26/11/2024

Thời của người viết trẻ

Nhiều đầu sách do người trẻ viết liên tục đứng đầu danh sách sách bán chạy đang khiến nhiều người quan tâm đến thị trường sách cùng nhìn về dòng sách “tưởng giỡn chơi” này.

Thời của người viết trẻ

Nhiều đầu sách do người trẻ viết liên tục đứng đầu danh sách sách bán chạy đang khiến nhiều người quan tâm đến thị trường sách cùng nhìn về dòng sách “tưởng giỡn chơi” này.

Hàng trăm bạn trẻ vây kín xin chữ ký các tác giả trẻ trong buổi ra mắt sách Yêu đi rồi khóc tại TP.HCM tháng 3-2014 - Ảnh: Tr.N. 

Trên kệ dành riêng cho những người viết trẻ tại một nhà sách, có cả một “rừng sách” với hàng trăm tựa, chỉ nghe tên gọi thôi đã thấy rất… “mùi”, như Ðôi khi tình yêu chỉ là chuyện một người (Thiên Bình), Người lạ từng yêu (Khánh Thảo), Những ngày đi rất xa (Nguyễn Huyền), Nắng về phía ấy (Trang Neko), Những ngày đợi nắng (Quái Vương), Sau lưng một vạt nắng (Fuyu), Như lá lộc vừng xoay trong gió (Trang Lax và Hi Trần), Yêu như một cái cây (Dung Keil), Yêu đi rồi khóc (Hamlet Trương và Tango Trần, Võ Vi Vân, Hàn Vi), Ðường yêu gấp khúc (Quỳnh Chi), Chênh vênh hai lăm, Ðời callboy (Nguyễn Ngọc Thạch)…

 

Không ít người đọc đã bày tỏ mối lo ngại trước sự “nổi đình nổi đám” của những quyển sách – những tập tản văn viết về tình yêu của các bạn trẻ.

 

Bạn đọc Vĩnh Thông trong một ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ viết: “Viết về tình yêu không phải kiểu “anh yêu em, em yêu anh rồi hai đứa mình yêu nhau” bài nào cũng tương tự bài nấy.

 

Cũng không phải chỉ bằng vài ba câu chải chuốt bóng bẩy vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo và sáo rỗng. Có những bài đọc từng câu từng đoạn thì bóng bẩy, nhưng đọc hết bài thì lại chẳng ăn nhập gì nhau, không logic thống nhất…

 

Vậy mà hàng chục quyển tản văn, mỗi quyển có hàng chục bài viết, hầu như đều na ná nhau. Những quyển sách đó mang giá trị gì về tư tưởng hoặc thẩm mỹ?

 

Hẳn nhiên là sẽ có hiệu ứng thị trường nhất định, nhưng điều đó bắt nguồn từ đâu? Cái mà người đọc tiếp nhận được sau tác phẩm chẳng qua cũng chỉ là những tâm sự vu vơ, những đồng cảm dễ dãi nhất thời, sẽ để lại dấu ấn được bao lâu?”.

 

Nhưng ở một phía tiếp nhận khác, không bàn hay gắn các quyển sách này với câu chuyện “văn chương đích thực”, cũng không ít bạn đọc nhìn nhận sự nở rộ của dòng sách này một cách bình tâm, rằng ở nhiều thị trường sách nói chung, sách phổ thông, “hàng chợ” vẫn thường đứng đầu bảng xếp hạng bán chạy.

 

Nói về trào lưu viết lách trong giới trẻ, người gắn bó và được người trong nghề gọi vui là “người khởi xướng” cho phong trào khuyến khích người trẻ viết văn với chuyên mục Teen story (Truyện ngắn dành cho tuổi teen) của Chuyên đề 2! thuộc báo Sinh Viên Việt Nam, nhà báo Hoàng Anh Tú nhớ lại: “Teen story thời kỳ đầu thường là những câu chuyện nhỏ, một lát cắt, một tình huống hay một sự kiện – sự việc xảy ra trong cuộc sống của những người trẻ thành thị, trong một không gian nhỏ hẹp, dung lượng không quá 3.000 chữ, câu chuyện ấy thường được viết đơn giản nhất có thể. Nó được yêu thích cũng bởi nó đúng là chuyện của người trẻ xoay quanh tình yêu hoặc những trăn trở về cái tôi, cuộc tìm kiếm sự thừa nhận hay nỗi cô đơn. Cùng với sự phát triển của Internet và phong trào viết blog, sau này là Facebook, dòng chảy này đang thật sự ảnh hưởng đến hầu hết những người viết trẻ hiện nay”.

 

Phần lớn người viết trẻ đều biết rất rõ mình là ai, và dĩ nhiên họ cũng hiểu khán giả của mình thiếu điều gì. Anh Khang khẳng định mình không phải là nhà văn mà chỉ đơn thuần là người ghi lại những cảm xúc của tuổi trẻ. Hamlet Trương nói: “Hãy nghĩ đơn giản tôi là một người bạn của độc giả, sinh ra cùng thời với họ và cũng đang trưởng thành giống như họ”. Có lẽ vì sự đồng điệu giữa người trẻ với nhau, có một dạo cứ mở các trang mạng xã hội lên là thấy các bạn trẻ cùng nhau trích dẫn câu: “Sài Gòn giấu anh kỹ quá. Ðể đến khi em tìm ra. Anh đã thuộc về người ta, lâu rồi…” (trích trong Ngày trôi về phía cũ của tác giả Anh Khang) hay: “Em có biết vì sao lại có những kẽ hở giữa những ngón tay không? Ðó là vì bàn tay nào cũng cần được lấp đầy bằng một bàn tay khác…” (trích Tay tìm tay níu tay của Hamlet Trương).

 

Nhận thấy tiềm năng dồi dào và không ngừng lớn mạnh của thị phần sách này, các công ty sách cũng nhanh chóng vào cuộc và không chỉ khai thác thế mạnh của những tay viết trẻ mà còn cả người mẫu, diễn viên, MC, ca sĩ… để liên tục cho ra mắt hàng loạt cuốn sách tự sự như Boy-ology Học thuyết đàn ông của MC Thùy Minh, Là tôi – Hà Anh của siêu mẫu Vũ Hà Anh, Tôi vẽ chân dung tôi của ca sĩ chuyển giới Hương Giang Idol, Tìm nhau giữa Sài Gòn của MC Tùng Leo… góp phần tạo nên một thị trường sách trẻ sôi động.

 

“Gần như những ai có chút khả năng viết lách đều có thể ra sách. Ðặc biệt là với các blogger có nhiều người theo đuôi sẽ càng dễ có cơ hội ra sách. Ðôi khi các nhà sách mua bản thảo, in sách là để bán cho số lượng người đọc của tác giả ấy. Thế nên từ việc bán chạy đó cũng rất khó để kết luận là chất lượng sách hiện nay đang đi xuống hay thị hiếu của người đọc đi xuống” – Hoàng Anh Tú nói thêm.

 

MINH TRANG

 

 

Tác giả trẻ rất biết cách PR

Nhà thơ PHONG VIỆT – người tiên phong thành công trong việc tổ chức sự kiện (PR) để phát hành thơ của mình – nhận định:

Phải đến Hội sách 2014 này thì công chúng mới chứng kiến một lớp người viết trẻ rất biết cách PR cho sách của mình. Hãy nhìn Hamlet Trương hát cho bạn đọc nghe khi giao lưu, nhìn cách Anh Khang nắn nót viết và ký tặng theo yêu cầu bạn đọc, cách các bạn ấy ngồi lại với bạn đọc ngày này qua ngày khác mang lại cho bạn đọc cảm giác được trò chuyện, được chia sẻ, gần gũi hơn. Một cuộc giao lưu với tác giả sách bây giờ không chỉ đơn thuần là ký tặng, mà bạn đọc được tương tác nhiều hơn, có thể là ôm hôn thắm thiết, cùng chụp hình và đề nghị tác giả viết tặng như thế nào cho mình… Đây là điều nên làm, nhất là trong tình hình thị trường lúc này. Còn với mỗi cuốn sách thì có thể người này thích người kia không thích, nhưng rõ ràng các tác giả kia biết cách bán nhiều hơn các sách của mình. Vấn đề tiếp theo là chất lượng sách nếu không như mong đợi thì đến một lúc nào đó phản ứng ngược của nó sẽ rất kinh khủng. Nếu tác giả ăn may thì cũng chỉ một lần, độc giả đủ thông minh để nhận ra ai viết hay, và thị trường sách vẫn có những quyển bán chạy theo thời vụ và có những quyển hai, ba năm, thậm chí năm năm sau vẫn bán chạy như thường. Và bạn đọc thích loại nào thì mua sách đó, không thích thì không mua, nên một quyển sách không nhiều người mua không hẳn là nó không hay.

Trong lúc mọi người lo lắng các loại hình nghe nhìn lấn át văn hóa đọc, mà có người viết sách khiến độc giả trẻ lũ lượt xếp hàng mua, thì đây là một điều tốt chứ. Tôi cứ nghĩ thay vì mua một ly trà chanh chém gió, các bạn trẻ mua một quyển sách để đọc là hay rồi. Cho dù một bạn nào đó viết một đầu sách thỏa mãn thị hiếu nhất thời của một số bạn trẻ khác thì cũng có sao đâu, vì điều đó cũng là kích thích văn hóa đọc. Đương nhiên, sự thành công của một cuốn sách phải đến trước hết từ chất lượng, nhưng một cuốn sách bán chạy vẫn tốt hơn là một cuốn sách ít người mua. Cả hai dòng nghệ thuật và giải trí đều chảy, dòng nào đục thì công chúng có cách gạn lọc đi.

LAM ĐIỀN