Làm sao tăng sức đề kháng để chống virus corona?

Những ai dễ bị lây bệnh do virus corona chủng mới? Phòng ngừa sao cho hiệu quả? Làm sao tăng sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt người cao tuổi, trước loại virus nguy hiểm này?…

Làm sao tăng sức đề kháng để chống virus corona?

Những ai dễ bị lây bệnh do virus corona chủng mới? Phòng ngừa sao cho hiệu quả? Làm sao tăng sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt người cao tuổi, trước loại virus nguy hiểm này?… Các chuyên gia giải đáp trên Tuổi Trẻ Online.

Làm sao tăng sức đề kháng để chống virus corona? - Ảnh 1.

Giao lưu trực tuyến – toạ đàm “Để corona không còn là nỗi sợ hãi” tại báo Tuổi Trẻ sáng 14 -2 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) đang diễn biến phức tạp, với hơn 65.000 ca nhiễm tính đến sáng 14-2, trong đó hơn 1.400 ca tử vong, hơn 6.600 ca khỏi bệnh.

Ở nước ta đến nay có 16 ca nhiễm, trong đó 7 ca đã khỏi bệnh. Trong đó, 2 trường hợp cha con người Trung Quốc đầu tiên nhiễm virus corona ở Việt Nam vừa xuất viện sau 21 ngày cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Để cung cấp thêm thông tin, giải đáp các thắc mắc của bạn đọc liên quan dịch bệnh này, báo Tuổi Trẻ phối hợp với các chuyên gia y tế tổ chức chương trình tọa đàm, tư vấn trực tuyến Để virus corona không còn là nỗi sợ hãi vào sáng 14-2. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia khách mời:

– Bác sĩ Đinh Hải Yến – Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế TP.HCM;

– Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang – Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM;

– Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn;

– Bác sĩ Âu Thanh Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM;

– Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy – Bệnh viện đa khoa Sài Gòn.

 

MỜI BẠN ĐỌC THEO DÕI NỘI DUNG TƯ VẤN:

Lê Thị Hoàng Diễm: Những loại thuốc nào có thể cung cấp C hiệu quả tăng đề kháng an toàn ngoài viên sủi, vì tôi nghe nói uống sủi C nhiều có nguy cơ sỏi thận?

Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy: Vitamin C là một vitamin quan trọng cần cho hoạt động của hệ miễn dịch, có tác dụng chống oxy hoá mạnh nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà cơ thể lấy từ nguồn thức ăn. Liều dùng vitamin C hiện nay là 75mg với nữ, 95mg với nam, khuyến cáo không nên uống quá 2,000mg (2g) vitamin C mỗi ngày.

Tác dụng phụ của vitamin C: đau dạ dày, nôn, tiêu chảy… và nếu uống vitamin C thường xuyên sẽ có nguy cơ sỏi thận gấp đôi so với không uống, không phải chỉ có dạng sủi mới gây nguy cơ này. Tuy nhiên, vitamin C tốt nhất lấy từ rau củ quả nếu chế độ ăn hàng ngày đảm bảo thay vì uống viên vitamin C.

Uống vitamin C đơn thuần không có tác dụng ngăn ngừa virus corona, chỉ có một hệ miễn dịch tốt mới giúp chúng ta ngăn ngừa virus corona, việc uống vitamin C mang tác dụng tâm lý nhiều hơn là chọn lựa một lối sống lành mạnh tăng cường toàn bộ hệ miễn dịch là tốt nhất để ngăn ngừa bệnh.

 

Và A Vừ, Sơn La: Em xin hỏi phòng, chống như thế nào để gia đình em không phải lo sợ bệnh do virus corona, sẽ tiêm thuốc gì, uống thuốc gì để phòng, chống an toàn cho gia đình em hiện nay?

Bác sĩ Đinh Hải Yến: Điều đầu tiên cần làm là phải bình tĩnh. Bình tĩnh và làm theo các khuyến cáo phòng bệnh chính thức từ Bộ Y tế. Bệnh COVID-19 hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin nên không có thuốc gì để phòng.

Phòng bệnh bằng các biện pháp không dùng thuốc như rửa tay, giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường như xà bông, nước Javel, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang đúng cách đúng lúc… Bạn hãy theo dõi thêm các khuyến cáo của Bộ Y tế để làm theo.

 

Thanh Hương Võ: Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường dùng thì có sạch được virus không bác sĩ? Rửa tay như thế nào mới hiệu quả?

Bác sĩ Đinh Hải Yến: Rửa tay bằng xà bông và nước sạch là đủ giúp bàn tay sạch, không đưa các mầm bệnh vào trong người. Rửa tay đúng cách theo 6 bước rửa tay mà Bộ Y tế đã khuyến cáo. Rửa tay khi cảm thấy tay dơ, sau khi sờ chạm vào các bề mặt nơi công cộng, trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ em/người bệnh, sau khi tiếp xúc với thú cưng.

 

Đinh Hồng Đức: Xin hỏi hiện nay khẩu trang dùng 1 lần rất khan hiếm, nếu tôi dùng khẩu trang vải cái/ngày thì có được không?

Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy: Chúng ta có thể ngăn ngừa lây bệnh qua đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang (khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải) đúng cách: che toàn bộ mũi miệng, dùng chỉ 1 lần, tháo khẩu trang bằng cách tháo sợi dây từ phía lỗ tai, chú ý không đụng tay vào phần che mũi miệng của khẩu trang.

Người bình thường không có triệu chứng hô hấp như không ho, không hắt xì, không từ vùng bệnh, không tiếp xúc với bệnh nhân hay người thân có liên quan đến virus corona thì không cần đeo khẩu trang.

Người bình thường có các triệu chứng hô hấp (ho, sốt, hắt xì…) nên mang khẩu trang và mang đúng, rửa tay kỹ.

Nhân viên y tế tiếp xúc và điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm đường hô hấp nên mang khẩu trang y tế, khẩu trang N95 và đồ bảo hộ.

 

Nhân Nguyễn: Cách phòng ngừa tốt nhất hiện nay là gì? Nếu vô tình bị mắc bệnh có cần phải cách ly đặc biệt hay không? Làm sao để học sinh nhất là các bạn mẫu giáo, tiểu học, cấp 2 an toàn khi đến trường? Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Hải Yến: Hiện nay có nhiều biện pháp phòng ngừa COVID-19 như rửa tay bằng xà bông và nước sạch, đeo khẩu trang đúng cách, đúng lúc, giữ nhà cửa thông thoáng, lau dọn các bề mặt tiếp xúc… phòng bệnh là sự kết hợp của nhiều biện pháp.

Hiện nay các trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 tại Việt Nam đều có nguồn lây. Người nhiễm COVID-19 bắt buộc phải được cách ly y tế trong các bệnh viện. các trường học hiện đang triển khai các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường theo hướng dẫn của ngành y tế nên bạn có thể yên tâm về việc các trường đã chuẩn bị để đón học sinh đi học trở lại.

 

Nguyễn Phi An: Dấu hiệu nhận biết bị mắc bệnh do virus corona, vì tôi thấy trong báo chí ghi nhiều bệnh nhân không có dấu hiệu sốt ho nhưng xét nghiệm vẫn dương tính?

Bác sĩ Đinh Hải Yến: Dấu hiệu mắc bệnh do virus corona bao gồm sốt, ho, khó thở. Theo các nghiên cứu trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì đúng là có trường hợp không có sốt, vì tuỳ từng người mà biểu hiện bệnh sẽ khác nhau. Do dấu hiệu bệnh giống các bệnh đường hô hấp nên khi có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp bạn hãy bình tĩnh.

Nếu bạn có yếu tố dịch tễ như đã từng đến vùng có dịch trong vòng 14 ngày, có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID – 19 thì đeo khẩu trang, đến ngay cơ sở y tế. Nếu bạn không có yếu tố dịch tễ thì đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tự theo dõi sức khoẻ của mình. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn thì đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.

 

Mỹ Phương: Một số thông tin nói súc miệng nước muối, ăn tỏi sống hay sử dụng các thảo dược cổ truyền sẽ giúp chữa khỏi corona. Điều này đúng không thưa dược sĩ?

Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy: Các cách điều trị virus corona tự nhiên bằng việc ăn tỏi sống, sử dụng thảo dược cổ truyền, súc miệng nước muối … như bạn đề cập hiện nay chưa được kiểm chứng về hiệu quả. Việc điều trị người bệnh nhiễm corona hiện nay phải tuân thủ theo khuyến cáo và phác đồ điều trị của Bộ y tế, vì vậy các thông tin lan truyền trên không phải biện pháp để điều trị virus corona.

Tuy nhiên việc súc miệng với dung dịch sát khuẩn 2-3 lần/ ngày trong thời gian có dịch có thể là 1 trong những biện pháp dùng để phòng ngừa các bệnh lý hô hấp đem lại hiệu quả do giúp diệt các tác nhân gây bệnh.

 

Bùi Trung Kiên: Xin cho hỏi thuốc khử trùng tại các trường học ngừa dịch hiệu quả được bao nhiêu ngày? xin cám ơn.

Bác sĩ Đinh Hải Yến: Hiện các trường sẽ làm vệ sinh, khử khuẩn với dung dịch khử khuẩn, thời gian khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Cách khử khuẩn, thời gian khử khuẩn trong các trường học đã được ngành Y tế hướng dẫn cụ thể cho các trường.

 

Phương Bình: Hiện tại nếu không có gì thay đổi thì lịch học trở lại của các học sinh là ngày 17-2. Vấn đề các phụ huynh quan tâm nhất là có thể xảy ra nguy cơ lây nhiễm ở trường học, do đó Bộ cũng đã có yêu cầu khi nào có phương án phòng chống dịch ở trường thì mới cho đi học lại. Vậy thì tới thời điểm này, các trường đã trình phương án cho sở chưa? Và nếu phụ huynh yêu cầu trường chia sẻ thông tin này thì có được không?

Bác sĩ Đinh Hải Yến: Chào bạn, hiện nay rất nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ có thể đi học trở lại vào ngày 17-2. Các trường học hiện nay đã triển khai các biện pháp theo hướng dẫn của ngành y tế để chuẩn bị đón học sinh đi học lại. Các trường tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường học; chuẩn bị các phương tiện để học sinh thực hiện rửa tay khi đi học; tăng cường các trang thiết bị để đo nhiệt độ, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở trẻ; khi phát hiện trẻ có sốt sẽ đưa trẻ đến một phòng riêng đợi phụ huynh đến đưa trẻ đi khám bệnh.

Nhà trường cũng đã rà soát thông tin đi đến vùng dịch của học sinh, giáo viên đảm bảo các trường hợp này thực hiện tự cách ly theo khuyến cáo ngành y tế trong 14 ngày. Các học sinh bị bệnh đường hô hấp sẽ được nghỉ học ở nhà theo chỉ định của bác sĩ. Nhà trường sẽ dành thời gian để hướng dẫn cho học sinh các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên với xà bông và nước sạch. Truyền thông cho phụ huynh để đồng thuận cùng nhà trường thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Các trường hiện đang thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh đi học lại.

 

Lê Thị Quyên: Để tăng sức đề kháng cho trẻ em và người già phòng bệnh tật thì phải làm sao?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Để tăng sức đề kháng cho trẻ em và người già, trước tiên cần ăn uống đầy đủ nhu cầu năng lượng. Cần cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để nhận đủ năng lượng. Trẻ từ tuổi ăn dặm trở lên cần tập ăn đa dạng các loại thực phẩm, chú ý ăn đủ thịt cá, trứng sữa để cung cấp đủ đạm cho cơ thể và nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để nhận đủ dưỡng chất cho cơ thể. Tập cho trẻ ăn rau xanh và trái cây tươi. Uống đủ nước. Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên.

Người già thì khả năng nhai nuốt kém, tiêu hoá hấp thu cũng kém nên thường dễ bị thiếu dinh dưỡng. Nên chế biến thức ăn vừa sức nhai, có khi phải xay nhuyễn thức ăn. Nên thêm vài bữa ăn phụ từ thực phẩm giàu năng lượng như sữa, sản phẩm từ sữa, sinh tố (dùng sữa xay với trái cây). Đối với người già có bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, suy gan, thận… cần được khám và tư vấn cụ thể từng trường hợp.

Người già thường kém nhạy với cảm giác khát nên cần chú ý uống đủ nước (dù không khát) bằng cách để sẵn chai nước và theo dõi lượng nước uống hàng ngày. Khuyến khích vận động theo khả năng và phù hợp tình trạng sức khoẻ của từng người. Ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng để tăng cường sức khoẻ.

 

Nguyễn Tú Quỳnh:

  1. Mật độ virus corona như thế nào thì sẽ lây lan qua môi trường tiếp xúc? 2. Một bệnh nhân nhiễm corona có thể cho kết quả âm tính giả hay không? Nếu một bệnh nhân cách ly khi xét nghiệm bệnh phẩm được lấy vào ngày thứ 1 khi cách ly, cho kết quả âm tính, thì bệnh nhân này có cần xét nghiệm lại hay không? Và nếu cần xét nghiệm lại thì bệnh phẩm lần kế tiếp nên lấy vào ngày thứ mấy? Trân trọng cảm ơn và chúc bác sĩ sức khoẻ, bình an.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Virus corona lây qua đường giọt bắn của người bệnh và tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có dính dịch tiết từ đường mũi họng (có chứa virus) của người bệnh.

Bất cứ một xét nghiệm nào cũng có độ đặc hiệu, độ nhạy, tỉ lệ dương tính và âm tính giả nhất định, do vậy để điều trị một bệnh lý, các bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như: triệu chứng lâm sàng, dịch tễ, diễn tiến bệnh… chứ không phụ thuộc vào một xét nghiệm riêng biệt.

Tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân với các biểu hiện về dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm… và theo các hướng dẫn của Bộ Y tế mà chúng ta có chiến lược điều trị và theo dõi phù hợp.

 

Ngọc Trân: Nhờ bác sĩ cho lời khuyên nên ăn, uống gì để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh này ạ? Có thể dùng các loại sữa uống lên men hay sữa chua để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng không?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Ăn đầy đủ và đa dạng như đã trao đổi trong các câu hỏi trước sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sữa và các sản phẩm từ sữa là thực phẩm giàu năng lượng, giàu đạm, vitamin A, B… rất cần thiết cho cơ thể và hệ miễn dịch. Các loại sữa lên men, sữa chua sẽ giúp củng cố hệ khuẩn đường ruột nên sẽ làm tăng cường sức khoẻ của đường tiêu hoá, giúp ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào cơ thể từ đường tiêu hoá.

 

Vũ Thị Thanh:

Thưa bác sĩ, trong thời tiết hiện nay, độ ẩm cao, đối tượng nào dễ mắc bệnh nhất? Cách đề phòng lây nhiễm hiệu quả nhất. Dấu hiệu nhận biết sớm của người nhiễm virus? Theo em được biết ở Việt Nam vùng dịch nguy hiểm nhất là thành phố Vĩnh Y6ên, tỉnh Vĩnh Phúc. Những người sống ở đó cách nơi có người nhiễm virus bán kính 10 cây số thì nguy cơ lây nhiễm cao không ạ?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Thời tiết lạnh, độ ẩm cao giúp virus tồn tại lâu hơn ngoài môi trường. Đối tượng dễ mắc bệnh: người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính và người suy giảm miễn dịch. Dấu hiệu sớm của người nhiễm COVID-19 là sốt (98%: 98 người có triệu chứng sốt trong tổng số 100 người nhiễm COVID-19), ho (76%)…

Cách phòng ngừa:

– Ăn uống, nghỉ ngơi.

– Giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt thường xuyên rửa tay; hạn chế/không chạm tay vào mắt – mũi – miệng; sử dụng khăn tay riêng.

– Đeo khẩu trang sạch (khẩu trang y tế, vải…) trong những trường hợp cần thiết như nơi đông người, tiếp xúc người có triệu chứng ho…

– Khi ho cần sử dụng khăn sạch che miệng hoặc dùng khủy tay che, không khạc nhổ; giặt sạch khăn vải sau khi dùng, khăn giấy thì vứt vào thùng rác có nắp đậy.

– Không khí tại nơi ở/làm việc phải thông thoáng, hạn chế sử dụng máy lạnh.

– Vệ sinh bề mặt bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng: sàn nhà, bàn làm việc, tay nắm khoá cửa, điện thoại…

– Theo dõi dấu hiệu sốt hoặc triệu chứng ho và đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Nguy cơ lây nhiễm chủ yếu đường hô hấp và đường tiếp xúc khi tiếp xúc gần trong phạm vi 2m với người bệnh/người nghi bị COVID-19.

 

Kim Chi: Xin bác sĩ cho biết, virus corona có lơ lửng trong không khí và bám được trên quần áo không, sau khi đi ngoài đường trở về nhà có cần để riêng quần áo khoác ngoài không? Người mắc virus corona rồi có khả năng bị lại không?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Đường lây chính thức của COVID-19 là qua giọt bắn của người bệnh và qua tiếp xúc với các bề mặt, dụng cụ có chứa dịch tiết mũi họng của người bệnh; không lây qua đường bụi khí, do vậy không lơ lửng trong không khí. Tuy nhiên nếu quần áo có phơi nhiễm với giọt bắn của người bị bệnh thì vẫn có nguy cơ lây bệnh.

Hiện chưa có báo cáo khoa học nào về người mắc COVID-19 bị nhiễm bệnh lại. Cần thêm các nghiên cứu và báo cáo trong tương lại.

 

Thiên Thanh: Người không triệu chứng có cần làm xét nghiệm không? Người ở vùng dịch về không triệu chứng có cần làm không?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Hiện nay chỉ định xét nghiệm PCR dịch mũi họng dựa vào việc xác định các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh dựa trên quyết định sốt 322/QĐ-BYT: Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và có yếu tố dịch tễ gợi ý

Người từ vùng dịch tễ về sẽ được theo dõi và cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong 14 ngày nếu trong giai đoạn này có triệu chứng bệnh thì sẽ được làm xét nghiệm chẩn đoán.

 

Nguyễn Vân: Tôi nghe nói ăn trứng vịt lạt luộc thì ngừa được corona? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp các loại thực phẩm tăng sức đề kháng ạ?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Để phòng ngừa virus corona thì việc giữ vệ sinh tay, mang khẩu trang, tránh đến nơi đông người là rất quan trọng. Ăn uống đa dạng và đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập luyện thể lực sẽ giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng cường sức đề kháng.

Chỉ chọn một loại thực phẩm và ăn thường xuyên sẽ mất cân đối và không cần thiết. Trứng là thực phẩm giàu đạm mà cũng rất nhiều cholesterol, nếu ăn nhiều sẽ bất lợi cho cơ thể.

 

Nguyễn Thị Huyên: Em bị sốt nhẹ cách đây khoảng 1 tuần và có các biểu hiện như bị cảm: sổ mũi, hắt hơi, ho, rất đau họng. Giờ em không sốt nữa nhưng bị ho, khó thở, không sổ mũi, ho không có đờm, đau rát cổ họng, khàn tiếng. Xin bác sĩ tư vấn cho em với. Em đang rất lo lắng, sợ bị COVID-19. Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Các triệu chứng của bạn là triệu chứng của viêm họng thanh quản, nguyên nhân có thể do virus hoặc do vi khuẩn. Bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế (chuyên khoa tai – mũi – họng).

Bạn không có yếu tố dịch tễ (về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày) nên bạn không thuộc ca có thể hoặc nghi nhiễm COVID-19.

 

Hoàng Phạm: Tăng cường uống kháng sinh có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh do virus, tăng kháng thể chống dịch không ạ?

Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy: Virus và vi khuẩn là khác nhau, khi bạn ốm do nhiễm khuẩn vi khuẩn thì mới cần dùng thuốc điều trị như kháng sinh, tuy nhiên việc dùng kháng sinh cần có quyết định điều trị của bác sĩ theo đúng khuyến cáo về loại kháng sinh, thời gian dùng thuốc, liều điều trị và phối hợp kèm các thuốc điều trị hỗ trợ khác nếu cần… nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Vì vậy, người khoẻ mạnh không nên tự tiện dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh các hệ lụy sau này như dị ứng thuốc, kháng thuốc…

Virus sẽ bị hệ miễn dịch khoẻ mạnh tiêu diệt (hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây bệnh), hệ miễn dịch giảm dần theo tuổi tác, vì vậy để giảm nguy cơ mắc bệnh do virus, tăng cường khả năng miễn dịch trong mùa dịch, chúng ta nên thực hiện lối sống lành mạnh: không hút thuốc, không uống rượu, ăn uống cân bằng (đủ rau củ, trái cây, uống đủ nước…), tập thể dục đều đặn để tạo ra hệ miễn dịch tốt, ngủ đủ giấc, rửa tay ít nhất 20 giây bằng nước và xà phòng, ăn thức ăn nấu chín, hạn chế stress và áp lực, giữ tinh thần tốt tích cực.

Ngoài ra cần cẩn thận với các quảng cáo thuốc/thực phẩm chức năng… tăng cường hệ miễn dịch không cần thiết bạn nhé.

 

Kha kha: Nếu chỉ biểu hiện ho nhưng không sốt thì có phải triệu chứng của bệnh do corona gây ra không bác sĩ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp những biểu hiện dễ nhận biết nhất khi nhiễm virus.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Triệu chứng khởi đầu của COVID-19 không đặc hiệu so với các bệnh lý viêm đường hô hấp khác, do vậy để chẩn đoán, ngoài kết hợp triệu chứng lâm sàng còn phải điều tra các yếu tố dịch tễ gợi ý.

Khi có các triệu chứng đường hô hấp như: ho, sốt, đau họng, anh chị nên đến khám và tư vấn tại các trung tâm y tế để được tư vấn và chẩn đoán.

 

Văn Minh: Bác sĩ cho tôi hỏi COVID-19 có lây qua giác mạc không? Nếu có thì tỉ lệ lây nhiễm bệnh như thế nào so với các con đường khi nay?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: COVID-19 có thể lây qua đường niêm mạc mắt khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Hiện nay tỉ lệ lây qua đường niêm mạc mắt chưa có báo cáo cụ thể, cần thêm các nghiên cứu trong tương lai.

 

Nguyễn Văn Hải: Tại nhà, phân biệt như thế nào giữa bệnh hô hấp thông thường với bệnh do dịch corona gây ra?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: 2019-nCoV là một loại virus thuộc Beta Coronavirus; biểu hiện của người nhiễm như sốt, ho, khó thở… giống triệu chứng của người nhiễm cúm mùa.

Hiện tại, người nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV khi có yếu tố dịch tễ (trở về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc người nghi nhiễm…) và các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho, khó thở…) và khẳng định khi xét nghiệm phết họng làm PCR cho kết quả dương tính.

Tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.

 

Lê Văn Đen: Hiện tại công ty có nhiều lô hàng nhập từ Trung Quốc, thời gian vận chuyển từ 2-3 ngày từ Trung Quốc về Bình Dương, cho tôi hỏi có thể bị lây qua việc cầm nắm gói hàng không?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Bệnh COVID-19 lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiếp xúc.

Thời gian virus tồn tại trong môi trường khoảng 3 ngày tuỳ theo điều kiện thời tiết.

Về nguyên tắc khi bạn tiếp xúc lô hàng nếu có virus trên bề mặt, bạn có thể nhiễm nếu tay bạn chạm mắt, mũi, miệng… Do đó bạn nên đeo khẩu trang, mang găng tay và tháo găng tay khi tiếp xúc lô hàng, rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.

 

Nguyễn Phi An: Tôi chưa tiếp xúc với người bệnh, chưa du lịch đến ổ dịch nhưng vài ngày nay tôi có dấu hiệu mệt mỏi và đau họng (không sốt, không ho) vậy tôi có cần đi xét nghiệm không?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Nghi ngờ nhiễm corona khi có yếu tố dịch tễ (trở về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc người nghi nhiễm…) và các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho, khó thở…) 

Trường hợp của bạn có các triệu chứng mệt mỏi, đau họng; bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và được tư vấn.

 

Thiên Đăng: Những người có sức đề kháng mạnh liệu có dễ bị nhiễm virus corona không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Virus corona chủng mới (2019-nCoV) lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiếp xúc.

Bệnh dễ lây nhiễm và diễn tiến nặng đối với trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính và người suy giảm miễn dịch.

Bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như chúng tôi đã trả lời bên dưới.

 

Bùi Hoàng Quân: Khi lỡ tiếp xúc với người nghi nhiễm virus corona chúng ta nên làm gì bước đầu tiên?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Khi tiếp xúc gần với người xác định nhiễm COVID-19 cần báo cáo cho hệ tihống y tế dự phòng gần nhất để được theo dõi và hướng dẫn cách ly.

 

Hải Miên: Virus corona mới này có giống như virus gây ra SARS không? Thời gian ủ bệnh của virus corona là bao lâu, 14 hay 24 ngày như một số báo đăng?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Bộ gen đã được giải mã của COVID-19 giống 85% so với SARS tuy nhiên tỉ lệ lây lan đến thời điểm này thì nhanh hơn. Tỉ lệ tử vong chung thì thấp hơn sơ với SARS.

Hiện tại theo khuyến cáo của WHO thì thời gian ủ bệnh của COVID-19 vẫn là 14 ngày. Cần thêm các báo cáo trong thời gian tới.

 

Nguyễn Dũng CM: Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi những thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch trong mùa dịch này. Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Để cơ thể khoẻ mạnh thì trước tiên cần ăn đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, uống đủ nước. Trong đó, cần lưu ý các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch:

– Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây tươi họ cam quýt, kiwi, dâu tây, đu đủ chín, ớt chuông, bông cải xanh… Mỗi ngày một người trưởng thành cần khoảng 300g rau và 2-3 phần trái cây tươi là sẽ cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể. Một phần trái cây tươi tương đương với 1 trái cam cỡ vừa, hoặc 1 trái táo, 1 trái kiwi…

– Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, ngũ cốc, dầu thực vật, mầm giá đỗ…

– Beta-caroten có trong các loại rau xanh đậm, củ quả vàng cam đậm như cà rốt, bí đỏ, rau muống, rau giền, cà chua, bông cải xanh, đu đủ chín…

– Kẽm có nhiều trong thức ăn động vật như con hàu, cá…

– Acid béo omega-3 có nhiều trong cá biển sâu như cá hồi, cá trích, cá ngừ, hạt óc chó…

Lưu ý rằng việc tăng cường miễn dịch không chỉ trong mùa dịch mà nên là thói quen ăn uống lành mạnh hàng ngày. Rèn luyện thể lực, ngủ đủ giấc, lối sống tích cực, vui vẻ, hạn chế căng thẳng là rất quan trọng để có hệ miễn dịch khoẻ mạnh.

 

Lê Thái Bảo: Chào bác sĩ, virus corona có lây nhiễm qua đường tiêu hóa không? Chẳng hạn như ăn uống cùng muỗng đũa tại các quán ăn, đông ngừoi thì virú có bám vào đũa muống rồi đi vào cơ thể người không. Phòng tránh như thế nào ạ?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Cho đến nay, chưa loại trừ trường hợp virus corona lây truyền qua đường tiêu hoá. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là ăn chín, uống nước chín, vệ sinh tay và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế ăn hàng quán bên ngoài. Nếu phải ăn bên ngoài nên chọn hàng quán sạch sẽ, thức ăn bày trên cao và có che đậy. Hàng quán có vòi nước để rửa sẽ an toàn hơn những nơi bán thức ăn bên lề đường dùng chung nước trong xô, chậu.

 

Trần Thị Thu Hiền: Các bé đi học trong mùa dịch này làm sao để phòng tránh, nhất là các bé mẫu giáo chưa có ý thức vệ sinh, lại là nơi dễ lây bệnh. Dịch bệnh thì bùng phát rất nhanh, em rất lo lắng…

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Để phòng bệnh đối với các bé mẫu giáo:

– Đối với gia đình: cho bé ăn uống, nghỉ ngơi; giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt hướng dẫn bé thường xuyên rửa tay; nhắc bé hạn chế/không chạm tay vào mắt – mũi – miệng; trang bị khăn tay riêng cho bé; đeo khẩu trang trong những trường hợp cần thiết như nơi đông người, tiếp xúc người có triệu chứng ho…); theo dõi dấu hiệu sốt hoặc triệu chứng ho của bé và đưa bé đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.

– Đối với nhà trường: cần vệ sinh trường lớp, đặc biệt là sàn nhà, bề mặt bàn ghế, tay nắm khoá cửa; thường xuyên cửa, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng máy lạnh; trang bị cho bé vật dụng cá nhân riêng như khăn tay, ly uống nước…; hướng dẫn các bé thường xuyên rửa tay, khi ho thì sử dụng khăn che miệng…

 

Bảo Nghi 17 tuổi Q1: Thưa bác sĩ, động vật như chó, mèo có lây nhiễm virus corona không?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Hiện chưa có bằng chứng khoa học bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm hoặc lây từ chó mèo.

 

Ngọc Hạnh: Đối với những người bị nhiễm corona sau khi điều trị thành công có nguy cơ bị nhiễm lại hay không?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Hiện chưa có bằng chứng khoa học hay báo cáo nào về bệnh nhân COVID-19 sau khi điều trị xong có thể nhiễm lại. Cần thêm các nghiên cứu và báo cáo trong tương lai.

 

Bùi Lệ Hồng: Làm sao tăng sức đề kháng để phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra? Những ngày gần đây, tôi cho cho tất cả các thành viên trong gia đình uống nhiều nước cam và chanh để tăng cường vitamin C, với 2-3 ly/ngày. Điều này đúng không bác sĩ?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Để tăng sức đề kháng thì cơ thể cần nhận đủ chất đạm, omega-3, các vi khoáng chất như vitamin C, vitamin A, D, sắt, kẽm… chứ không chỉ có vitamin C. Do đó nên ăn đa dạng các loại thực phẩm đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây họ cam quýt, kiwi, dâu tây, đu đủ chín, ớt chuông, bông cải xanh… Nên ăn cả trái cam tốt hơn chỉ uống nước ép. Ăn đa dạng các loại rau trái hơn là chỉ uống nước cam 2-3 ly/ngày.

Bên cạnh chế độ ăn đa dạng, cân đối và đủ nhu cầu đối với từng thể trạng thì cần chú ý uống đủ nước cho cơ thể, ngủ đủ giấc, tập luyện thể lực thường xuyên, hạn chế rượu bia, thuốc lá.

 

Thanh Hải: Thưa bác sĩ, tại sao những người già thường có nguy cơ nhiễm virus corona nhiều hơn so với người trẻ? Như vậy người già cần phải bảo vệ sức khoẻ mình như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Ở người lớn tuổi hệ miễn dịch suy yếu có nhiều bệnh lý nền kèm theo nên dễ có nguy cơ mắc bệnh và khi bị bệnh thì dễ có các biến chứng nặng.

Đối với người lớn tuổi bên cạnh các khuyến cáo chung về phòng bệnh COVID-19 do WHO và Bộ Y tế đưa ra theo tôi cần có chế độ sinh hoạt: tập thể dục, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống các thức ăn bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, giữ tinh thần lạc quan…

 

Thu Ngân: Thưa bác sĩ, người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ cần ăn uống ra sao để phòng chống dịch bệnh và tăng cường sức đề kháng? Khi đến những địa điểm khá đông người thì nên phòng bị như thế nào là hiệu quả nhất ạ?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Trẻ nhỏ cần được ăn uống đầy đủ phù hợp nhu cầu ở từng lứa tuổi, đặc biệt là đủ chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, và đủ vitamin từ rau xanh và trái cây tươi. Các loại rau xanh đậm và củ quả vàng cam đậm giàu beta caroten sẽ chuyển thành vitamin A khi vào cơ thể.

Vitamin C có nhiều trong các loại hoa quả họ cam quýt, kiwi, đu đủ chín, dâu tây, ớt chuông, khoai tây… Đây là những chất rất cần cho hệ miễn dịch nhưng dễ bị thiếu nếu trẻ không ăn rau quả tươi.

Khi đến nơi đông người cần mang khẩu trang cho bản thân và cho trẻ, sát trùng tay khi chăm sóc trẻ và cho trẻ ăn, hạn chế để trẻ tiếp xúc các vật dụng xung quanh, không để trẻ ngậm tay hoặc dụi tay lên mắt… Mang nước theo cho trẻ uống thường xuyên để tránh mất nước. Mang theo bữa ăn phụ chuẩn bị sẵn cho trẻ như sữa, trái cây… Hạn chế cho trẻ ăn uống bên ngoài. Nên rửa tay bằng xà phòng và thay quần áo sạch ngay khi đưa trẻ về nhà.

 

Trần thị Thanh Thảo: Xin cho tôi hỏi những đối tượng nào dễ bị lây bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả. Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Những người có nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm cao:

Những người đi từ vùng dịch về.

Những người tiếp xúc trực tiếp với những người đi từ vùng dịch về và nhiễm bệnh.

Tóm lại những người có nguy cơ cao là những người có tiếp xúc với nguồn bệnh mà không có các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt.

 

Trần Tuyết Mai: Chào bác sĩ, cho con hỏi việc tiếp xúc gần nhưng chỉ nói chuyện qua lại vài câu, thì có nguy cơ lây nhiễm virus corona không? Nếu có thì đeo khẩu trang khi nói chuyện có giúp ngăn lây nhiễm không ạ?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Chào bạn, tiếp xúc gần nghĩa là tiếp xúc trong phạm vi 2m.

Đối với các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp nói chung và COVID-19 nói riêng có thể lây khi tiếp xúc gần, do đó việc đeo khẩu trang sạch (khẩu trang y tế, vải…) sẽ hạn chế lây nhiễm.

 

Vy Nguyễn: Gia đình em muốn tăng sức đề kháng cho cả nhà thì dùng biện pháp nào hiệu quả? Nước trà gừng + sả + chanh và mật ong có thực sự nâng cao được sức đề kháng cho cơ thể không ạ? Đồ ăn thưc uống mua bên ngoài về, xử lý thế nào để tránh lây nhiễm bệnh từ môi trường ngoài nếu không nấu chín như rau sống, trái cây…? Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Để tăng sức đề kháng thì cần ăn đầy đủ các chất cần cho nhu cầu của từng người trong gia đình, đặc biệt là đủ chất đạm, các vi khoáng chất và đủ nước. Bên cạnh đó, cần chú ý ngủ đủ giấc, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, hạn chế căng thẳng quá mức, tránh rượu bia, thuốc lá.

Nước trà gừng, sả, chanh và mật ong không thực sự nâng cao sức đề kháng vì không chứa nhiều các dưỡng chất cần cho cơ thể.

Nên hạn chế mua thức ăn từ bên ngoài. Trường hợp cần thiết thì nên chọn hàng quán sạch sẽ, có vòi nước (không dùng nước trong xô, chậu), chọn món chín sôi.

Rau sống mang về cần rửa lại bằng nước sạch dưới vòi nước, có thể trụng rau trước khi ăn. Trái cây nên rửa sạch, gọt vỏ sẽ an toàn hơn.

 

Phương Nguyễn: Dạo gần đây, em có biểu hiện hắt hơi thường xuyên, nhất là khi ngồi trong phòng có máy lạnh, tuy nhiên em không bị ho hay sốt gì cả. Tình trạng này diễn ra gần 1 tuần. Vậy em có nguy cơ mắc bệnh không bác? Em muốn đi khám, thì quy trình khám như thế nào. Nhờ bác sĩ tư vấn. Em cảm ơn.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Triệu chứng của bạn là triệu chứng viêm mũi dị ứng. Bạn có thể đến khám chuyên khoa tai – mũi – họng.

Bạn không có yếu tố dịch tễ (trở về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc người nghi nhiễm COVID-19…) và không có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho, khó thở…) nên tại thời điểm này bạn không có nguy cơ nhiễm COVID-19.

 

Trần Bảo Kham baokha55gmail: Có thuốc đặc hiệu nào để phòng ngừa và điều trị virus corona không?

Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy: Do virus corona chủng mới, virus SARS và virus HIV đều là họ virus RNA nên các hướng nghiên cứu trị liệu corona dựa trên tìm hiểu các thuốc chữa trị virus HIV và SARS. Nhìn chung, các loại thuốc kháng HIV kết hợp với kháng virus khác, cộng thêm các trị liệu hỗ trợ, điều trị triệu chứng, kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn được xem là cách chữa virus corona hiện nay.

Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vaccin cho COVID-19.

Cách phòng ngừa tốt nhất virus corona là:

  1. Rửa tay thường xuyên ít nhất 20 giây theo hình hướng dẫn, uống nước đầy đủ, chế độ ăn dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, tập thể dục, và tránh tiếp xúc với người có nguy cơ lây nhiễm.

 

corona
  1. Ngăn ngừa lây bệnh qua đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang đúng cách: che toàn bộ mũi miệng, dùng chỉ 1 lần, tháo khẩu trang bằng cách tháo sợi dây từ phía lỗ tai, chú ý không đụng tay vào phần che mũi miệng của khẩu trang.

Người bình thường không có triệu chứng hô hấp như không ho, không hắt xì, không từ vùng bệnh, không tiếp xúc với bệnh nhân hay người thân có liên quan đến virus corona thì không cần đeo khẩu trang. Người bình thường có các triệu chứng hô hấp (ho, sốt, hắt xì…) nên mang khẩu trang và mang đúng, rửa tay kỹ.

(Theo hướng dẫn của Tổ chức ý tế thế giới WHO: https://www.who.int/publications-detail/advice-on-the-use-of-masks-the-community-during-home-care-and-in-health-care-settings-in-the-context-of-the-novel-coronavirus-(2019-ncov)-outbreak)

 

Võ Thị Thương: Ho, không sốt, không khó thở có nguy cơ nhiễm virus corona không?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Ho có rất nhiều nguyên nhân, nếu ho kéo dài bạn nên khám tại các cơ sở y tế.

Nghi ngờ nhiễm COVID-19 khi có yếu tố dịch tễ (trở về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc người nghi nhiễm COVID-19…) và các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho, khó thở…).

 

Tuyết Mai: Uống sủi C nhiều giúp góp phần tăng miễn dịch phòng bệnh do corona gây ra, vậy cho hỏi, uống liều lượng ra sao thì hợp lý?

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh: Khi ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập luyện thể lực thì không cần thiết phải bổ sung vitamin C. Trường hợp cần thiết bổ sung thì cũng chỉ cần với lượng nhỏ 200-500mg/ngày là đủ. Có thể chia 2 lần/ngày vào buổi sáng và trưa.

Lưu ý các biện pháp phòng ngừa như hạn chế đến nơi đông người, mang khẩu trang đúng cách, và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng vẫn rất quan trọng.

 

Thanh Thanh: Khi nào thì cần phải xét nghiệm khả năng nhiễm virus corona?

Bác sĩ Âu Thanh Tùng: Bác sĩ chỉ định xét nghiệm phết họng làm PCR chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 khi có yếu tố dịch tễ (trở về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc gần người nghi nhiễm COVID-19…) và các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho, khó thở…).

 

Nguyễn Thái Bình: Thay vì rửa tay bằng cồn thì tôi dùng máy sấy tóc ở nhiệt độ cao để diệt virus ở bàn tay và các dụng cụ cá nhân, có hiệu quả không?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn đúng cách (đủ các bước và tổng thời gian trên 20 giây) nằm trong khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nói chung, cũng như Covid-19.

Việc dùng máy sấy tóc như vậy chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khả năng diệt virus tốt hơn là rửa tay đúng quy cách. Bệnh cạnh đó còn tiềm ẩn các nguy cơ giật điện hay phỏng nhiệt.

 

Võ Thanh Lợi: Làm sao để biết dấu hiệu của người nhiễm COVID 19, cách phòng tránh lây bệnh đơn giản nhất hiện nay tại Việt Nam?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang: Triệu chứng lâm sàng khởi đầu của nhiễm Covid-19 không đặc hiệu, và giống với các bệnh lý viêm đường hô hấp cấp khác như: sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng, mệt mỏi, đau đầu… Để chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như trên kèm theo yếu tố dịch tễ gợi ý (Đề cập trong quyết định số 322/QĐ-BYT)

Cách phòng bệnh hiện nay là chúng ta nên tuân theo các hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế: tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng hô hấp: sốt, ho, khó thở… Giữ gìn vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng đúng cách hoặc dung dịch rửa tay nhanh. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi không chắc tay đã được rửa sạch. Ăn thức ăn được nấu chín kỹ, không ăn thịt động vật hoang dã. Tại nơi ở và nơi làm việc: dọn vệ sinh sạch sẽ, mở cửa sổ để thoáng khí. Dùng khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp hoặc đến nơi tụ tập đông người.

 

TUỔI TRẺ ONLINE