Nợ công sắp tới “lằn ranh đỏ”
Theo phân tích của TS Phạm Thế Anh – trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nợ công VN đã lên đến khoảng 90 tỉ USD, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì khoảng 180 tỉ USD.
Nợ công sắp tới “lằn ranh đỏ”
Theo phân tích của TS Phạm Thế Anh – trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nợ công VN đã lên đến khoảng 90 tỉ USD, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì khoảng 180 tỉ USD.
Ông Anh nói:
– Theo số liệu chính thức của Chính phủ, nợ công VN tính đến hết năm 2012 chiếm 55,7% GDP. Như vậy, hiện nay nợ công đã lên đến khoảng 90 tỉ USD. Quốc hội cũng đã đặt ra “ngưỡng an toàn” hay “giới hạn đỏ” về nợ công (65% GDP), tuy nhiên với việc thâm hụt ngân sách và đầu tư như hiện nay, chúng ta sớm muộn gì cũng sẽ tiến tới “giới hạn đỏ”. Đó là chưa kể nếu gộp cả nợ của DNNN thì chúng ta đã vượt “giới hạn đỏ”. Do vậy theo tôi, đã đến lúc bàn bạc nghiêm túc về nợ công. Không nên đặt vấn đề tỉ lệ nợ trên GDP bao nhiêu là an toàn nữa, mà cần xem xét tính bền vững của nợ công và tốc độ tăng như hiện nay có ổn không.
Phải trả lãi khoảng 6 tỉ USD/năm
“Hiện nay, đồng hồ nợ công ở Mỹ để theo dõi nợ công theo từng giây. Nhưng ở VN, dù hoàn toàn có khả năng cập nhật nhưng con số nợ công của VN công bố có độ trễ rất lớn. Như năm 2014 nhưng ta mới có số thống kê của năm 2012. Điều này làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát của Quốc hội và xã hội” TS Phạm Thế Anh |
* Ông tính toán như thế nào khi cho rằng con số nợ công nếu tính đầy đủ có thể đã vượt trần cho phép?
– Nếu số chính thức VN công bố thì nợ công hiện nay là 55,7% GDP (tức khoảng 90 tỉ USD). Đây là mức chúng ta coi là vẫn an toàn. Nhưng gánh nặng nợ là không nhỏ. Tôi chỉ tính sơ bộ, khoảng một nửa, tức 45 tỉ USD chúng ta vay trong nước với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm VN phải bỏ ra khoảng 4-5 tỉ USD trả lãi. Khoảng 45 tỉ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỉ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm.
Lưu ý rằng mức nợ công VN công bố chưa bao gồm nợ của DNNN, nợ đọng xây dựng cơ bản. Mà cuối năm 2013, Chính phủ báo cáo Quốc hội con số nợ đọng xây dựng cơ bản còn hơn 45.000 tỉ đồng. Nợ của DNNN cũng được nêu trong báo cáo của Chính phủ cuối năm 2013 là hơn 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương 80 tỉ USD. Dù không phải mọi khoản nợ DNNN đều sẽ chuyển thành nợ công, nhưng hiện nay có nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán nên nếu doanh nghiệp không trả được, Nhà nước sẽ phải trả. Chúng ta đã thấy khả năng này ở các khoản nợ của Vinashin, Ximăng Đồng Bành hay Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị… Như vậy, nợ công VN nếu tính cả nợ DNNN với nợ đọng xây dựng cơ bản thì đã trên 100% GDP năm 2012, tương đương khoảng 180 tỉ USD. Số nợ này gấp khoảng bốn lần thu ngân sách của VN mỗi năm.
* Nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng nợ công của VN vay về để đầu tư, nên không có gì quá đáng lo ngại?
– Quốc hội đã phê duyệt ngưỡng an toàn nợ công là 65% GDP, nên tỉ lệ nợ công tính đến năm 2012 là 55,7% thì đúng là vẫn an toàn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nói như thế vẫn chưa đầy đủ. Vì chúng tôi so chính dự toán ngân sách năm 2014 thì tổng thu ngân sách không đủ cho chính con số chi thường xuyên mà bộ này đưa ra. Như vậy có nghĩa chúng ta không phải đang đi vay để đầu tư, mà một phần đang vay để tiêu dùng.
Thật ra, chúng ta không nên chỉ giám sát tính an toàn của nợ công theo GDP. Thế giới đã có những chỉ tiêu sát sao hơn, ví dụ như so tổng nợ công trên tổng thu của Chính phủ hằng năm. Bởi nó phản ánh năng lực trả nợ của Chính phủ. Ở VN, hiện nay tỉ lệ nợ công, ngay cả khi theo công bố chính thức của Nhà nước, đã gấp hơn hai lần thu của Chính phủ trong một năm. Và vấn đề là tổng thu ngân sách nhà nước những năm qua tăng rất chậm trong khi nợ công thì tăng nhanh hơn. Nên nói là an toàn thì không thật đầy đủ.
* Thủ tướng vừa ra quyết định về kế hoạch vay, trả nợ 2014. Ông có ngạc nhiên không với khoản vay khoảng 400.000 tỉ đồng năm nay?
– Rõ ràng nợ công các năm qua tăng rất nhanh. Năm nay vay thêm 400.000 tỉ đồng là vay thêm tương đương 10% GDP nữa. Chúng ta cần vay thêm để trang trải các khoản đã đến hạn trả nợ gốc, nợ lãi… Quyết định Thủ tướng nêu rõ một khoản vay để đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 3 tỉ USD). Nghĩa là nhiều khoản nợ chúng ta đã vay, đã đầu tư nhưng không có nguồn để trả, nên phải vay tiếp để trả. Đảo nợ những năm qua rất lớn. Nói chung, việc quyết định vay khoảng 400.000 tỉ đồng năm nay (khoảng 20 tỉ USD), nếu so với năm ngoái là trên 200.000 tỉ thì đã tăng rất mạnh. Điều đó cho thấy sức ép trả nợ, đáo hạn cộng với thâm hụt ngân sách, xu hướng đầu tư công đang tăng trở lại.
Đồ họa: Như Khanh |
Kiểm soát chặt chẽ hơn nợ công
* Đã có đại biểu Quốc hội nói lãnh đạo tỉnh khi bàn giao nêu “anh đã cơ bản vay xong, các chú cố gắng trả”. Chúng ta cần cẩn thận tư duy nhiệm kỳ trong vay nợ?
– Đúng là ở VN, tư duy nhiệm kỳ đã được nhắc đến nhiều. Ai lên làm lãnh đạo cũng muốn có dự án, đầu tư với mục đích để lại dấu ấn, để tăng trưởng và các mục tiêu khác nữa. Vì vậy, phải rất cẩn thận để phòng ngừa với khả năng các tỉnh đang đề xuất vay ODA khá nhiều.
Theo tôi, để kiểm soát nợ công thì kỷ luật tài chính phải nghiêm. Nếu đã ra nghị quyết về bội chi ngân sách 5,3% năm 2014 rồi thì cần phải thực hiện nghiêm, không được xin nới, xin vay thêm nữa. Nếu không, sẽ phá vỡ tính bền vững của nợ công. Đặc biệt, cái cần quan tâm là hiện nay chúng ta muốn tăng nợ, tăng đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện. Chúng ta đang phải vay về để tiêu dùng. Trong khi đó, tâm lý căn cơ tiết kiệm chưa thực rõ trong khi tâm lý muốn chi tiền vẫn rất mạnh. Như việc tổ chức Asiad dù sẽ tăng gánh nặng ngân sách nhưng vẫn được đề xuất, hay nói giảm biên chế nhưng huyện Từ Liêm (Hà Nội) được tách thành hai quận, sẽ khiến tăng biên chế mạnh… Đó là những việc sẽ ảnh hưởng đến nợ công và khả năng chi trả của nền kinh tế nói chung.
Theo tôi, Quốc hội không chỉ cần giám sát nợ công thông qua chỉ tiêu là nợ công/GDP mà phải đảm bảo định mức chi tiêu mình đưa ra phải được thực hiện.
* Nợ công ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới đời sống người dân và nền kinh tế?
– Việc vay nợ nhiều chắc chắn sẽ tạo áp lực lên thu ngân sách để trả nợ. Riêng năm nay, việc phát hành gần 400.000 tỉ vay trong nước, theo tôi, sẽ khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng khó giảm thêm. Vì vay nhiều như thế thì không thể đưa lãi suất thấp được. Mà lãi suất cao thì nhiều ngân hàng sẽ bỏ tiền ra mua thay vì cho doanh nghiệp vay. Tạm thời, vốn trên thị trường dư thừa, khu vực tư nhân không muốn vay nên lãi suất giảm. Nhưng nếu khi doanh nghiệp muốn vay, cùng với nhu cầu vay của Chính phủ nhiều như vậy thì lãi suất sẽ dễ tăng trở lại.
* Theo ông, đã đến lúc rà soát lại các khoản vay hay không, vì nợ công sẽ là một phần tương lai con cháu chúng ta?
– Theo tôi, đã đến lúc cần rà soát lại các khoản vay, tính toán căn cơ hơn việc chi tiêu. VN cũng nên tính nợ công theo chuẩn mực thế giới, không nên bỏ ngoài bảng thống kê nhiều khoản chi đầu tư như hiện nay. Đặc biệt, phải nâng cao hiệu quả đầu tư để các khoản nợ vay về được sử dụng hiệu quả. Đang có xu hướng muốn tăng đầu tư công trở lại. Muốn thế, theo tôi, cần phải có Luật đầu tư công trước để đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch và đặc biệt phải đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng vốn…
Nếu tốc độ vay cứ cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, chúng ta dễ sẽ lại phải đi vay ngày càng nhiều hơn để trả nợ cũ. Trong khi việc vay không phải là vô hạn và nếu vì lý do đột xuất không vay được theo nhu cầu nữa thì hệ quả sẽ cực lớn.
LÊ THANH – C.V.KÌNH