16/11/2024

Indonesia trước hiểm họa đường lưỡi bò

Những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông gần đây khiến Indonesia cấp tập chuẩn bị lực lượng đối phó trước viễn cảnh chiếc lưỡi bò “liếm” sâu xuống phía nam.

 

Indonesia trước hiểm họa đường lưỡi bò

Những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông gần đây khiến Indonesia cấp tập chuẩn bị lực lượng đối phó trước viễn cảnh chiếc lưỡi bò “liếm” sâu xuống phía nam.


Các chiến đấu cơ của không quân Indonesia – Ảnh: The Aviationist  

Những phát biểu đầy quan ngại của các tướng lĩnh, kèm theo các kế hoạch xây dựng cơ sở quốc phòng tại những khu vực trọng yếu quanh biển Đông của Jakarta gần đây cho thấy “Indonesia không còn là một bên trung lập trước tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Bắc Kinh nữa”, tân Đại sứ EU tại Singapore Michael Pulch nhận xét. Tại buổi thảo luận về an ninh châu Á do Quỹ báo chí châu Á tổ chức hồi đầu tháng này, ông Pulch nói rằng trước đây người ta chỉ nghe tranh chấp biển Đông liên quan Trung Quốc với 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Nay, Indonesia có vẻ trở nên “một nhân tố mới” trong vấn đề biển Đông và liệu sự dính dáng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này có làm thay đổi cục diện tranh chấp hay không, ông Pulch đặt câu hỏi.

Né tránh đối đầu

Giải thích về trường hợp của Indonesia, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia về biển Đông từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết: Đường 9 đoạn của Trung Quốc, vốn xuất hiện từ thập niên 1950, chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia do đảo Natuna nằm ở phía nam biển Đông của nước này tạo nên. Khi Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) bắt đầu có hiệu lực vào năm 1992, vấn đề về các vùng biển chồng lấn thực sự trở nên căng thẳng. Năm 1993, Ngoại trưởng Indonesia khi ấy là Ali Alatas yêu cầu Bắc Kinh làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực gần đảo Natuna. Hai năm sau đó, Bắc kinh mới trả lời rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với đảo Natuna, nhưng biên giới trên biển giữa hai nước cần phải được phân định. “Phản ứng của Jakarta khi đó là: Không có tranh chấp gì giữa hai quốc gia cả vì đường 9 đoạn không phù hợp với công pháp quốc tế. Biên giới của Trung Quốc nằm tít xa trên phía bắc, không thể liếm đến tận Natuna”, ông Storey nói.

Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia an ninh khu vực từ Học viện Quốc phòng Úc, nhận xét: “Trung Quốc luôn mập mờ trong vấn đề này. Họ luôn nói với Indonesia rằng: Đừng lo, các anh là một người bạn của chúng tôi”. Nhưng năm 2009, khi Trung Quốc chính thức nộp lên LHQ hồ sơ chủ quyền đường 9 đoạn, Indonesia đã phản đối mạnh mẽ. Vào thời điểm đó, Jakarta đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn cả trên bộ, trên biển lẫn trên không nhằm khẳng định chủ quyền ở quần đảo Natuna, nơi có trữ lượng dầu khí cao và có những giàn khoan lớn của Indonesia đang hoạt động.

Ông Thayer cho biết thêm: “Từ năm 2009, các tàu chấp pháp dân sự của Indonesia đã va chạm rất nhiều lần với các tàu bán vũ trang, như tàu của Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, Jakarta chọn cách lặng lẽ không để thông tin các va chạm này đến tai công chúng”. Điển hình của các va chạm là việc tàu của Bắc Kinh can thiệp khi các tàu tuần tra của Jakarta bắt ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này. “Tàu Trung Quốc thậm chí đã chĩa súng vào tàu Indonesia và buộc họ phải thả ngư dân. Và Indonesia đã làm theo”, ông Thayer cho hay.

Nguy cơ hiển hiện

“Tương tự Malaysia, Indonesia ngần ngại trong việc phản ứng với các thách thức của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền và quyền tài phán trên biển của mình. Nhưng cho đến nay, những báo cáo không được công khai về các vụ va chạm trên biển với Trung Quốc cho thấy cách tiếp cận nhẹ nhàng của Jakarta đã không làm giảm bớt các vụ đối đầu do Bắc Kinh khởi sự”, ông Thayer cho hay.

Mặt khác, cũng theo ông Thayer, Trung Quốc cũng đang tiến hành các hành động xâm lấn để hiện thực hóa tuyên bố đường lưỡi bò. Chẳng hạn, họ đã và đang chiếm lấy các bãi đá ngầm trong vùng biển của Philippines và tuyên bố đó là lãnh thổ Trung Quốc. Hay hồi năm ngoái và đầu năm nay, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến xuống tận bãi James ở phía đông Malaysia để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là lãnh thổ ở cực nam biển Đông. “Jakarta đang lo sợ nguy cơ Bắc Kinh cũng sẽ làm điều đó với vùng biển Natuna của mình”, ông Thayer nhận định.

Mặc dù hiện tại, “Trung Quốc đang tập trung tấn công Philippines và Việt Nam, nhưng logic trong các hành động của Trung Quốc chỉ ra một kế hoạch lâu dài, đó là cứng rắn với tuyên bố chủ quyền của mình và thực thi kiểm soát tất cả các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”. Và điều đó sớm muộn gì cũng tạo ra tranh chấp pháp lý giữa Bắc Kinh và Jakarta. Tình thế sẽ trở nên căng thẳng đặc biệt nếu Trung Quốc cũng giở trò với Indonesia như đang làm với Việt Nam, đó là đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia để hút lấy dầu mỏ, ông Thayer dự báo.

Chuẩn bị đối phó

Nhận thấy các nguy cơ này, bắt đầu từ năm nay, quân đội Indonesia đã trở nên chủ động lên tiếng về việc bảo vệ chủ quyền quanh đảo Natuna. Một loạt các dự án hiện đại hóa căn cứ không quân và hải quân được triển khai, trong khi các chiến hạm và chiến đấu cơ hiện đại cũng được chuyển về những cơ sở này.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, hồi cuối tháng 2.2014 khi thông báo tăng cường hiện diện quân sự ở quần đảo Natuna đã phát biểu: “Do Natuna nằm ở vị trí chiến lược, nên tăng cường lực lượng trên biển, trên bộ lẫn trên không quanh quần đảo này là cần thiết để lường trước bất kỳ bất ổn nào trên biển Đông và có tác dụng như một hệ thống cảnh báo sớm cho Indonesia và quân đội”. Điều đáng nói là phát biểu này được đưa ra ngay sau khi ông trở về từ chuyến thăm Trung Quốc với cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Hồi cuối tháng 3.2014, phát biểu trước báo chí về cuộc tập trận hải quân Komodo ở vùng biển quanh tỉnh Riau bao gồm đảo Natuna với 17 nước tham gia gồm các quốc gia ASEAN và các đối tác của khối, chuẩn đô đốc Amarullah Octavian, chủ nhiệm cuộc tập trận chung, đã không ngần ngại nói thẳng: “Cuộc tập trận này tập trung vào năng lực cứu trợ thảm họa, nhưng chúng tôi cũng lưu ý về lập trường hung hăng của chính phủ Trung Quốc thể hiện qua việc xâm nhập vùng biển Natuna”. 

 

Nâng cấp trang thiết bị bảo vệ nam biển Đông

Indonesia đang mua 3 tàu ngầm Type-209 của Hàn Quốc và 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, cùng 8 trực thăng AH-64E Apache của Mỹ. Jakarta cho biết sẽ điều 4 trong số 8 chiếc Apache ra căn cứ Natuna. Bên cạnh đó, nước này cũng vừa hoàn thành nâng cấp đáng kể căn cứ không quân Ranai trên đảo Riau với hệ thống radar phức hợp, đường băng và đèn chiếu.  Jakarta đang có kế hoạch nâng cấp đường băng và xây nhà chứa chiến đấu cơ Su-27SK, Su-30MK và máy bay chiến đấu F-16 ở đây. Từ Ranai, các chiến đấu cơ có thể nhanh chóng gia nhập phi đội Apache ở Natura khi cần thiết. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono gọi đây là một phần trong chiến lược phát triển một “lực lượng cơ yếu tối thiểu” nhằm đối phó với “những nguy cơ chiến lược” ở biển Đông.

 

Thục Minh