Di sản thế giới – Hồ sơ châu bản triều Nguyễn: Bằng chứng chủ quyền biển đảo
Ngày 14.5, trong hội nghị toàn thể tại Quảng Châu (Trung Quốc), UNESCO đã công nhận hồ sơ châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu (thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương).
Di sản thế giới – Hồ sơ châu bản triều Nguyễn: Bằng chứng chủ quyền biển đảo
Ngày 14.5, trong hội nghị toàn thể tại Quảng Châu (Trung Quốc), UNESCO đã công nhận hồ sơ châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu (thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương).
Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa
|
Châu bản triều Nguyễn là kho tư liệu gồm hơn 20 loại hình văn bản của triều đình nhà Nguyễn như: chiếu, dụ, chỉ, sắc, sớ, tấu, khải, bẩm, tư, phúc, phiến trình, trát sức, thông tri, phiếu nghĩ… điều hành mọi hoạt động kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội… của quốc gia. Hiện kho tài liệu đồ sộ này đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ).
Theo GS Phan Huy Lê, toàn bộ khối châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập, tương đương gần 200.000 tờ tài liệu của 11 triều vua nhà Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đến Bảo Đại (1802 – 1945); có 19 tờ châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung của các văn bản thể hiện việc triều Nguyễn đã sử dụng thủy quân kết hợp với đội Hoàng Sa hằng năm ra Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… Những hoạt động đó chứng tỏ nhà Nguyễn đã nắm quyền quản lý và thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, người được mời tham gia trong hội đồng thiết lập hồ sơ châu bản triều Nguyễn để trình UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới, cho biết các châu bản chứng minh cho việc thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rất rõ. Ví dụ các tờ châu bản triều Nguyễn ngày 21.6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có nội dung: “Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình. Trước đó, tờ châu bản ngày 2.4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do Bộ Công trình tấu về việc xem thời tiết để xuất phát đi khảo sát Hoàng Sa của hải đội hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Căn cứ pháp lý không thể chối cãi
Đến thời vua Bảo Đại, việc thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vẫn được triều Nguyễn thực hiện đầy đủ qua hai tờ châu bản được nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy trong tủ sách gia đình.
Hai tờ châu bản này đều có bút tích ngự phê của vua Bảo Đại, với nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó, tờ châu bản thứ nhất ghi ngày 15.12 năm Bảo Đại thứ 13 (tức 3.2.1939), do quan Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh, tâu lên nhà vua xin phê chuẩn đề nghị của Tòa khâm sứ Trung kỳ, ban thưởng huân chương Long Tinh hạng tư cho ông Louis Fontan, giữ chức Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại quần đảo Hoàng Sa vừa qua đời tại Nhà thương Huế (Bệnh viện T.Ư Huế ngày nay); tờ châu bản thứ 2 đề ngày 27.12 năm Bảo Đại thứ 13 (15.2.1939) tặng huy chương Long Tinh cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ do đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và lập đồn thủ ở đảo Hoàng Sa. Trên cả hai tờ châu bản, sau khi tiếp nhận tấu trình vua Bảo Đại đã chuẩn y với bút phê màu đỏ bên trái và ký tên BĐ (viết tắt chữ Bảo Đại). Cả hai tờ châu bản này đã được nhà nghiên cứu Phan Thuận An hiến tặng cho Bộ Ngoại giao để bổ sung vào hồ sơ tư liệu lịch sử về chứng cứ pháp lý không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, nhiều châu bản cũng cho thấy triều Nguyễn rất chú trọng việc tuần tra bảo vệ lãnh hải. Tờ châu bản ngày 3.3 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), trấn thần Nghệ An Nguyễn Văn Xuân kính tâu: “Tháng 12 năm ngoái, nhận được công văn của sở Tào Chính về nhận được dụ chỉ: Năm nay việc vận chuyển lương thực của nhà nước ở hai quân thứ Bắc thành và đạo Ninh Bình (*), truyền cho trấn sức các nhân viên coi giữ các cửa biển tuần hành xem xét các tàu biển qua lại rồi lần lượt làm biểu tâu trình. Chúng thần đã ra lệnh ngay cho các nhân viên coi giữ ngày đêm tuần hành, dò la tin tức, rồi theo thứ tự tâu trình, đồng thời thúc giục các tàu thuyền lẻ vào đỗ ở cảng phải ra khơi đi theo đoàn”.
Theo tác giả Lê Huỳnh Hoa, trong bài Tư duy hướng biển trong châu bản triều Nguyễn (Kỷ yếu hội thảo khoa học “Châu bản triều Nguyễn, tiềm năng di sản tư liệu”, Hà Nội, 30.8.2013) cho biết, đối với tàu thuyền nước ngoài, triều Nguyễn quản lý nghiêm ngặt tùy theo tình hình: Nếu là thuyền đến buôn bán chính thức, chính quyền địa phương thực hiện đo khám, kiểm tra số người và đối chiếu thuyền bài. Đây là việc làm bắt buộc đối với địa phương có thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán.
Theo TS Phan Thanh Hải, ngoài châu bản, các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí… đều có ghi chép cụ thể chứng minh việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với biển, đảo.
|
Bùi Ngọc Long