26/11/2024

Chúng ta ưu đãi quá nhiều

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh vấn đề chuyển giá, né thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế: Chúng ta ưu đãi quá nhiều

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh vấn đề chuyển giá, né thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

  
Ưu đãi đầu tư FDI của VN cần có chọn lọc, nhất là chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp – Ảnh: D.Đ.Minh

Phải thu hẹp phạm vi ưu đãi

* Hơn 25 năm trước, để thu hút vốn FDI, VN đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư (NĐT). Nhưng đến nay, các ưu đãi này vẫn được duy trì liệu có hợp lý không, thưa bà?

 


Bà Phạm Chi Lan – Ảnh: N.T.Tâm

– Tôi khẳng định là không còn hợp lý nữa. Một số nhà sản xuất dùng nhiều điện như thép, xi măng… của các nước sẵn sàng chuyển sang VN vì giá năng lượng đầu vào thấp hơn hẳn; giá thuê đất với thời hạn lâu năm cũng rất rẻ. Nhưng cũng chính vì thế, nhiều NĐT lạm dụng chính sách ưu đãi trong khi các nghĩa vụ phải thực hiện như bảo vệ môi trường lại không hề áp dụng. Vì thế theo tôi, phải thu hẹp phạm vi ưu đãi. Đừng cứ thấy NĐT nước ngoài là ưu đãi. Có ưu đãi thì phải thỏa đáng, phải đi cùng với việc thực hiện cam kết. Nhất định không cho ưu đãi trước để sau đó họ không thực hiện các cam kết mà vẫn được hưởng ưu đãi bình thường. Phải có chính sách, biện pháp khuyến khích cụ thể DN trong nước, cho người ta cơ hội để phát triển. Tại sao trao cơ hội cho NĐT nước ngoài mà không cho DN trong nước?

 

* Nhưng theo điều tra của Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) thì ưu đãi vẫn là một trong những yếu tố quyết định FDI vào VN?

– Được ưu đãi nên giá thành của họ giảm xuống đáng kể, nhưng một khi NĐT nước ngoài biết được chúng ta thiết tha cần họ thì họ sẽ mặc cả để được những ưu đãi khác. Ví dụ như Samsung vào VN được ưu đãi rồi nhưng khi họ kéo những công ty khác vào để làm phụ kiện cũng được ưu đãi. Vì thế, Samsung chẳng tội gì phải mua hàng của các công ty VN. Chúng ta khuyến khích các DN VN phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các NĐT nước ngoài nhưng một bên được hưởng tất cả ưu đãi, còn một bên không được hưởng bao nhiêu thì làm sao DN VN cạnh tranh nổi.

* Việc sửa đổi chính sách ưu đãi cho FDI đã được nhắc đến nhưng thực hiện vẫn chậm trễ, tại sao vậy, thưa bà?

– Việc lần lữa của ta một phần do chưa thật dứt khoát, phần nữa do phân cấp cấp phép đầu tư về các địa phương nên đã xảy ra tình trạng đua nhau ưu đãi để chèo kéo các dự án. Cách này người ta gọi là “đua nhau xuống đáy” vì sẽ gây phương hại đến môi trường đầu tư chung. Điển hình trong lĩnh vực thép. Thép đã dư thừa mà NĐT thép vẫn cứ vào, vẫn tuyên bố đầu tư cả tỉ USD. Trong khi ngành thép sử dụng điện nhiều, quy hoạch ngành điện không đáp ứng đủ nên phải tăng giá. Thế là tất cả những người đang hoạt động kinh doanh và sinh sống trong nước phải chịu giá điện cao hơn để ngành điện có tiền đầu tư, tăng công suất đáp ứng cho những NĐT mới. Bù lỗ của nhà nước rốt cuộc người dân phải gánh chịu. Bên cạnh đó, vấn đề này còn gây hiệu ứng chèn ép lên các DN trong nước. Cùng dự án nhưng DN nước ngoài hưởng được ưu đãi còn DN trong nước thì không. Thế là họ mất cơ hội đầu tư và “lớn” lên.

Cải thiện môi trường hiệu quả hơn ưu đãi

* Vậy chính sách ưu đãi cần phải thay đổi như thế nào để vẫn thu hút được vốn ngoại nhưng lại tránh được những tác động dài lâu lên nền kinh tế?

– Phải cân đối thu hút đầu tư FDI với trong nước. Nói cho cùng, không có quốc gia nào phát triển dựa phần lớn vào FDI mà phải phát triển các ngành của DN trong nước. Vì về cơ bản, NĐT nước ngoài vào một quốc gia nào đó là để tìm kiếm lợi nhuận. Có lợi nhuận họ sẽ mang về nước chứ không để lại nước mình nên chúng ta không có nguồn lợi nhuận dôi ra để đầu tư phát triển. Cho nên cần cân đối phát triển hài hòa giữa hai khu vực kinh tế này.

 

 
 

Nói cho cùng, không có quốc gia nào phát triển dựa phần lớn vào FDI mà phải phát triển các ngành của DN trong nước

 
 
 

 

Thực tế ở trong nước hiện nay có nhiều lĩnh vực kinh tế do nước ngoài nắm giữ, thậm chí chi phối hết. Ngay cả những ngành hàng tiêu dùng như hóa mỹ phẩm đến 80% thị phần thuộc về DN nước ngoài. Hay nước giải khát, hai hãng Coca và Pepsi đã chiếm 80% thị phần. Đáng lẽ lĩnh vực này DN trong nước hoàn toàn có cơ hội phát triển. Vì vậy, chúng ta phải xem lại cơ cấu để những ngành nào cần thu hút thêm FDI, những ngành nào phải dành đất cho DN trong nước. Đó là cân đối quan trọng phải tính đến. Hay xuất khẩu, FDI đã chiếm 65% xuất khẩu của VN. Một nền xuất khẩu bền vững không chỉ dựa vào FDI mà phải dựa vào trong nước.

* Nếu bớt ưu đãi, chúng ta sẽ hấp dẫn FDI bằng cách nào?

– Năm nào tại diễn đàn đối thoại giữa DN FDI với Chính phủ, DN cũng kêu về những nút thắt cổ chai thủ tục hành chính, hạ tầng, thiếu nhân lực chất lượng… Vì thế phải cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều NĐT nước ngoài cũng tuyên bố cần cải thiện môi trường kinh doanh hơn là tập trung vào các chính sách ưu đãi. Bởi các cản trở của môi trường kinh doanh còn gây tốn kém hơn những ưu đãi mà họ được hưởng. Tuy nhiên, tôi cũng không cực đoan đến nỗi phải loại bỏ hết ưu đãi mà phải có những ngành VN cần ưu đãi để thu hút FDI, đặc biệt là nông nghiệp. Đầu tư nông nghiệp có tính rủi ro cao, muốn đầu tư phải đầu tư lớn theo chuỗi giá trị, quy mô, con giống, hệ thống chế biến…

 

Thu hẹp phân biệt giữa NĐT trong và ngoài nước

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, định hướng chính sách thu hút FDI trong thời gian tới đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 103 của Chính phủ. Trong đó sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế, ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới… Về đất đai, sẽ thu hẹp sự phân biệt giữa NĐT nước ngoài và trong nước trong việc tiếp cận đất đai.

 

N.Trần Tâm