Thái Lan đối mặt tình trạng ‘vô chính phủ’
Cuộc tranh cãi về thời hạn nắm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra khiến Thái Lan đối mặt tình trạng “vô chính phủ”.
Thái Lan đối mặt tình trạng ‘vô chính phủ’
Cuộc tranh cãi về thời hạn nắm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra khiến Thái Lan đối mặt tình trạng “vô chính phủ”.
|
Hôm qua 4.3 được cho là ngày hết hạn nắm quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra sau khi giải tán quốc hội. Theo Hiến pháp Thái Lan, trong khoảng 30 ngày kể từ ngày bầu cử phải thành lập quốc hội và chính phủ mới để thay thế chính phủ tạm quyền. Tuy nhiên, quốc hội Thái Lan chưa thể được thành lập vì cuộc bầu cử 2.2 chưa hoàn tất do cử tri ở nhiều khu vực không đến được phòng phiếu do bị người biểu tình chống đối. Ngày 2.3, Thái Lan tổ chức bầu cử bổ sung dành cho những khu vực bị người biểu tình ngăn cản nhưng số lượng cử tri đi bầu chỉ 10%. Trong khi đó, những khu vực chưa có ứng cử viên đăng ký, đặc biệt ở các tỉnh miền nam, phải đợi cuộc bầu cử bổ sung lần 2 mà cho đến nay chưa ấn định được ngày do bất đồng giữa ủy ban bầu cử và chính phủ nước này.
Tranh cãi hiến pháp
Dù chưa có kết quả cuối cùng, cuộc bầu cử ở Thái Lan được cho là có nguy cơ thất bại vì theo dự đoán số nghị sĩ được bầu không chiếm đủ 95% số ghế trong hạ viện theo quy định của hiến pháp. Nếu quốc hội không được triệu tập để chọn ra chính phủ mới và chính phủ tạm quyền hết thời hạn nắm quyền, thì sẽ dẫn đến tình trạng “vô chính phủ”. Quyền hạn tạm thời của bà Yingluck đã hết hay chưa đang là vấn đề tranh cãi ở Thái Lan. Đảng cầm quyền Puea Thai cho rằng thời hạn tạm quyền không thể được tính từ ngày bầu cử. Ông Chalerm Yubumrung, người đứng đầu Trung tâm gìn giữ trật tự và hòa bình của chính phủ Thái Lan, viện dẫn điều 172 của hiến pháp nói rằng thời hạn tạm quyền tính từ ngày triệu tập quốc hội. Nếu quốc hội không mở được phiên họp đầu tiên thì sau đó 30 ngày mới hết thời hạn tạm quyền của chính phủ. “Tuy nhiên cả khi đến thời hạn này bà Yingluck cũng sẽ không rời khỏi chức thủ tướng”, ông Chalerm khẳng định.
Hôm qua, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Sukhothai Thammathirat tổ chức họp báo và yêu cầu Thủ tướng tuyên bố rời nhiệm sở vì hết thời hạn. Nhóm này đưa ra điều luật 127 và 108 của hiến pháp nói rằng thủ tướng không còn quyền hạn gì kể từ hôm qua. Đảng đối lập Dân chủ cho biết sẽ yêu cầu Tòa hiến pháp giải thích điều luật liên quan đến thời hạn tạm quyền, nhưng thực chất là yêu cầu tòa tuyên chính phủ của bà Yingluck không còn quyền hạn theo hiến pháp. Một nhóm các nghị sĩ thuộc cánh tả cũng có động thái tương tự với Tòa hiến pháp nhằm loại bà Yingluck khỏi chiếc ghế thủ tướng.
Thời kỳ nguy hiểm
Khi rơi vào tình trạng “vô chính phủ”, theo hiến pháp, nhà vua sẽ chọn thủ tướng tạm thời không thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào để thay thế trong vòng 2 năm và để tổ chức bầu cử mới. Giới phân tích nhận định tình trạng “vô chính phủ” là thời kỳ đáng lo ngại nhất của Thái Lan, vì không ai có quyền lực để điều hành đất nước cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh. Khi đó, không chỉ tội phạm xã hội gia tăng mà cả bạo loạn chính trị cũng có nguy cơ bùng phát trong khi không cơ quan nào có đủ thẩm quyền ban hành các biện pháp xử lý. Giới phân tích còn bi quan khi dự đoán rằng tình trạng “vô chính phủ” sẽ bắt đầu từ tháng 6 hoặc chậm nhất là tháng 7 năm nay nếu bầu cử thất bại như nhận định và sẽ để lại hậu quả khó khắc phục về mặt chính trị và kinh tế cho Thái Lan. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước lo lắng môi trường kinh doanh của Thái Lan sẽ bất ổn khi rơi vào tình trạng “vô chính phủ”.
Minh Quang