26/12/2024

Bài 6: Con Người thể hiện tình yêu đối với chính mình: muốn sống trẻ, khoẻ và đẹp mãi

Mục đích Giúp TDV cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ để sống tích cực với muôn loài và tốt đẹp cho chính mình.

Bài 6

 

CON NGƯỜI THỂ HIỆN TÌNH YÊU ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH: MUỐN SỐNG TRẺ, KHOẺ VÀ ĐẸP MÃI

 

 

Mục đích

Giúp TDV cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ để sống tích cực với muôn loài và tốt đẹp cho chính mình.

 

Khởi động

Cùng hát bài Cát Bụi của Trịnh Công Sơn để thấy sự sống có vẻ mong manh, ngẫu nhiên, thậm chí là phi lý nữa:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày.

 

Hoạt động

Mỗi TDV lấy bút ghi một từ về thái độ sống hiện nay của mình rồi gắn trên bảng theo câu hỏi sau đây:

Bạn đang cảm nghiệm gì về cuộc sống của mình: chán chường, mệt mỏi, vô nghĩa, có ích, trân trọng, hối hả, lo sợ, tin tưởng, thích thú?

 

Trình bày

1. CUỘC SỐNG QUANH TA ĐANG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

1.1. Cảm nghiệm

Quan sát vạn vật và con người đang sống quanh mình, chúng ta cảm nhận sự sống là một cái gì lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, thậm chí có vẻ như vô lý, vô nghĩa.

Lạ lùng vì dù chỉ là con ruồi, cánh bướm, cành hoa nhưng cấu trúc kỳ diệu của hàng tỷ tế bào chuyển động không ngừng làm ngây ngất bao nhiêu nhà bác học.

Quý báu vì giá trị sự sống vượt lên trên các giá trị khác. Người ta sẵn sàng đánh đổi mọi sự để bảo vệ sự sống.

Thiêng liêng vì dù hiểu được cấu trúc của các chất vô cơ, hữu cơ nhưng cho đến nay các nhà bác học vẫn chưa tự mình làm nên một con ruồi, một cành hoa sống động. Sự sống bắt nguồn từ đâu đó, từ một ai đó, từ một Đấng nào đó đòi hỏi ta phải khám phá nếu ta muốn sống dồi dào và trọn vẹn.

Mong manh vì chỉ cần một vài thay đổi nhỏ của những chất liệu cũng dẫn đến nguy cơ làm mất sự sống.

Tạm thời vì dù có muốn kéo dài đời sống nhưng những bông hoa xinh đẹp kia vẫn héo tàn, những con người tài giỏi kia vẫn chết như mọi loài, mọi vật.

Phi lý vì có nhiều người muốn tìm ra ý nghĩa đời sống nhưng họ không tìm được (Jean Paul Sartre, ông tổ của thuyết hiện sinh vô thần) nếu chỉ tìm hiểu những gì hiện thấy trước mắt Câu chuyện Buồn nôn (La nausée).

1.2. Những thái độ sống khác nhau

Tuỳ theo mức độ nhận thức về giá trị sự sống mà con người có những thái độ sống khác nhau:

Trân trọng để cố gắng học hành, làm việc, nghiên cứu cho sự sống phát triển mỗi ngày một tốt đẹp hơn, phong phú hơn.

Bảo vệ để giữ gìn sự sống mong manh khỏi những nguy hiểm do thiên tai gây nên, do môi trường sống suy thoái, hoặc do chính con người tác hại.

Hững hờ với cuộc sống tạm thời vì nghĩ rằng trước sau gì cũng chết, chẳng cần xây dựng, bồi đắp sự sống cho mình hoặc cho ai.

Phung phí với cuộc sống phi lý để chiều theo những tham vọng và dục vọng nhất thời. Đời sống chỉ còn là những bữa ăn nhậu, những cuộc truy hoan cho những thú vui thấp hèn.

Tàn phá với những vụ bóc lột sự sống người khác bằng lao động khổ sai, huỷ diệt sự sống bằng những hành động tàn bạo như chiến tranh, phá thai, sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thải chất độc hại ra môi trường sống.

Ngưỡng mộ: tìm ra được người chủ sự sống để tôn thờ, yêu mến. Mỗi con người, mỗi sinh vật đều là hình ảnh tượng trưng nhắc nhở về Thiên Chúa hằng sống này.

Chúng ta đang có thái độ nào?

 

2. GIÁ TRỊ SỰ SỐNG

      Chúng ta chỉ có thể phát huy và thăng hoa sự sống nếu chúng ta biết sự sống là gì và giá trị của nó nằm ở nơi đâu.

2.1. Sự sống là gì?

      Những định nghĩa khác nhau về sự sống theo những ý thức hệ khác nhau đã làm cho con người càng ngày càng không hiểu được chính sự sống mình đang có.

      Rất nhiều người, bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hoá khoa học của C.R. Darwin (1809-1882), đã cho sự sống là kết quả vận động ngẫu nhiên của vật chất: từ chất vô cơ trong vũ trụ như Carbon, Oxy, Hydro, Nitơ hoà hợp biến thành chất hữu cơ rồi đến đơn bào, đa bào, sinh vật hạ đẳng, sinh vật thượng đẳng đến vượn người rồi đến con người như ngày nay.

Sống theo định nghĩa khoa học này, là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết.

Một số nhà triết học thì lại định nghĩa sống là hoạt động nội tại, là yếu tính của một hữu thể hoạt động tự bên trong.

2.2. Giá trị sự sống

      Sự sống là một mầu nhiệm vượt quá những suy luận và kiểm chứng của con người.

Các nhà bác học đang cố gắng giải đáp những bí ẩn về cấu trúc gen cho một số sinh vật và ngay cả nơi con người. Họ hết sức kinh ngạc với hàng tỷ tỷ mật mã về sự sống của các nhiểm sắc thể đó.

Nhưng họ mới chỉ làm công việc giống như người thợ sửa đồng hồ: mở một chiếc ra nghiên cứu mấy trăm bộ phận, rồi lắp ráp lại cho đúng trật tự mà người phát minh ra chiếc đồng hồ đã quy định. Họ chỉ nhìn được những chất liệu của chiếc đồng hồ chứ không nhận ra người chủ làm nên chiếc đồng hồ ấy thông minh và kỳ diệu xiết bao.

Sự sống của con người và vạn vật còn kỳ diệu hơn gấp bội.

Vì thế, giá trị của sự sống không nằm ở nơi các sinh vật hay nơi chính con người mà hệ tại ở người chủ sự sống là chính Thiên Chúa, Đấng dựng nên tất cả và ban cho từng loài bậc sống khác nhau.

2.3. Các bậc sống khác nhau

Người ta thường chia ra:

·                Sự sống của thực vật: dành cho cây cỏ, hoa trái.

·                Sự sống của động vật: dành cho các loài động vật có thể xác nhưng không có tinh thần.

·                Sự sống con người: với những hoạt động ở cấp thấp của thể xác gồm đời sống thực vật, đời sống sinh lý và những hoạt động ở cấp cao của tinh thần như lý trí, ý chí, tình cảm, ký ức… Vì thế, người ta chia thành đời sống thể lý, tâm lý, tâm linh.

·                Sự sống thiên thần: dành cho loài chỉ có tinh thần.

·                Sự sống Thiên Chúa: sự sống toàn diện, tuyệt đối của Thiên Chúa Ba Ngôi.

2.4. Đi tìm sự sống vĩnh hằng

Trong cuốn truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, chúng ta thấy bao nhiêu loài vật cố gắng tu luyện, thậm chí ăn thịt và uống máu nhiều người để mong được trường sinh bất tử. Chúng trở thành những yêu quái. Chúng nói lên ước vọng của muôn loài là mong được sống và sống mãi. Một con giun, dù bị đạp đứt đôi thân mình, cũng cố gắng ngoi về vùng đất ẩm để sống. Một thân cây, dù bị chặt ngang, cũng cố gắng mọc ra những cành non để sống.

Huống chi con người. Trong suốt dòng lịch sử con người đã tìm mọi cách để kéo dài sự sống bằng đủ loại thuốc, kể cả tìm cách luyện linh đan để được trường sinh bất tử. Con người cố gắng tìm ra những loại lương thực để ăn sao cho khoẻ hơn, chế ra các mỹ phẩm để cho mình được đẹp hơn, trẻ hơn, thay đổi gen hy vọng để kéo dài tuổi thọ thêm được một vài chục năm.

Thất vọng vì những giải pháp vật chất, con người đi tìm những giải pháp tinh thần: bao nhiêu tôn giáo, đạo pháp, kể cả pháp thuật ra đời để mong đạt được ước vọng cao cả nhất của con người: được trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi nghĩa là được trở thành Thiên Chúa, nguồn của sự sống, của chân – thiện – mỹ và hạnh phúc vô biên.

 

Câu hỏi gợi ý suy tư

1. Bạn có coi thường và đánh giá thấp đời sống thể lý với các hoạt động như ăn uống điều độ, ngủ nghỉ, giải trí, vui chơi, thể dục thể thao? Hoặc bạn quá chú tâm đến chúng?

2. Bạn có kinh nghiệm gì về một phép lạ của Chúa, một sự can thiệp lạ lùng của Chúa trong đời bạn? Bạn nghĩ mình có thể làm phép lạ không?

 

Trình bày

3. CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Đức Giêsu không dài lời giải thích về sự sống bằng những ý niệm trừu tượng, nhưng Người dạy ta tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài quanh ta vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa hằng sống.

3.1. Đức Giêsu dạy ta con đường sự sống

*  Người mời gọi ta hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, những chú chim sẻ ríu rít quanh ta để nhận ra quyền năng và tình yêu của Cha Trên Trời đối với tất cả (x. Mt 6,26-32). Người yêu cầu ta thu nhặt từng mẩu bánh nhỏ, dù phép lạ Người làm cho mọi người no nê, để tiết kiệm, dành dụm cho những bữa sau (x. Ga 6,12).

*  Người quý trọng sự sống thể lý của con người nên đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Mc 1,32-33; 3,10-12; 6,55-56; Mt 8,16; Lc 4,40…). Người cổ vũ sự sống tâm lý khi nhắc nhở con người giữ tinh thần cho trong sáng, quảng đại vì không phải những đồ ăn đưa vào bụng con người làm cho họ ra nhơ uế, nhưng những gì là tham lam, ghen tuông, giận dữ, dối trá… từ lòng con người xuất ra mới làm cho họ bẩn thỉu, nhuốc nhơ (x. Mt 14,10-20; Mc 7,14-23). Người đề cao sự sống tâm linh khi nhắc nhở con người “không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Người chia sẻ sự sống của Thiên Chúa cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 1,4; 3,16; 3,36; 5,24.26; 6,47; 10,10; 11,25; 17,3…).

*  Người xua đuổi ma quỷ vì đó là những thụ tạo gây hại cho đời sống con người “cả thể xác lẫn tinh thần” nên khi xua đuổi ma quỷ khỏi người câm điếc, thì họ nói được, nghe được, thấy được (x. Mc 1,21-28; 5,1-20; 7,24-30; 9,14-29; Mt 9,32-34; Lc 4,31-37).

 

3.2. Đức Giêsu là sự sống thần linh

*  Người đã làm nhiều phép lạ cho người chết sống lại để chứng tỏ rằng sự sống ở đời này chỉ là một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi so với đời sống vĩnh hằng. Người cho con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), con gái ông Giairô (x. Mc 5,21-43) và Lazarô chết 4 ngày sống lại (x. Ga 11,1-44) để chứng tỏ Người là chủ sự sống, Người là Sự Sống toàn diện, siêu việt, hoàn hảo “Tôi là Sự Sống…” (x. Ga 14,6): Người ban sự sống đó cho tất cả những ai tin vào Người “Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời” (Ga 11,25-26).

*  Cuối cùng, chính Người đã chết và sống lại để chứng tỏ con người có thể tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, cùng ăn uống với họ để chứng tỏ Người đang sống và chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa cho họ. Thân thể phục sinh của Đức Giêsu có thể hiện ra ở trong phòng đóng kín cửa (x. Ga 20,19) ở bất cứ nơi nào (bên ngôi mộ, nơi phòng Tiệc Ly), bất cứ lúc nào (trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-25). Đó là cuộc sáng tạo mới của Thiên Chúa. 

3.3. Con đường thần hoá

Người còn cho các tông đồ được chia sẻ quyền năng của Người để làm các phép lạ minh chứng con đường sự sống kỳ diệu đó: (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 9,6). Phêrô chữa người què (x. Cv 3,1-10) hoặc bị tê bại tên Ênê (x. Cv 9,32-35), cho chị Tabitha sống lại (x. Cv 9,36-42). Phaolô chữa lành người bại chân ở Lystra (x. Cv 14,8-18), trừ khử ma quỷ (x. Cv 19,11-20), cho cậu bé Eutichô sống lại (x. Cv 20,7-12). Điều này chứng tỏ con người đã được thần hoá chứ không phải “những vị thần mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta” (Cv 14,11).

Như thế, con đường Giêsu dẫn loài người và vạn vật đến một điểm xa nhất và cũng cao nhất, đó là được thần hoá để chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Ước mơ của con người đã biến thành sự thật!

 

Kết luận

Con đường sự sống của Đức Giêsu mở ra đến vô tận. Nó giúp ta từ nay nhìn ra muôn loài ẩn chứa một sự sống lạ lùng của Thiên Chúa để ta tôn trọng và yêu quý tất cả. Nó cũng giúp ta luôn sống trong niềm vui và hy vọng vì cánh cửa tử sinh chỉ còn là một bước ngắn ngủi phải qua để đi vào cuộc thần hoá diệu kỳ.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Mỗi TDV viết ước nguyện của mình trong vòng 10 từ trên giấy và gắn lên bảng.

Nếu bạn được thần hoá, có quyền năng để chữa bệnh, trừ quỷ và các ân sủng lạ lùng thì bạn sẽ làm gì cho xã hội, cho đất nước, cho nhân loại?