Tuyển sinh ĐH, CĐ: Đề thi không yêu cầu thuộc lòng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết đề thi ĐH, CĐ các môn nói chung sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng không yêu cầu học sinh học thuộc quá nhiều chi tiết một cách máy móc nhưng tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng các kiến thức phổ thông và thực tiễn.
Tuyển sinh ĐH, CĐ: Đề thi không yêu cầu thuộc lòng
Giữa tuần sau các thí sinh sẽ bước vào đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến thí sinh như đề thi, điều chỉnh khu vực ưu tiên tuyển sinh…
|
Phân loại trình độ, năng lực của thí sinh
Hiện nay điều thí sinh quan tâm nhất là đề thi sẽ ra như thế nào. Cấu trúc đề thi môn ngữ văn và môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được thay đổi hoàn toàn. Vậy đề thi ĐH, CĐ có thay đổi như vậy không?
Có thể khẳng định các kinh nghiệm đã làm tốt từ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì sẽ được áp dụng vào kỳ thi ĐH, CĐ. Về cơ bản, các đề thi ĐH, CĐ sẽ ra theo hướng đổi mới như kỳ thi tốt nghiệp ở tất cả các môn thi. Riêng với đề thi môn ngoại ngữ thì cấu trúc vẫn giữ ổn định (không có phần thi viết như đề thi phổ thông) vì chưa thông báo trước cho thí sinh cũng như khâu kỹ thuật chưa đáp ứng được việc thay đổi đề thi. Điều này có thể gây kéo dài thời gian chấm thi, ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh chung đã công bố.
Đề thi các môn nói chung sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng không yêu cầu học sinh học thuộc quá nhiều chi tiết một cách máy móc nhưng tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng các kiến thức phổ thông và thực tiễn. Nội dung đề thi sẽ nằm trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu lớp 12. Tuy nhiên, đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ, năng lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.
Đảm bảo quyền lợi thí sinh ở khu vực ưu tiên
Năm nay, quy chế có sửa đổi về khu vực ưu tiên, đặc biệt là khu vực 1. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH áp dụng chưa đúng quy chế khiến thí sinh lo lắng bị thiệt thòi. Vậy Bộ có biện pháp giải quyết như thế nào?
Việc sửa đổi quy định về khu vực ưu tiên là nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh giữa các vùng miền. Vì vậy, Bộ đã điều chỉnh ưu tiên khu vực 1 trong kỳ thi năm nay. Đối tượng bị ảnh hưởng là những thí sinh thuộc khu vực 1 trước đây nhưng số lượng không nhiều. Theo thống kê sơ bộ của Bộ thì số lượng thí sinh bị điều chỉnh khu vực từ khu vực 1 sang khu vực 2 nông thôn (bị giảm 0,5 điểm ưu tiên) chỉ khoảng 10 – 15 %. Việc điều chỉnh quy chế này nhằm làm tăng tính công bằng trong tuyển sinh.
Với những thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực 1, nếu trước đây học ở trường THPT không thuộc khu vực ưu tiên thì sẽ không được ưu tiên nhưng nay quy chế mới kết hợp cả 2 yếu tố ưu tiên theo trường học và hộ khẩu nên nhiều em sẽ thuộc diện ưu tiên khu vực 1. Ví dụ: các em có hộ khẩu ở các xã, thôn thuộc khu vực 1 mà ở đó không có trường THPT thì các em vẫn được hưởng ưu tiên khu vực 1 nếu các em học THPT ở huyện có xã đó.
Quy chế quy định rất rõ việc xác định khu vực ưu tiên. Bản thân các thí sinh cũng có thể tự xác định được khu vực ưu tiên của mình. Tuy nhiên đây là năm đầu tiên áp dụng quy định mới nên các trường, sở GD-ĐT hơi lúng túng. Bộ đang yêu cầu các sở thống kê các trường THPT và các thôn, xã thuộc diện ưu tiên khu vực 1 gửi cho Bộ để Bộ gửi cho các trường nhằm thực hiện thống nhất theo quy định. Nếu trong giấy báo dự thi ghi không đúng khu vực ưu tiên thì thí sinh có thể điều chỉnh vào ngày đến điểm thi để nghe phổ biến quy chế và điều chỉnh sai sót. Các trường sẽ tiếp tục rà soát diện ưu tiên để điều chỉnh đúng theo quy định. Vì vậy, các em yên tâm là sẽ không bị mất quyền lợi ưu tiên mà mình được hưởng.
|
Các trường không đăng ký tuyển sinh riêng nay có được phép công bố dùng kết quả tốt nghiệp THPT của thí sinh để xét tuyển không?
Theo quy chế, các trường tổ chức tuyển sinh riêng phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh có nội dung quy định gửi Bộ xem xét. Đề án nào được Bộ xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định thì được triển khai. Năm nay có 62 trường thực hiện đề án tuyển sinh riêng. Theo quy định, những trường chưa có đề án tuyển sinh riêng được xác nhận phù hợp với quy chế thì không được thực hiện tuyển sinh riêng. Những trường này chỉ có thể tuyển thí sinh tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức và đạt kết quả từ mức xét tuyển tối thiểu trở lên theo quy định. Đối với những thí sinh không tham gia kỳ thi chung hoặc tham gia nhưng có kết quả không đạt mức xét tuyển tối thiểu mà các trường không có đề án tuyển sinh riêng vẫn xét tuyển là vi phạm quy chế tuyển sinh.
Những trường tuyển sinh không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào?
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nêu rõ cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau đây: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; Xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ quy định; Tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành; Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Đối với các trường không có đề án tuyển sinh riêng được Bộ xác nhận mà xét tuyển thí sinh không đạt kết quả quy định của kỳ thi chung thì có thể xem là vi phạm “Xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ quy định”.
Ý kiến: Không nên lạm dụng thời sự Xu hướng ra đề thi những năm gần đây sẽ khiến thí sinh không làm bài theo kiểu học vẹt và học tủ, thay vào đó sẽ đánh giá đúng hơn năng lực thực sự của thí sinh. Xu hướng này được xã hội đánh giá cao vì vượt qua cách ra đề học thuộc lòng của nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, sự vận dụng các yếu tố thời sự vào đề thi cần có sự cân nhắc và lựa chọn, không nên lạm dụng. Thạc sĩ Phạm Hồng Danh Thể hiện năng lực thí sinh của mỗi bậc học Đề thi nên đánh giá được năng lực của thí sinh của mỗi bậc học. Đưa ra các tiêu chí về kiến thức xã hội, kỹ năng thực tế, tránh học vẹt. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành Khơi gợi tư duy Đề thi không nên đưa những câu tái hiện kiến thức mà hãy khuyến khích thí sinh thể hiện tư duy, nhận thức, quan điểm và kỹ năng sống của mình. Đàm Hoàng Long Hà Ánh – Mỹ Quyên (ghi)
|
Vũ Thơ