09/09/2024

Khó thoát nếu cháy chung cư

Tình trạng lấn chiếm mặt tiền chung cư để làm nơi kinh doanh, buôn bán diễn ra tràn lan trên địa bàn TP.HCM, đang gây ra mối lo ngại khi “bà hỏa” viếng… Dạo quanh một vòng các chung cư trên địa bàn thành phố, chúng tôi không khỏi lo lắng về chuyện tìm ra lối thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra, chứ chưa nói đến việc chữa cháy.

Khó thoát nếu cháy chung cư

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày 08/09/2010

Tình trạng lấn chiếm mặt tiền chung cư để làm nơi kinh doanh, buôn bán diễn ra tràn lan trên địa bàn TP.HCM, đang gây ra mối lo ngại khi “bà hỏa” viếng…

Dạo quanh một vòng các chung cư trên địa bàn thành phố, chúng tôi không khỏi lo lắng về chuyện tìm ra lối thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra, chứ chưa nói đến việc chữa cháy.

Lấn chiếm tràn lan

Có mặt tại chung cư Hùng Vương, P.11, Q.5 trong một buổi trưa đầu tháng 9.2010, chúng tôi phải chờ đợi, len lỏi mãi mới chạy được từ đường Tản Đà sang Mạc Thiên Tích vì hầu hết đường đi lối lại ở đây đã bị “tận dụng” tối đa để làm bãi giữ xe. Không chỉ giữ xe cho người dân ở chung cư mà nơi đây còn nhận giữ cả xe cho người đi khám bệnh ở Bệnh viện Đại học Y Dược gần đó. Lòng đường chạy vòng quanh chung cư rộng chừng 4m đã bị chiếm dụng gần hết, cộng với người mua hàng ở những hàng quán xung quanh đó dựng xe, khiến hai chiếc xe máy tránh nhau trên đoạn đường này đã khó.

Cách đó không xa là một chung cư khác trên đường Đặng Thái Thân cũng được người dân tận dụng tối đa diện tích để buôn bán phục vụ những người đến Bệnh viện Đại học Y Dược khám bệnh khiến con đường chật hẹp càng trở nên chật hẹp hơn. Công an phường thường xuyên tuần tra dọn dẹp lòng lề đường nhưng cũng không xuể.

Đáng sợ nhất là chung cư Ấn Quang (P.9, Q.10) khi tất cả các đường nối giữa các lô chung cư từ lô A đến lô F đều chật ních xe. Tương tự, chung cư Ngô Gia Tự (P.2, Q.10), giữa các lối đi xe dựng tràn ra lòng đường, tất cả diện tích nhỏ hẹp đều được tận dụng để buôn bán nên lối đi rộng đã trở nên chật chội.

Bi đát không kém là chung cư Nguyễn Kim (P.7, Q.10) khi một bên là chung cư, một bên là chợ Nhật Tảo, hầu như nhà nào cũng cho thuê hoặc buôn bán mặt hàng điện tử, lúc nào cũng tấp nập khách hàng và tất nhiên là lối đi bị bóp lại chỉ còn đủ lưu thông một xe gắn máy.

Nếu cháy, khó thoát!

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, đa số các chung cư thuộc dạng tái định cư hoặc xây dựng trước 1975 đều mắc nhiều vi phạm, cần khắc phục nhằm đảm bảo an toàn PCCC. Tuy nhiên, hầu hết các ban quản lý chung cư đều than nguồn kinh phí eo hẹp nên đã làm ngơ trước cảnh báo của cơ quan chức năng.

Sau vụ cháy chung cư 18 tầng tại Hà Nội đến nay, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã chỉ đạo các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện kiểm tra đối với 217 chung cư cao từ 5 tầng trở lên và phát hiện 647 lỗi vi phạm về PCCC, trong đó chủ yếu vi phạm về điều kiện thoát nạn, trang bị phương tiện chữa cháy, phương án chữa cháy, xây dựng lực lượng PCCC… Trong đó có 16 chung cư vi phạm về đường giao thông phục vụ công tác chữa cháy, đường giao thông chật hẹp hoặc đủ chiều rộng nhưng do người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, làm mái che, bố trí làm bãi để xe gây cản trở việc tiếp cận của xe chữa cháy và xe thang chữa cháy khi cần thiết. Thậm chí trong số chung cư trên, có cả chung cư xây dựng gần đây như: The Manor, Mỹ Phước (Q.Bình Thạnh)…

Nhiều người dân ở các chung cư trên địa bàn TP.HCM thừa nhận với PV Thanh Niên như vậy, khi chúng tôi đề cập đến công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn tại chung cư.

Ghi nhận thực tế tại chung cư Xóm Cải, P.8, Q.5, chúng tôi không khỏi rùng mình. Nơi đây là điểm tập trung rất đông dân cư (trên 2.500 người dân sống tại 7 lô chung cư) vì nằm ngay trung tâm thành phố, thuận tiện đi lại. Nhưng ngoài việc hàng quán buôn bán lấn chiếm vỉa hè, thậm chí cơi nới thêm diện tích làm chỗ chứa hàng thì các lối thông nhau giữa lô này với lô kia cũng bị tận dụng làm chỗ giữ xe. Xe dựng chiếm gần hết cầu thang lối đi lên tầng trên; hàng quán bày bàn ghế chiếm hết vỉa hè, cộng với xe của khách đến ăn thế là lưu thông tắc tị.

Cũng trên địa bàn phường này còn có chung cư Phạm Viết Chánh, nơi mà lối vào chung cư ngày một nhỏ hẹp dần đến độ một chiếc xe máy phải khó khăn lắm mới có thể trở đầu vì đường chỉ còn rộng hơn 1m. Nguyên nhân vì một bên là chung cư, một bên là nhà dân cơi nới ra làm nhỏ con hẻm.

Nhức nhối nhất là chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3). Một số hẻm nhỏ (khoảng 5 – 6m) nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật là lối dẫn vào nhiều lô chung cư Nguyễn Thiện Thuật với hàng ngàn người dân sinh sống tại đây. Tuy nhiên, thời gian qua, các con hẻm này đã bị những người buôn bán hai bên bày bàn ghế, dựng xe gắn máy lấn chiếm gần hết, khiến việc đi lại hết sức khó khăn, chứ chưa nói đến lối ra vào cho những xe chữa cháy nếu có hỏa hoạn. Một số người dân cư ngụ ở chung cư cho biết: mỗi lần công an xuống kiểm tra xử phạt thì họ sắp xếp trật tự, nhưng khi công an rút đi mọi chuyện vẫn như vậy.

Khá hơn nhiều chung cư khác, xe thang chuyên dụng của cứu hỏa có thể chạy vào tới chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh), song lại không có mặt bằng cho xe đậu cứu người do vướng các tiệm rửa xe, cà phê. Được biết mấy năm nay, nhiều hàng quán bất ngờ mọc lên tại phần đất công viên thuộc quy hoạch dự án chung cư Miếu Nổi. Trong quá trình đi khảo sát, lực lượng PCCC đã nhiều lần khuyến cáo đề nghị di dời tiệm rửa xe, cà phê này nhằm đảm bảo công tác cứu hộ – cứu nạn khi chung cư xảy ra hỏa hoạn. Đặc biệt, sau vụ cháy chung cư gây chết người ở Hà Nội (năm 2009), đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố do ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu đến kiểm tra chung cư Miếu Nổi, có yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương giải tỏa ngay tiệm rửa xe, cà phê nói trên, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Lối thoát hiểm duy nhất: trổ nóc nhà!

Ông Lý Khánh Hỷ, Trưởng ban điều hành khu phố 1, P.8, Q.5, đã chua chát như vậy khi chúng tôi đề cập đến công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn tại chung cư Bùi Hữu Nghĩa (Q.5).

Chung cư Bùi Hữu Nghĩa nằm sâu trong một con hẻm bên hông Bệnh viện Nguyễn Trãi, chỉ có con đường duy nhất dẫn vào, càng vào sâu đường càng hẹp dần, chỉ còn 1,5m. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy một số hộ dân ở tầng trệt chung cư nhận giữ xe gắn máy, nếu chẳng may có sự cố thì không biết thoát ra bằng lối nào!

Tiếp xúc với chúng tôi, người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ cháy xưởng sản xuất keo đối diện chung cư vào năm 1992. “Trong cơn hoảng loạn, đường dẫn vào chung cư bị cô lập, chúng tôi chỉ còn biết leo lên nóc nhà, nhưng lần mãi cũng không có đường xuống. May mà vụ cháy đã được dập tắt kịp thời, nếu không…”, ông Hỷ nhớ lại.

Sau lần thoát chết đó, ông Hỷ cho biết, hàng chục hộ dân ở đây đã kiến nghị chính quyền địa phương mở lối thoát hiểm, đặt trụ nước chữa cháy và lập đội ứng phó sự cố…, đề phòng “bà hỏa” viếng lần nữa. “Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng tỏ ra quan tâm, nhiều lần xuống kiểm tra, nghiên cứu, nhưng sau đó tất cả đều rơi vào im lặng”, ông Hỷ bức xúc. 

Minh Nam – Lê Nga – Đàm Huy