25/11/2024

Ukraine trong cuộc chiến thông tin

Bên cạnh những diễn biến nóng trên quảng trường Độc Lập (còn được gọi là Maidan) và Crimea, còn có một cuộc chiến tranh thông tin trên nhiều mặt trận quanh sự kiện Ukraine.

Ukraine trong cuộc chiến thông tin

Bên cạnh những diễn biến nóng trên quảng trường Độc Lập (còn được gọi là Maidan) và Crimea, còn có một cuộc chiến tranh thông tin trên nhiều mặt trận quanh sự kiện Ukraine. 

 

Phải gọi đúng những câu chuyện xảy ra trong thời gian qua là “chiến tranh trực diện” bởi đó là những công kích cụ thể, trực tiếp nhắm vào nhau giữa truyền thông Ukraine và truyền thông Nga.

Các nhà đài đấu khẩu

 

“Cá nhân tôi không thể trở thành một phần của mạng lưới làm việc dưới sự bảo trợ của Chính phủ Nga để đi “tô vẽ” cho những hành động của ông Putin” – nữ phóng viên Liz Wahl (ảnh trích từ clip) đã gây khó cho cơ quan sử dụng mình là Đài Russia Today kênh phát tại Mỹ khi cô lên dẫn chương trình tối 5-3 rồi “chào từ biệt khán giả” bằng những lời như trên. Đáp lại hành động này, đại diện kênh truyền hình Russia Today tại Mỹ đã chỉ trích hành động trên của cô Wahl là hành động nhằm mục đích “tự đánh bóng tên tuổi”.

 

Chẳng hạn, lời kêu gọi đưa ra ngày 2-3 trên kênh truyền hình Ukraine Inter gửi đích danh các tổng giám đốc Kênh 1 truyền hình Nga (Konstantin Ernst), Tập đoàn Phát thanh truyền hình quốc gia Nga (Oleg Dobrodeyev) và Truyền hình NTV (Vladimir Kulistikiov).

Thông cáo báo chí này, ký tên của ba lãnh đạo truyền thông lớn của Ukraine, viết: “Các bạn, đồng nghiệp thân mến! Chúng ta biết nhau đã lâu… Chúng ta có cái nhìn chung trong cuộc sống ở nhiều điểm và chúng ta yêu truyền hình điên cuồng. Chúng tôi tin và biết các ông, cũng như chúng tôi, không muốn chiến tranh giữa các dân tộc Nga và Ukraine anh em. Chúng tôi đề nghị các ông đưa những sự kiện diễn ra hiện nay ở Ukraine một cách khách quan, cân nhắc, công khai… Chúng tôi đề nghị các ông… có trách nhiệm đối với mỗi từ”.

Tại sao có lá thư ngỏ đó? Theo Hãng tin Nga Newru, trong hai ngày 1 và 2-3, các kênh truyền hình Nga “đã thay đổi trình tự diễn biến” và “chỉ chọn lựa phát đi những thông tin có lợi cho Nga”.

Chẳng hạn, Kênh 1 truyền hình Nga đưa tin về lời kêu gọi của một trong những nhà hoạt động tích cực ở Maidan, thủ lĩnh tổ chức cực đoan Ukraine “Khu vực hữu” Dmitry Yarosh, gửi tới thủ lĩnh những người Hồi giáo Chechnya Doky Umarov yêu cầu phe này “cầm vũ khí để ủng hộ những người chống Nga ở Ukraine” để bênh vực cho việc đưa quân Nga vào Crimea.

Tuy nhiên khi “Khu vực hữu” bác bỏ tin này, cho biết tài khoản Facebook của người phụ trách trang web tổ chức này bị hack và bị đăng lên thông tin sai lạc trên thì truyền hình Nga không đưa lời bác bỏ của “Khu vực hữu”. Hay cũng Kênh 1 đưa tin (ngày 2-3) trong hai ngày đầu tháng có 140.000 người Ukraine chạy về Nga, trong khi hình ảnh phát đi lại là cảnh ở một trạm kiểm soát biên giới Ba Lan!

Các lãnh đạo truyền thông Nga phản ứng ngay vào hôm sau. Trong bản tin phát trên NTV, ba “khổ chủ” đã trả đũa như sau: “Nói về tính khách quan và trách nhiệm, chúng tôi cũng muốn kêu gọi các ông tương tự vậy. Xin hãy khách quan và trách nhiệm, cân nhắc từng từ và kiềm chế cảm xúc, xin hãy đưa tin không riêng rẽ, như (các ông) từng làm gần đây, bởi chúng ta là một không gian truyền hình Slavơ vĩ đại, thống nhất và không chia cắt”.

Đưa tin này, Hãng Newsru cũng giải thích: việc truyền thông Nga kêu gọi truyền thông Ukraine cân nhắc từng từ có lẽ là do một chương trình đối thoại trực tiếp từ Kênh 1 truyền hình Ukraine của nhà báo Savik Shuster.

Ông này đã kêu gọi các đồng nghiệp Nga “chấm dứt tuyên truyền và thực hiện nghĩa vụ nghề nghiệp của mình”, nhưng lại so sánh “Vladimir Putin ở châu Âu hiện nay là Adolf Hitler, còn Crimea là Áo và Ukraine chẳng khác Ba Lan”.

Maidan trên mạng

Cuộc chiến giữa các công dân mạng cũng không hề yên ả hơn, thậm chí còn có sự can dự của những tay chơi “chuyên nghiệp”.

Chẳng hạn, trong những ngày cuối tháng 2, khi trên quảng trường trung tâm Kiev diễn ra những cuộc biểu tình căng thẳng, cư dân Maidan chuyền nhau một clip mang tên “Tôi là người Ukraine”.

Trong đó, một cô gái Ukraine xinh đẹp nghẹn ngào nói với khán giả bằng tiếng Anh rằng cô tới Maidan để giải phóng đất nước khỏi sự chuyên chế và chính phủ tham nhũng, rồi kêu gọi: “Hãy giúp chúng tôi, đơn giản bằng cách chia sẻ đoạn phim này với bạn bè mình”.

Đoạn phim được 7 triệu lượt xem chỉ trong mười ngày. Thế nhưng khi xem kỹ, các cư dân mạng đặt câu hỏi: tại sao tóc tai, mặt mày cô gái đi biểu tình lại son phấn quá chỉn chu?

Cuối cùng, họ tìm được câu trả lời: đoạn phim do đạo diễn Mỹ nổi tiếng Ben Moses quay, biên tập và đưa lên mạng. Ben Moses từng thực hiện những dự án tương tự ở Ai Cập và Venezuela và theo trang rt.com, người ủng hộ đạo diễn Ben Moses thực hiện đoạn video này là Larry Diamond, nhân viên Quỹ dân chủ quốc gia Mỹ, một tổ chức từng ủng hộ “cách mạng cam” ở Ukraine năm 2004 và “Mùa xuân Ả Rập”.

Đỉnh điểm của “Maidan trên Internet” có lẽ là cuộc trò chuyện sắp xếp chính trường Ukraine lừng danh của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Nuland với đại sứ Mỹ ở Kiev, với tiêu đề của clip là “Cơ quan an ninh Ukraine đưa lên mạng cuộc trò chuyện của bà Nuland và đại sứ Mỹ ở Ukraine”.

Băng nghe lén tung lên mạng

Đến hôm 4-3, “quả bom thứ hai” được tung ra và được đánh giá có “sức công phá” không kém đoạn băng chửi thề của bà Nuland.

Như đã biết, một trong những nguyên nhân khiến ông Yanukovych bị truất phế là việc người biểu tình bị những tay bắn tỉa, mà phe đối lập cáo buộc là người của ông Yanukovych, bắn chết.

Tuy nhiên, đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet với đại diện ngoại giao EU Catherine Ashton sau khi ông Paet đến Kiev vào cao điểm của “cách mạng” trên quảng trường Độc Lập hôm 25-2, đã đặt câu hỏi cho cáo buộc này.

Trong đoạn băng, Ngoại trưởng Urmas Paet đặt nghi vấn rằng những tay bắn tỉa gây thương vong cho cả hai phía ở Maidan không phải là người của ông Yanukovych, mà “thuộc ai đó trong liên minh” (vừa lên cầm quyền).

Cụ thể, ông cho biết đã gặp bác sĩ Olga Bogomolets, người tham gia công tác y tế thiện nguyện ở Maidan.

Trong điện đàm, ông dẫn lời bà Olga cho biết tất cả tử thi, cho dù là cảnh sát hay thường dân biểu tình, đều bị bắn chết bởi “cùng chung những tay bắn tỉa, cùng một loại đạn”, rằng “bà Olga còn thắc mắc vì sao chính phủ mới không tiến hành những cuộc điều tra khách quan để tìm xem những kẻ bắn tỉa đó từ đâu đến?”.

Sau khi đoạn ghi âm bị lộ (Đài Russia Today của Nga cho là do những người trung thành với ông Yanukovych trong Cơ quan An ninh Ukraine tung lên), Bộ Ngoại giao Estonia đã chứng thực đoạn ghi âm này, cho biết cuộc điện đàm diễn ra hôm 26-2 sau khi ông Urmas Paet đi Kiev về.

Tuy nhiên, khi tờ Telegraph (Anh) kiểm chứng lại câu chuyện từ bác sĩ Olga thì bà này bảo: “Tôi không hề nói rằng cảnh sát và thường dân bị giết cùng cách như nhau” mà theo bà, điều đó cần phải có khám nghiệm pháp y của các chuyên gia độc lập, điều bà đang chờ đợi chính quyền mới Ukraine thực hiện.

“Chính quyền mới ở Kiev đã bảo đảm với tôi là một cuộc điều tra độc lập đã được bắt đầu, nhưng đến nay họ chưa cho tôi thông tin mới nào”.

Ngày 5-3, ông Paet đã họp báo quanh vụ rò rỉ này. Xác nhận cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Paet thanh minh rằng “ông không đánh giá (rằng các tay bắn tỉa là người của liên minh cầm quyền) mà chỉ đưa ra các giả thiết cho những gì xảy ra ở Ukraine”.

Cuối cuộc họp báo, ông khẳng định cần làm sáng tỏ vụ việc, và mọi người đều muốn có một cuộc điều tra độc lập ở Ukraine.

Dài dòng liệt kê những sự kiện này để hiểu vì sao cựu cố vấn của tổng thống R. Reagan, ông Paul Craig Roberts, viết ngày 3-3 về cuộc chiến ở Ukraine hiện nay: “Sự thiếu liêm chính và độc lập của truyền thông Mỹ đang làm tăng khả năng chiến tranh. Bức tranh được vẽ ra cho những người Mỹ vô tâm là hoàn toàn giả dối”.

Và có lẽ không chỉ ở nước Mỹ. Nhận định này là một nhắc nhở mạnh mẽ, khiến dù đứng ở đâu, đứng ở phía nào, người ta phải nhiều lần cân nhắc khi tiếp nhận thông tin về Ukraine những ngày này…

DUY VĂN