26/11/2024

Cần chuẩn bị nhiều kịch bản kinh tế

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội sáng 23-5, nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan tâm: cần xây dựng các kịch bản kinh tế để ứng phó kịp thời và phù hợp với diễn biến tình hình trên biển Đông.

 

Cần chuẩn bị nhiều kịch bản kinh tế

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội sáng 23-5, nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan tâm: cần xây dựng các kịch bản kinh tế để ứng phó kịp thời và phù hợp với diễn biến tình hình trên biển Đông.

Theo ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách Bùi Đức Thụ, những diễn biến phức tạp và khó lường ở biển Đông sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này để có bước đi phù hợp, giải pháp cụ thể.

Chấn hưng đất nước

 

“Người xưa đã dạy người quân tử phải lường trước được những gì xấu nhất. Người anh hùng trong những giờ phút lịch sử thì làm được những việc mà người khác không thể làm được, đem lại lợi ích quốc gia, dân tộc… Trước sự xâm phạm cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc như hiện nay, cũng phải tính đến tình huống xấu nhất nếu kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng để tự vệ dù chúng ta không bao giờ muốn có chiến tranh. Trong tình huống như vậy thì ngân sách quốc phòng giải quyết như thế nào để chủ động và đảm bảo tiềm lực quốc phòng”

Đại biểu Đỗ Văn Đương

 

Ông Thụ cho rằng về chính trị thì chúng ta đã bàn và thể hiện ý chí chung, còn ở góc độ kinh tế – xã hội và ngân sách, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn nữa, đưa ra các kịch bản. Ví dụ nếu tình hình căng thẳng như hiện nay thì hệ quả thế nào, và nếu tình hình xấu hơn thì kịch bản ra sao? Ngành hàng nào, doanh nghiệp trong lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất? Chúng ta không có kịch bản sẵn thì sẽ bị đẩy vào thế bị động.

“Tôi lấy ví dụ, ngành dệt may xuất khẩu 17,8 tỉ USD, giải quyết công ăn việc làm rất lớn. Chúng ta mua từ sợi chỉ đến cái khuy áo đều phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Sản lượng cao su của chúng ta rất lớn, nhưng xuất khẩu cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là những điều chúng ta cần phải tính, tìm cách gỡ. Chúng ta cần phải bàn sâu vấn đề này để chấn hưng đất nước. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng, an ninh mới vững” – ông Thụ nói.

Đồng tình với cách đặt vấn đề trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng cho biết 80% nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, 60% xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tình hình biển Đông diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, cần phải tính toán nhiều kịch bản về kinh tế. Đối với kinh tế biển, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là đầu tư cho đội tàu đánh bắt xa bờ, bám biển và công nghiệp chế biến thủy sản. Ông Hùng cũng cho hay Ủy ban Kinh tế đã thành lập một tổ phản ứng nhanh để xem xét, phân tích diễn biến tình hình nhằm đưa ra những khuyến nghị thích hợp.

Đại biểu Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) bày tỏ sự sốt ruột trước việc lâu nay Việt Nam rất muốn tái cấu trúc nền kinh tế, tuy nhiên vật tư, nguyên liệu phụ thuộc lớn ở thị trường Trung Quốc. Ông Lịch nhấn mạnh không chỉ vì tác động của tình hình hiện nay ở biển Đông mà cần đẩy nhanh việc gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã từ lâu chúng ta nhận thấy cần phải có chính sách thay nguồn gốc nguyên liệu, vật tư. Ông Lịch cho rằng cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc.

Đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng cần dùng bội chi ngân sách để thực hiện một số công việc cần thiết, trong đó có việc hỗ trợ bà con ngư dân đóng tàu vỏ sắt có khả năng đi biển dài ngày. Theo ông Phúc, việc đóng tàu vỏ sắt vừa qua mới chỉ thí điểm ở Quảng Ngãi, trong khi các tỉnh khác cũng có nhu cầu cấp thiết. Ông Phúc đặt vấn đề số tiền tiết kiệm chi của ngành giao thông khoảng 35.000 tỉ đồng nên dùng hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân. Cũng theo ông Phúc, nên dùng ngân sách cả trung ương và địa phương để hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp bị tác động do các phần tử quá khích vừa qua, đây là việc hết sức thiết thực và cấp bách.

Đại biểu Trần Du Lịch hiến kế đóng tàu cho ngư dân thuê, không chờ người dân tự đóng. Cụ thể, cứ một đội tàu gỗ đánh cá, bố trí một tàu sắt lớn để làm nhiệm vụ mua hải sản cho ngư dân. “Trong việc đầu tư này phải có bàn tay của Nhà nước. Nhà nước đóng tàu và cho ngư dân thuê giá ưu đãi” – ông Lịch nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất rà soát lại các đầu tư, dự án, các nguồn lực… thậm chí có những dự án phải ngừng lại để ưu tiên nguồn lực quốc gia gắn với chiến lược quốc phòng. “Tôi ủng hộ kỳ họp này Quốc hội có nghị quyết dành cho ngư dân, vừa đảm bảo vấn đề kinh tế, vừa tăng cường lực lượng bám biển” – ông Ngân nói.

Rơi nước mắt vì nông dân

Đại biểu Mai Xuân Hùng cho rằng trước tình hình khó khăn, khâu đột phá không thể không làm đó là cải cách thể chế, đồng thời cần cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước, mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ông Hùng đặt ra câu hỏi tại sao vừa qua tăng trưởng tín dụng thấp đến vậy và hệ quả của nó là gì? Theo ông Hùng, tăng trưởng tín dụng thấp thì vốn không vào sản xuất, tiêu dùng. Vốn không vào thì công nhân không có việc, không bán được hàng… Cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp, nhưng theo báo cáo chỉ có khoảng 330.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

“Tôi đang lo ngại rằng năm nay xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 30%, tức 70% còn lại thuộc về doanh nghiệp FDI. Những năm gần đây, doanh nghiệp FDI chiếm 40% sản lượng công nghiệp và 60% sản lượng xuất khẩu, đây là điều đáng mừng hay đáng lo? Lo! Vì thật sự đầu tư nước ngoài chưa góp phần đáng kể cho sức mạnh của nền kinh tế, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước” – ông Hùng nói.

Nhấn mạnh nhiều kết quả khả quan về kinh tế – xã hội đạt được thời gian qua, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần sớm khắc phục các tồn tại, trong đó có tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng bình quân mỗi năm trên 54.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang khó khăn trên nhiều lĩnh vực như chi phí sản xuất vẫn tăng trong khi sức cầu tăng yếu nên giá bán không thể tăng, thủ tục hành chính vẫn nhiêu khê…

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM) vẫn đau đáu với vấn đề nông nghiệp, nông dân. Không kìm được cảm xúc, bà Tâm ứa nước mắt nói rằng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, nông dân là người đi theo cách mạng, làm cách mạng và chịu nhiều thiệt thòi. “Tôi nghĩ rằng về mặt lương tâm thì không thể nào chấp nhận điều này được trong khi nông dân chiếm khoảng 70% dân số”. Bà Tâm cho biết người nông dân nuôi tôm nhiều năm, nay chuẩn bị một vụ tôm mới thì phải đi vay tiền và mất mùa tôm này thì coi như nợ chồng chất, vì sao vậy? “Chúng ta vẫn nói nhiều đến vấn đề chiến lược, tầm nhìn nhưng chiến lược và tầm nhìn đấy chỉ ở trên giấy. Những từ này xa xỉ đối với nông dân” – bà Tâm bức xúc.

L.KIÊN – Q.THANH – V.V.THÀNH

 

 

 

“Không ai từ chức”

“Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có rất nhiều chủ trương, chính sách (dành cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn) nhưng tại sao không đi vào cuộc sống? Tại sao vẫn để nông dân chạy theo làm mùa vụ, trồng cây gì, nuôi con gì một cách tự phát? Những định hướng chỉ mang tính chất tuyên truyền thôi, không có biện pháp cụ thể. Trung Quốc mua rễ tiêu và nhiều thứ khác, chỉ thấy báo chí đăng, chưa thấy Chính phủ lên tiếng, vì sao vậy? Tôi đề nghị Quốc hội cần dành thời gian thích đáng để bàn những vấn đề chiến lược phát triển nông nghiệp. Quốc hội vẫn cứ nói, đại biểu vẫn cứ phát biểu, tình hình xấu vẫn cứ xấu, không có một người nào đứng ra chịu trách nhiệm, không ai từ chức về vấn đề này cả. Tôi thật sự bức xúc”.

Đại biểu NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (chủ tịch HĐND TP.HCM)