Bung tiền “nuốt chửng”…
Với một chiến lược dài hạn và nguồn tài chính khổng lồ, chấp nhận thua lỗ giai đoạn đầu, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần “nuốt chửng” hệ thống siêu thị, đại siêu thị – những mô hình phân phối hiện đại và quan trọng bậc nhất hiện nay.
Bung tiền “nuốt chửng”…
Khách hàng chờ mua hàng tại siêu thị Aeon Mall, Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm
Sự xuất hiện của những “ông lớn” như Aeon Mall, Robinsons hay sự ồ ạt mở rộng của những thương hiệu cũ như Big C, Lotte, Metro… đẩy doanh nghiệp bán lẻ Việt đã đuối càng thêm đuối.
Tấn công ồ ạt
Với số vốn đầu tư 95 triệu USD, Tập đoàn siêu thị Aeon (Nhật Bản) những ngày này đang gấp rút triển khai xây dựng để đưa vào sử dụng Trung tâm thương mại Aeon Bình Dương cuối năm nay. Khi đưa vào hoạt động đây sẽ là trung tâm thương mại thứ hai của tập đoàn này sau gần một năm có mặt tại VN. Trước đó ngày 11-1 tại Q.Tân Phú, TP.HCM, Tập đoàn Aeon đã rầm rộ khai trương siêu thị đầu tiên với tổng vốn ngất ngưởng con số 100 triệu USD. Trước khi khai trương khoảng mười ngày, hệ thống siêu thị này đã mở cửa đón hàng ngàn người từ khắp nơi đến tham quan, mua sắm. Nhiều quầy thức ăn nhanh, hàng thực phẩm qua chế biến, khu vực siêu thị phải hoạt động hết công suất. Đây là hiện tượng thật sự rất lạ và chưa từng có đối với việc khai trương một siêu thị mới trong bối cảnh sức mua yếu kém hiện nay. Và đến tận thời điểm này, vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ lớn, hình ảnh hàng dài người xếp hàng mua đồ ăn, hay các cửa hiệu luôn dày đặc người tiêu dùng không còn là “hiện tượng” ở siêu thị này. Để cạnh tranh với các siêu thị khác, Aeon còn xây dựng hẳn ba tuyến xe buýt miễn phí kết nối siêu thị với những khu vực dân cư tiềm năng như Q.1, Q.7 để kéo người tiêu dùng đến trung tâm này.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op): Doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư bán lẻ ở VN có rất nhiều lợi thế. Cụ thể, họ có nội lực tài chính dồi dào nên không chịu áp lực lợi nhuận khi xuất hiện ở thị trường mới nổi, đủ khả năng để tìm được các vị trị đẹp, có ưu thế trong kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp VN lại chịu áp lực cao về thuế, chia lợi nhuận cổ tức, trả lương cho công nhân đông… Các hệ thống bán lẻ nước ngoài khai thác nguồn hàng có quy mô toàn cầu, có lợi thế đàm phán với nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới nên về giá cả hàng hóa cũng rẻ hơn đôi chút. Chưa kể họ có kinh nghiệm quản trị cũng như đầu tư hệ thống quá tốt nên cơ sở hạ tầng, quản lý, thiết bị vận hành, công nghệ không phải đầu tư mới hoàn toàn như doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, cơ chế dành cho bán lẻ của VN cũng như doanh nghiệp nước ngoài như nhau, không có sự ưu tiên nào hết. |
Tất cả điều đó cho thấy thị trường bán lẻ đang là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngay trong ngày khai trương, lãnh đạo trung tâm thương mại này cho biết sẽ tiếp tục phát triển và tập trung vào mảng trung tâm mua sắm kết hợp các loại hình siêu thị và cửa hàng tiện ích phát triển tại hai khu vực chủ yếu là TP.HCM và Hà Nội. Mục tiêu từ đây đến năm 2020, Aeon sẽ có 20 trung tâm mua sắm tại VN.
Không chịu thua kém, vào cuối tháng 3 vừa qua Tập đoàn Central Group (Thái Lan) cũng đưa Trung tâm mua sắm Robinsons (tòa nhà Royal City, Hà Nội) vào hoạt động. Không chuyên sâu xây dựng siêu thị tiêu dùng, Robinsons lại chọn thời trang và mỹ phẩm để hướng đến. Theo kế hoạch của tập đoàn này, ngay trong năm 2014 cũng sẽ mở thêm siêu thị tại TP.HCM.
Bên cạnh sự xuất hiện của những “đối thủ” mới, các siêu thị ngoại đã có nhiều năm hoạt động tại thị trường VN như Metro, Big C, Lotte… vẫn không ngừng đầu tư vào nhiều loại hình bán lẻ hiện đại cũng như mở thêm hàng loạt siêu thị mới. Cụ thể Big C với việc mở thêm một “đại siêu thị” tại Hạ Long vào ngày 21-4 vừa qua, đơn vị này đã nâng tổng số siêu thị lên con số 27 tại VN. Chỉ riêng trong năm 2013, Big C đã mở thêm bốn siêu thị trên cả nước. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết tại thị trường VN, Lotte Mart đang vận hành bảy trung tâm thương mại ở TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Phan Thiết và Hà Nội. Từ nay đến cuối năm 2014, Lotte Mart cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ để tiếp tục khai trương thêm ba trung tâm thương mại mới tại Tân Bình (TP.HCM), Hà Nội và TP Vũng Tàu. Dự kiến đến năm 2020, Lotte Mart VN sẽ sở hữu 60 trung tâm thương mại trên khắp cả nước.
Ưu tiên cho hàng ngoại
Bên cạnh yếu tố đầu tư nhanh và mạnh, các tập đoàn nước ngoài huy động hàng hóa đa dạng hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Sự áp đảo này cũng như dành ưu tiên cho hàng ngoại đã khiến sản phẩm trong nước “lọt thỏm” trên kệ hàng các siêu thị này.
Khảo sát quanh dãy hàng thực phẩm đóng gói tại siêu thị Aeon, nhiều khách hàng không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây bày bán đủ loại sản phẩm từ mì ăn liền, nước tương đóng chai, nước xốt gia vị đóng gói sẵn… đều nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật. Riêng sản phẩm mì ăn liền có trên chục loại với đủ hương vị: vị nước tương, vị tự nhiên, thịt heo, bò… được đóng gói hoặc hộp nhựa có giá 16.900-19.900 đồng/loại. “Cứ ngỡ mì gói, nước tương hay cà phê là thế mạnh của VN nhưng tôi kiếm mãi không ra, nếu có cũng chỉ một vài sản phẩm được đặt ở vị trí khuất” – chị Hoài, một khách hàng mua sắm tại đây, cho hay. Theo quan sát của chúng tôi, những gian hàng thực phẩm nhập trực tiếp từ Nhật với hàng trăm mặt hàng được ưu ái đặt ngay chính diện lối đi trung tâm. Trong khuôn viên siêu thị sản phẩm Việt hoàn toàn lép vế về chủng loại cũng như vị trí mặt tiền. Ngoài những sản phẩm từ Nhật, tại đây xuất hiện khá nhiều sản phẩm được nhập trực tiếp từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Thậm chí, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm cà phê bột Esprezzo (Indonesia), nước tương Ponzu, bột giặt Wai UV (Nhật Bản)… thay vì các thương hiệu quen thuộc khác của VN.
Tại siêu thị Lotte Mart (Hàn Quốc) trên đường Lê Đại Hành (Q.11), vị trí mặt tiền lối đi trung tâm ưu ái dành cho các sản phẩm đang chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá của hàng loạt thương hiệu nước ngoài. Những sản phẩm nhãn hàng riêng của Lotte như đồ chơi trẻ em, thực phẩm đóng gói cũng được ưu ái đặt riêng, trang trí bắt mắt. Tại đây bày bán khá nhiều hàng nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc, Thái Lan. Riêng tại gian hàng gạo đóng gói xuất hiện khá nhiều thương hiệu gạo được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, Nhật.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp bánh kẹo trong nước cho hay đơn vị này mới bị “gạt” bảy nhóm hàng bánh, kẹo ra khỏi kệ của siêu thị với lý do: ít tham gia chương trình khuyến mãi. “Để hàng hóa đứng được trên kệ siêu thị cũng trầy vi tróc vảy vì đủ lý do” – vị tổng giám đốc này than thở. Theo vị này, ngoài chiết khấu đối với các siêu thị hiện nay thường khá cao, có khi lên tới 15-20% hoặc hơn thì doanh nghiệp còn phải chịu chi phí cho rất nhiều khoản lặt vặt khác nên hàng hóa trong nước thường “không có cửa” so với doanh nghiệp liên doanh hoặc các tập đoàn lớn. Vào các dịp lễ, vị trí các đảo, các line (kệ hàng dài) 8m đều dành ưu tiên cho các nhãn hiệu nước ngoài, nhãn hàng riêng của siêu thị chứ doanh nghiệp trong nước rất khó khăn ở vị trí này. “Đồng ý ai có vốn lớn thì mua được vị trí đẹp trên kệ, nhưng hàng hóa của các tập đoàn lớn áp đảo hoàn toàn thì là không công bằng với doanh nghiệp trong nước” – vị tổng giám đốc công ty bánh kẹo bức xúc.
DŨNG TUẤN – LÊ SƠN