Câu hỏi: Thế nào mới gọi là sống? Thế nào mới gọi là sống không bằng chết?

Bạn Huyền thân mến, Câu hỏi của bạn tuy ngắn nhưng đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều vì bạn cũng như tôi, chúng ta đang sống, nhưng nhiều khi chẳng biết sống là gì và sống như thế nào mới đáng gọi là sống.

Câu hỏi: Thế nào mới gọi là sống? Thế nào mới gọi là sống không bằng chết?

(Đào Hoa Lệ Huyền – 660/10 Điện Biên Phủ, Q.10, TP.HCM)

 

Bạn Huyền thân mến,

Câu hỏi của bạn tuy ngắn nhưng đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều vì bạn cũng như tôi, chúng ta đang sống, nhưng nhiều khi chẳng biết sống là gì và sống như thế nào mới đáng gọi là sống.

1. Sống là gì?

Nhìn vào vạn vật và nhân loại quanh ta, ta thấy nhiều thứ đang sống động chứ không bất động như hòn đá, căn nhà, chiếc xe hay thậm chí trái đất: thí dụ như cây cối, con vật nuôi trong nhà, nhất là những con người. Tất cả có một số đặc tính chung của sự sống như có sinh sản, lớn lên, trao đổi chất với môi trường bên ngoài rồi chết đi.

Sống thế nào mới đáng gọi là sống?

Tuy nhiên, so sánh sự sống của các loài đó, người ta lại thấy có nhiều dạng sống khác nhau: sự sống của cây cối thì cố định, của loài vật thì chuyển động, xê dịch được và của loài người lại vô cùng phong phú vì con người vừa có thể xác lẫn tinh thần, vừa sống cá nhân vừa sống tập thể chung với người khác.

Vì thế, sống đối với con người không còn chỉ là ăn uống cho thể xác lớn lên, mà còn là tiếp nhận những kiến thức, kinh nghiệm qua học hành, làm việc để thoả mãn các nhu cầu của tinh thần.

Sống đối với con người còn là biết yêu thương với những tình cảm cao đẹp thôi thúc trong trái tim mình, chứ không phải chỉ gầm gừ cắn xé nhau hoặc giao cấu với nhau để truyền sinh như loài động vật.

Sống đối với con người biết suy tư còn là nỗi khắc khoải của tinh thần lúc nào cũng muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi để đạt được hạnh phúc vô biên vì tinh thần không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian, dù con người biết rằng mỗi giây phút sống là mình tiến gần đến cái chết.

Ảnh của Sài Gòn Tiếp Thị, số 137, thứ Hai 24-11-2008

Khi ta sống với đầy đủ những yếu tố như vậy (thể xác và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể) thì mới gọi là sống theo đúng nghĩa là người.

2. Thế nào mới gọi là sống không bằng chết?

Câu hỏi thứ hai của bạn lại đưa chúng ta đến những suy tư mới về đời sống hiện nay: nhiều người sống không đủ những yếu tố trên nên sự sống của họ không bằng chết.

Nhưng chết là gì?

Chết theo mô tả thông thường là không còn khả năng sống, không còn hoạt động.

Đối với vạn vật, chết là tình trạng tự nhiên của vật chất sau những biến đổi, phát triển và trao đổi chất với môi trường bên ngoài. Nhưng đối với con người có tinh thần, luôn ước mơ được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi thì chết là một sự mất mát, đau khổ tột cùng, một tai hoạ mà con người tìm mọi cách tránh né.

Dù biết mọi người phải chết, nhưng hầu như ai cũng muốn kéo dài cuộc sống để sống thật đẹp, thật hào hùng, thật hạnh phúc cho thoả ước mơ của mình. Tuy nhiên, có người đã sống khổ, sống hèn, sống tủi, sống ngu si, sống chỉ để ăn để chơi, sống ích kỷ cho cá nhân mình… Kiểu sống đó không bằng chết, hay đúng hơn họ sống mà kể như đã chết, vì không phát huy được những hoạt động của tinh thần. Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) đã có bài thơ rất hay về kiểu sống này:

Sống tủi làm chi đứng chật trời

Sống nhìn thế giới hổ chăng ai

Sống làm nô lệ cho người khiến

Sống chịu ngu si để chúng cười

Sống tưởng công danh không tưởng nước

Sống lo phú quý chẳng lo đời

Sống mà như thế đừng nên sống

Sống tủi làm chi đứng chật trời!

Cuối cùng, tôi xin mách với bạn một sự kiện nhiệm mầu: trong dòng lịch sử loài người, tôi biết có một người đã chiến thắng cái chết và đã giới thiệu cho ta con đường sống để giúp ta sống mãi. Bạn có muốn biết người đó không?

 

Chúc bạn luôn bình an và hạnh phúc.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn