và thực hiện chương trình này như để “báo cáo” kết quả học tập với công chúng.

GIA TIẾN thực hiện