25/11/2024

Hệ thống theo dõi vụ nổ toàn cầu của Mỹ

Lầu Năm Góc được cho là sở hữu một hệ thống có khả năng phát hiện các vụ nổ lớn trên toàn cầu trong mọi lúc mọi nơi.

 

Hệ thống theo dõi vụ nổ toàn cầu của Mỹ

Lầu Năm Góc được cho là sở hữu một hệ thống có khả năng phát hiện các vụ nổ lớn trên toàn cầu trong mọi lúc mọi nơi.


Một vụ thử hạt nhân của Pháp năm 1971 - Ảnh: AFP  

Trong lúc cả thế giới chú tâm theo dõi số phận chiếc máy bay mất tích bí ẩn của Malaysia, Lầu Năm Góc đã khiến không ít người bất ngờ trước năng lực trinh sát toàn cầu của họ. Các nước có thể sớm loại bỏ khả năng chiếc Boeing 777-200 nổ trên không sau khi tờ The New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên tiết lộ Lầu Năm Góc đã rà soát hệ thống theo dõi các điểm lóe sáng trên toàn cầu và kết luận không có bằng chứng về vụ nổ nào vào thời điểm máy bay mất tích. Nhờ đó mới thu hẹp được phần nào các hướng tìm kiếm.

Cảnh sát hạt nhân

Thực tế, năng lực theo dõi các vụ nổ trên toàn cầu của Lầu Năm Góc đã được phát triển cách đây nhiều thập niên. Một trong những chương trình nổi bật nhưng đầy bí hiểm là Hệ thống phát hiện năng lượng hạt nhân Mỹ (USAEDS) do đơn vị có cái tên khá “vô hại” là Trung tâm ứng dụng kỹ thuật không quân (AFTAC) đặt tại căn cứ không quân Patrick (bang Florida) vận hành. Trách nhiệm chủ yếu của AFTAC là theo dõi việc các quốc gia nước ngoài tuân thủ hiệp ước cấm thử hạt nhân có hiệu lực từ thập niên 1960 và 1970, vốn cấm thử hạt nhân trên không và một số kiểu thử dưới mặt đất.

Theo website Bộ Quốc phòng Mỹ, vào năm 1947, Tham mưu trưởng lục quân Dwight D.Eisenhower đã chỉ thị cho không quân (khi đó còn thuộc lục quân) phát triển năng lực “phát hiện vụ nổ nguyên tử ở bất kỳ đâu trên thế giới”. Năm 1949, một cảm biến trên chiếc B-29 bay giữa Alaska và Nhật đã phát hiện mảnh vỡ từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, sự kiện mà các chuyên gia dự đoán chỉ có thể diễn ra vào khoảng giữa thập niên 1950. Từ đó, chương trình hiện do AFTAC vận hành đã phát triển thành một nguồn lực độc nhất vô nhị giúp quan sát mọi vụ nổ hoặc chấn động trên toàn thế giới. Nói nôm na, USAEDS hiện nay là một mạng lưới toàn cầu có thể “thấy”, “nghe”, “cảm nhận” và “ngửi” mọi vụ nổ dưới mặt đất, dưới biển, trên không trung hoặc không gian.

Mắt thần

Để theo dõi khí quyển, USAEDS có cảm biến đặt trên hơn 20 vệ tinh hợp thành Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và trên các vệ tinh cảm biến hồng ngoại của Chương trình hỗ trợ quốc phòng, theo David O’Brien, khoa học gia trưởng của AFTAC. Nhiều khả năng đây chính là hệ thống mà Lầu Năm Góc đã sử dụng để xác định có hay không một vụ nổ xảy ra vào rạng sáng 8.3 tại khu vực nơi chiếc máy bay của Malaysia mất tích thông qua việc rà soát hệ thống cảm biến ghi nhận các điểm lóe sáng.

Trong khi đó, 5 trạm thủy âm của USAEDS sẽ phát hiện những vụ nổ hạt nhân dưới mặt biển. Còn các cảm biến hạ âm của USAEDS sẽ đo đạc sự biến đổi của khí quyển xuất phát từ những sóng âm tần số thấp sinh ra từ vụ nổ hạt nhân trên mặt đất.

Các vụ nổ hạt nhân dưới mặt đất sẽ thuộc trách nhiệm của 40 trạm đo đạc địa chấn trên toàn cầu, vốn sử dụng công nghệ tương tự việc đo đạc động đất. Hệ thống các trạm địa chấn của USAEDS thậm chí còn mạnh hơn cả của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) bởi có thể phát hiện hoạt động địa chấn ở cường độ thấp hơn. USAEDS cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo với USGS về những trận động đất lớn nhờ mạng lưới rộng khắp của họ.

Bởi nhiệm vụ của AFTAC là phát hiện và báo cáo mọi vụ nổ hạt nhân, hệ thống của họ hoạt động 24/24 và suốt 365 ngày trong năm. Ngày nay, với sự phát triển về kỹ thuật, những công cụ ngày càng tinh vi của hệ thống này cũng có nhiều ứng dụng thực tiễn hơn, chẳng hạn giúp theo dõi sao băng, động đất hoặc các vụ nổ khả nghi. Dù lịch sử hoạt động phần nhiều vẫn nằm trong vòng bí mật, AFTAC thường đưa ra những thông cáo mỗi khi có sao băng lao vào trái đất, mô tả việc cảm biến ghi nhận được một điểm lóe sáng vào thời điểm cụ thể và kết luận đó là không phải là một vụ nổ hạt nhân.

 

Sai lầm mang tên Vela

Vela là tên loại vệ tinh từng được AFTAC sử dụng để theo dõi các điểm lóe sáng trên toàn cầu trong thời kỳ đầu. Vào ngày 22.9.1979, một vệ tinh Vela đã phát hiện “điểm lóe kép”, đặc trưng cho một vụ nổ hạt nhân ở gần quần đảo Prince Edward ở Ấn Độ Dương. Giới chức an ninh quốc gia Mỹ lập tức báo cáo Tổng thống Jimmy Carter.

Đáng chú ý là chỉ có một trong hai cảm biến của vệ tinh Vela ghi nhận được điểm lóe sáng và các bằng chứng khác không đưa ra kết luận dứt khoát về việc vụ nổ có xảy ra hay không. Một ủy ban được ông Carter giao trách nhiệm tìm hiểu sau đó kết luận điểm lóe sáng nhiều khả năng do vệ tinh va chạm với một thiên thạch nhỏ gây ra. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây là vụ thử hạt nhân chung của Nam Phi và Israel. Tranh cãi vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay do phần lớn thông tin về vụ việc vẫn được giữ bí mật.

 

 

Những phát hiện đáng chú ý của AFTAC

– Ngày 16.10.1964, phát hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc.

– Ngày 18.5.1974, phát hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ.

– Ngày 28.5.1998, phát hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên trong 5 vụ thử của Pakistan.

– Năm 2006, xác nhận vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

 

Sơn Duân