Tại sao doanh nghiệp làm hàng riêng cho siêu thị?
Cùng với các sản phẩm có thương hiệu, tại hầu hết siêu thị hiện nay đều xuất hiện nhiều nhãn hàng riêng của những hệ thống siêu thị này.
Tại sao doanh nghiệp làm hàng riêng cho siêu thị?
Khách hàng chọn hàng thực phẩm với nhãn hàng riêng Co.op Mart được bày bán chung với các thương hiệu khác cùng loại tại siêu thị – Ảnh: Thanh Đạm
Điều đặc biệt là tham gia làm hàng gia công cho các siêu thị phần lớn là những doanh nghiệp tên tuổi, có thị phần lớn.
Nhiều doanh nghiệp cho biết việc sản xuất nhãn hiệu riêng sẽ làm tăng tối đa công suất. Trong khi đó, đại diện bán lẻ thì cho biết nhãn hàng riêng sẽ làm phong phú thị trường và tăng cạnh tranh cho sản phẩm.
Tràn ngập hàng nhãn riêng của siêu thị
“Tôi xem việc làm gia công cho các thương hiệu có hệ thống phân phối như là mảng sản xuất chính của mình. Chỉ cần lợi nhuận hợp lý, số lượng đơn hàng lớn thì đồng ý ký hợp đồng. Quan trọng nhất là đừng tham lam. Phải biết mình có ưu thế gì, đối tác có lợi thế gì để cùng nhau khai thác thị trường” Ông Kao Siêu Lực |
Giống như nhiều bà nội trợ, mỗi tuần chị Nguyễn Xuân Huy (đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đến siêu thị mua sắm một vài lần. “Chừng một năm trước vào siêu thị thì thấy lác đác vài sản phẩm riêng của siêu thị, nhưng bây giờ quầy nào cũng có 3-4 mặt hàng để lựa chọn” – chị Huy nói. Từ Co.op Mart, Big C đến Lotte, Maximark…, hầu như tất cả siêu thị đều tham gia ngày càng mạnh vào cuộc đua nhãn hàng riêng.
Tại Co.op Mart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận), chỉ tính riêng khu vực bột ngọt, bột nêm, gia vị… đã có tới 5-7 nhãn hàng có sự tham gia của Co.op Mart. Tương tự, Big C Trường Chinh có hẳn một dãy dài để trưng bày gần mười mẫu hàng mang nhãn hiệu Big C, từ mì gói, bún đến cháo, phở… Tại khu vực các loại nước giải khát, nước ngọt, nước trái cây, thương hiệu siêu thị cũng xuất hiện dày đặc bên cạnh các thương hiệu lớn như Pepsi, Coca-Cola… Không chỉ có vậy, nhiều nhóm hàng như đồ dùng gia đình, gia dụng… vốn khá kén chọn khách hàng, các siêu thị cũng vào cuộc.
Khảo sát tại các siêu thị cho thấy giá cả hàng hóa với nhãn hàng riêng thường thấp hơn 10-30% so với sản phẩm có thương hiệu cùng loại. Tại Co.op Mart, một sản phẩm lau sàn nhà mang nhãn hiệu của nhà phân phối này được bán ra với mức 189.000 đồng, trong khi sản phẩm cùng loại ở mức 210.000-220.000 đồng. Tương tự, các loại nước giải khát loại 500ml thường có giá từ 6.500-8.000 đồng/sản phẩm, nhưng với nhãn hàng riêng thì giá chỉ 6.000 đồng, thậm chí thấp hơn nhằm hấp dẫn khách hàng.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cho hay hiện đơn vị này kinh doanh khoảng 300 mặt hàng, hơn 1.500 mã hàng. Giá cả thường thấp hơn sản phẩm cùng loại 5-30% tùy từng loại hàng. Cơ cấu hàng hóa chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thực phẩm, gạo, bún, các loại gia vị, nước ngọt và thực phẩm đông lạnh, may mặc… Cũng theo vị đại diện này, lợi thế của nhãn hàng riêng là giá cả khá rẻ, không phải tốn kém chi phí sản xuất nên tiết kiệm được tối đa chi phí, cho ra giá thành rẻ mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống Big C, cho biết hiện nhãn hàng riêng chiếm khoảng 5% trong tổng số hàng hóa kinh doanh tại siêu thị với khoảng 1.000 mặt hàng. Theo bà Trang, việc sản xuất nhãn hàng riêng sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi tận dụng được tối đa công suất máy móc, thiết bị. Lý giải việc giá thành thấp hơn sản phẩm cùng loại là nhờ không tốn chi phí quảng cáo, marketing… Ngoài ra, việc phân phối cũng thuận tiện nên tiết kiệm tối đa chi phí.
Doanh nghiệp lấy công làm lời
Phần lớn đơn vị tham gia thực hiện nhãn hàng riêng cho hệ thống các siêu thị đều là những doanh nghiệp tên tuổi, có thị phần tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, nhưng vẫn chấp nhận “ẩn danh” khi xuất hiện trước người tiêu dùng một khi đã nhận làm gia công cho hệ thống bán lẻ.
“Sở dĩ doanh nghiệp có thương hiệu, có thị trường nhưng vẫn theo đuổi và sản xuất hàng nhãn riêng vì sẽ tận dụng tối đa công suất của máy móc. Việc sản xuất này cũng tạo việc làm ổn định cho người lao động, hàng loạt chi phí khác sẽ được hạn chế tối đa do tăng sản lượng sản xuất” – bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Food – doanh nghiệp đã có chín năm sản xuất hàng nhãn riêng cho các hệ thống bán lẻ, cho biết. Hiện sản lượng sản xuất hàng nhãn riêng của Saigon Food chiếm khoảng 25% trong tổng sản lượng sản xuất, trở thành một trong những chiến lược kinh doanh chính của công ty.
Lãnh đạo một doanh nghiệp hóa mỹ phẩm đang cung cấp các sản phẩm bột giặt và nước xả vải cho ba hệ thống bán lẻ tại thị trường TP.HCM cho biết việc sản xuất hàng nhãn riêng thật sự đem lại lợi ích khá lớn cho đơn vị này. Sản lượng hiện chiếm tới hơn 35% công suất của doanh nghiệp. “Sản xuất hàng nhãn riêng có thể chưa đem lại lợi ích về thương hiệu nhưng đem lại doanh số ổn định, không phải lo khó khăn về thị trường hay đầu ra cho sản phẩm” – vị này nói.
Ông Kao Siêu Lực – tổng giám đốc DNTN bánh kẹo Á Châu (ABC), doanh nghiệp có lượng hàng sản xuất cho các thương hiệu riêng của ABC đang chiếm tỉ trọng đến 40% trong tổng năng lực sản xuất hiện nay – cũng cho rằng một khi đã chọn con đường làm hàng nhãn riêng thì không nên suy nghĩ đó chỉ là nơi tiêu thụ… tạm bợ cho nhà sản xuất, mà hãy xem đó là nơi mình gắn bó lâu dài. Chính ở những kênh tiêu thụ này, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh, có được nhiều bài học quý báu trong khâu tổ chức, vận hành và quản lý bộ máy sản xuất của mình. Lợi nhuận cũng từ đây mà ra.
Theo ông Lực, khi đã chọn phương thức gia công làm chiến lược sản xuất chính của mình, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là phải biết chọn điểm dừng cho mức lợi nhuận kỳ vọng. Đừng tự ý nâng giá bán nếu mình đang là nhà cung cấp độc quyền cho một thương hiệu nào đó. “Họ sẽ chỉ cần mình trong một giai đoạn hay một thời điểm, và sẵn sàng bỏ mình để chọn người khác làm thay một khi có người chào giá rẻ hơn” – ông Lực nói.
DŨNG TUẤN – TRẦN VŨ NGHI
Người tiêu dùng băn khoăn Sự xuất hiện nhiều mặt hàng riêng cũng khiến nhiều người tiêu dùng khá băn khoăn khi đi mua sắm. “Tui thấy xuất hiện rất nhiều nhãn hiệu nước ngọt mang nhãn mác Big C hay Co.op Mart nhưng lại không rõ thương hiệu sản xuất, không biết có an toàn hay không?” – chị Trần Thị Thu (Q.Tân Bình) cho hay. Liên quan đến vấn đề này, bà Dương Thị Quỳnh Trang cho rằng trong trường hợp sản phẩm hàng nhãn riêng có vấn đề về chất lượng, chắc chắn sẽ được xử lý theo quy trình chung. Theo đó, dù sản phẩm là hàng nhãn riêng hay hàng của nhà sản xuất khác thì siêu thị vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm. Sau khi xem xét, siêu thị sẽ làm việc với nhà sản xuất để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải giữ lại hóa đơn để có căn cứ giải quyết. |