26/11/2024

Sao lại “học cho gia đình”?

Đã không ít lần tôi nghe sinh viên VN của mình chia sẻ rằng các em rất ghét ngành mình đang theo học nên không hề có ý tưởng nào về chuyện sẽ làm gì sau khi ra trường.

 

Sao lại “học cho gia đình”?

Đã không ít lần tôi nghe sinh viên VN của mình chia sẻ rằng các em rất ghét ngành mình đang theo học nên không hề có ý tưởng nào về chuyện sẽ làm gì sau khi ra trường.

 

“Vào đại học + kiếm một tấm bằng = có được một việc làm tốt!”. Biểu thức này được cả học trò và các bậc phụ huynh khắp thế giới coi là đường đến thành công. Nhưng những gì diễn ra gần đây đang khiến tất cả phải giật mình: nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm, kể cả những người sở hữu các tấm bằng danh giá.

Bằng mọi giá phải vào đại học

 

TS Paul Adams – Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi nhận thấy gần như các bậc phụ huynh VN đều vận dụng biểu thức trên và muốn con mình phải “lọt” vào một trường đại học bằng bất cứ giá nào. Nhiều gia đình đã ép con mình học những ngành con không hề thích, bắt con phải khao khát và giành giật bằng được mảnh bằng. Chưa đủ, nhiều người còn muốn con phải đứng đầu trong lớp.

 

“Hãy học vì truyền thống nhà mình, vì dòng họ mình. Con là niềm tự hào của cha mẹ. Con làm cha mẹ nở mày nở mặt”… Đó là những “lời động viên” thường thấy trong nhiều gia đình Việt. Hậu quả, chúng ta không quá khó để bắt gặp những gương mặt thẫn thờ, vật vờ nơi giảng đường… Họ học như một cái máy và sống như một cái bóng. Đáng ngạc nhiên là những sinh viên này cuối cùng cũng ra trường với mảnh bằng trong tay. Tất cả những gì họ có chỉ là tấm bằng, vốn không đủ để đảm bảo cho họ một công việc theo đúng ngành nghề đã học. Và cũng chính họ làm gia tăng nguồn cung cử nhân, khiến xã hội lâm vào cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”.

VN không phải lo mình đơn độc trong chuyện này. Ở Hàn Quốc chẳng hạn, theo một chuyên gia, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến nạn thất nghiệp. Chuyên gia này dự đoán rằng xứ sở kim chi còn phải đối mặt với tình trạng này ít nhất 10 năm nữa. Thế còn ở VN? Theo Bộ GD-ĐT, chỉ riêng TP.HCM đã có tới gần 100 trường ĐH, CĐ. So với năm 1975, quy mô về dân số của TP tăng 138% trong khi số trường ĐH, CĐ tăng vọt tới 700%. Ngày càng nhiều người học ĐH và tỉ lệ thuận với nó, số người thất nghiệp ngày càng cao.

Hướng nghiệp trong trường phổ thông

Theo tôi, ngoài những nguyên nhân như tâm lý, văn hóa và gia đình như trên, còn có hai lý do nữa dẫn đến tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong giảng đường ĐH VN.

 

“Đại học đâu phải là lựa chọn duy nhất của mọi người! Có những công việc không cần tới tấm bằng đại học như nghề xây dựng, y tá, quản lý bán lẻ, thợ cơ khí… và những người làm việc này hiện nay đều sống tốt”

TS Paul Adams

 

Thứ nhất là cách thức tổ chức thi cử. Tại VN và nhiều quốc gia châu Á khác, để vào được trường ĐH sinh viên phải trải qua một kỳ thi chuẩn mực mà chuyện đỗ/trượt được định đoạt thông qua điểm số. Vấn đề là kỳ thi đó gần như chỉ mới đánh giá được phần nào kiến thức học thuật mà thiếu phần đánh giá về sở thích, sở trường. Do vậy, nhiều sinh viên sau khi thi đỗ, đi học mới biết mình hoàn toàn không hứng thú và phù hợp với ngành học. Họ tốt nghiệp ĐH với cái đầu gần như rỗng tuếch và không có được kỹ năng chuyên nghiệp gì.

Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn, đó là cách thức tổ chức hệ thống giáo dục trung học, gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông, chưa giúp người học định hướng được nghề nghiệp tương lai cho mình. Công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông cũng không hiệu quả. Trong khi đó, ai cũng biết việc tư vấn để học trò tìm ra được sở thích, sở trường của mình được thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là những năm cuối trung học cơ sở, đầu trung học phổ thông. Ở Mỹ, các trường trung học được tổ chức theo nguyên tắc phân loại người học để sau khi tốt nghiệp có người sẽ học tiếp ĐH, CĐ, có người sẽ đi học nghề, thậm chí có người không đi học nữa mà muốn lao vào cuộc sống đi làm luôn.

Cuối cùng, học trường gì, phân loại định hướng tốt đến mấy đi chăng nữa mà thiếu vai trò của nhân vật chính – người học – thì vẫn chưa thể đảm bảo sự thành công. Theo tôi, trước hết các em hãy học vì chính mình để trở thành một người tử tế, hữu ích thì cũng chính là học “vì Tổ quốc, vì quê hương, vì gia đình” rồi. Và một khi người học đã nhận thức được phải học vì chính mình, tôi tin thảm cảnh “tốt nghiệp rồi thất nghiệp” may ra mới không còn là nỗi ám ảnh các cô cử, cậu cử.

TS PAUL ADAMS
(nguyên giảng viên Trường Truyền thông và báo chí, 
ĐH California Fresno, Mỹ, giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Quốc gia Hà Nội)
NHẬT HUY ghi