Tiết học “Yêu nước”
iết học cuối cùng ở lớp 11A3 Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) ngày 16-5 là một tiết học đặc biệt, không chỉ vì tên gọi “Yêu nước” mà còn vì giáo viên trong màu áo mang hình cờ Tổ quốc dẫn dắt học trò tiếp cận chủ đề đang sục sôi cả nước trong những ngày này.
Tiết học “Yêu nước”
Đây là lần đầu tiên một giáo án được sử dụng chung cho nhiều giáo viên ở Trường THPT Phan Huy Chú.
20 phút để hiểu về “đất nước nơi đầu sóng”
“Lần đầu tiên em biết về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa, lý do Trung Quốc hết lần này tới lần khác xâm lấn lãnh thổ VN. Nó thật dễ hiểu, dễ nhớ và hữu ích” Một học sinh lớp 11A3 |
Bài giảng của cô giáo Nguyễn Kim Anh chỉ gói gọn trong 20 phút, vì cô muốn dành khoảng thời gian còn lại của tiết học để học sinh trao đổi, chia sẻ suy nghĩ trực tiếp của mình. Đó là một bài giảng công phu, thể hiện sự nghiên cứu kỹ về dữ liệu lịch sử, tình hình thời sự, với sự phân tích ngắn gọn, dễ hiểu về những mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động biểu thị lòng yêu nước, ủng hộ hòa bình của nhiều tầng lớp xã hội, thái độ của lãnh đạo Nhà nước và quan điểm của bạn bè quốc tế cũng được lồng ghép vào bài giảng thông qua những hình ảnh, biểu đồ, bản đồ sinh động.
Mượn hình ảnh “Đất nước nơi đầu sóng” trong một ca khúc, cô Kim Anh đã phân tích để học sinh hiểu về địa thế, tiềm năng của vùng biển VN và đó cũng là lý do VN là đất nước trải qua nhiều cuộc xâm lược và chống quân xâm lược. Riêng với Trung Quốc, “từ thời Tần Thủy Hoàng, không một triều đại nào không âm mưu và thực hiện việc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải VN”. Mỗi cuộc xâm lược và đe dọa xâm lấn chủ quyền dân tộc là một lần “lòng người dậy sóng”…
Cô Kim Anh đã cung cấp cho học sinh những thông tin quan trọng nhưng ngắn gọn về chủ quyền lãnh thổ VN, với việc dẫn ra nhiều bằng chứng, trong đó có atlat “Đế chế An Nam” năm 1927. Đồng thời đề cập lại thời điểm năm 1974 quần đảo Hoàng Sa của VN rơi vào tay Trung Quốc, quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ đạo giải phóng Trường Sa vào năm 1975 để tránh một “kịch bản lặp lại”. Tuy vậy âm mưu xâm lấn chủ quyền lãnh thổ của VN vẫn được Trung Quốc tái diễn, từ việc chiếm Hoàng Sa, xây dựng thành phố Tam Sa trên đảo này tới việc công bố “đường lưỡi bò”, đe dọa tấn công Trường Sa và mới nhất là việc ngang ngược đặt giàn khoan trên vùng biển VN.
Phải xuất phát từ sự hiểu biết
“Yêu nước là phẩm chất số 1 của người VN” – câu này được cô Kim Anh dẫn ngay đầu phần bài giảng, để tiếp nối với hàng loạt thông tin, hình ảnh khơi dậy ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc của học sinh. Nhưng ở phần trao đổi, cô giáo bất ngờ đặt ra nhiều tình huống “thể hiện lòng yêu nước” để học sinh chia sẻ. Phần lớn học sinh đồng tình với quan điểm “thể hiện lòng yêu nước một cách bình tĩnh, sáng suốt, có văn hóa”. Nhưng cũng có những học sinh phẫn nộ cho rằng: “Em muốn tham gia biểu tình, làm gì đó để phản đối Trung Quốc”.
Theo cô Kim Anh, trong giờ dạy này ở một lớp khác cô chứng kiến có em học sinh đã bột phát đập bàn mắng những “kẻ xâm lược”. Cô Kim Anh giải thích việc biểu thị lòng yêu nước một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ có thể gây hậu quả không tốt, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. “Tình yêu sâu sắc phải xuất phát từ sự hiểu biết – cô Kim Anh chia sẻ – Cô không muốn các em lao ra đường đi theo một đoàn biểu tình, hô đả đảo nhưng chẳng hiểu mình đả đảo ai, hành động của mình dẫn tới hậu quả nào”.
Trao đổi lại với học sinh về “cách thể hiện lòng yêu nước”, cô Kim Anh đã bày tỏ quan điểm: “Vì mong muốn của VN là “khép lại quá khứ để gìn giữ cuộc sống hòa bình” nên nhiều năm qua VN đã nỗ lực trong việc thắt chặt đoàn kết với nước láng giềng”. Và “nên đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, làm sao để giữ gìn chủ quyền lãnh thổ mà không phải đổ máu là cách tốt nhất”. Phân tích thêm, cô Kim Anh nhấn mạnh từ “ngang ngược” chỉ hành động của Trung Quốc khi đặt giàn khoan và hai lần sử dụng từ “chân thành” bày tỏ thiện chí của lãnh đạo Nhà nước VN để diễn tả việc VN kiên trì với giải pháp hòa bình, nhưng hành động của Trung Quốc thì “ngày càng nguy hiểm”.
Nhiều học sinh nam ở lớp 11A3 đã cho biết: “Em sẽ tòng quân nếu Tổ quốc cần tới mình” và: “Em tự hào về những người lính VN canh biển, em mơ ước gia nhập hải quân VN”. Còn Nghiêm Hoài Thương, một học sinh nữ, nói: “Khi đất nước có chiến tranh thì con gái cũng có thể ra trận. Vì yêu nước, em nghĩ việc gì cũng có thể làm được, chỉ cần đó là việc có ích mang lại hòa bình cho dân tộc mình”.
Từ một đêm mất ngủ Về nguồn gốc của tiết học “Yêu nước”, cô Nguyễn Kim Anh kể: “Ban đầu tôi chỉ định tìm một văn bản có ý nghĩa trong thời điểm này để các em học sinh luyện kỹ năng đọc hiểu, nhưng rồi khi tìm hiểu thông tin về vấn đề “nóng” ở biển Đông, tôi nghĩ tại sao mình không soạn một bài giảng, một tiết học về “yêu nước” nhỉ và tôi đã bắt tay vào việc”. Cô Kim Anh cho biết đã mang bài giảng này dạy cho các lớp mà cô dạy môn văn. Sau đó, một thầy giáo khác trong trường khi biết chuyện cũng xin bài giảng để dạy lại cho các lớp do thầy phụ trách. Thấy đây là công việc có ý nghĩa và nhận được hiệu ứng tích cực từ học sinh, cô đã ôm máy tính đi các lớp, lớp nào có thời gian trống cô liền xin cô chủ nhiệm cho vào dạy… Hiệu trưởng nhà trường đã đọc giáo án và quyết định tổ chức dạy tiết học “Yêu nước” cho 100% học sinh trong trường. |
1.200 thầy cô giáo, học sinh xếp hình Tổ quốc
7g ngày 16-5, 1.200 thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú đã có mặt đông đủ trong màu áo xanh và áo mang màu cờ Tổ quốc. Lễ chào cờ được tiến hành sau khi thầy cô và học sinh xếp thành hình Tổ quốc với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa màu đỏ rực được bao bọc bằng đường viền hình trái tim màu xanh. Cũng trong sáng 16-5, Trường Phan Huy Chú đã tổ chức quyên góp quỹ mang tên “Tấm lòng gửi ra biển đảo thân thương” và tổ chức chương trình “Chữ ký hòa bình”. |
VĨNH HÀ