Trung Quốc trâng tráo tố Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc
Ngày 9-6, Trung Quốc đã gửi tài liệu liên quan đến vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, phó đại sứ Trung Quốc Wang Min đã gửi tập tài liệu “thể hiện quan điểm” về hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981 tới Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon và đề nghị ông Ban luân chuyển tập tài liệu này tới 193 nước thành viên Đại hội đồng LHQ. Trong tài liệu, Trung Quốc vu khống rằng Việt Nam vi phạm chủ quyền nước này khi cản trở hoạt động của giàn khoan 981.
Trung Quốc trâng tráo tố Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc
Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, phó đại sứ Trung Quốc Wang Min đã gửi tập tài liệu “thể hiện quan điểm” về hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981 tới Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon và đề nghị ông Ban luân chuyển tập tài liệu này tới 193 nước thành viên Đại hội đồng LHQ. Trong tài liệu, Trung Quốc vu khống rằng Việt Nam vi phạm chủ quyền nước này khi cản trở hoạt động của giàn khoan 981.
Đánh lừa dư luận
Tập tài liệu khẳng định giàn khoan nằm cách quần đảo Hoàng Sa 32km, trong khi cách bờ biển Việt Nam 278km và dẫn nhiều “bằng chứng” để khẳng định quần đảo Hoàng Sa “là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp tại đây”. Tuy nhiên Trung Quốc “quên” một thực tế rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực hồi năm 1974.
Bất chấp sự thật là giàn khoan này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chủ quyền của Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh trơ tráo nói rằng Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu địa chất tại khu vực này trong 10 năm qua và giàn khoan 981 là “tiếp nối của những quá trình thăm dò đã thành thông lệ và hoàn toàn nằm trong vùng chủ quyền và tài phán của Trung Quốc”.
Trung Quốc còn cáo buộc Việt Nam “đưa người nhái và các thiết bị chìm vào khu vực này, thả nhiều vật cản trở (hoạt động của giàn khoan 981), bao gồm lưới bắt cá và các vật thể nổi khác”. Tập tài liệu vu khống một cách nực cười rằng hành động của Việt Nam “vi phạm chủ quyền Trung Quốc, là mối đe dọa lớn cho các nhân viên Trung Quốc làm việc trên giàn khoan, vi phạm pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển LHQ (UNCLOS)”.
Trên thực tế, việc gửi tập tài liệu đầy thông tin bịa đặt tới LHQ chỉ là bước tiếp theo trong chiến lược lừa đảo dư luận quốc tế mà Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua.
Dư luận và truyền thông thế giới cũng tiếp tục chỉ trích sự hiếu chiến của Trung Quốc. Theo báo Daily Inquirer, hôm qua chính quyền Philippines tuyên bố sẽ điều tra vụ Trung Quốc cải tạo đất ở đảo Gạc Ma và có ý đồ biến một số bãi đá ngầm trên biển Đông thành đảo nhân tạo. “Rõ ràng là Trung Quốc đang cố tìm cách thay đổi hiện trạng”. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định các hành động đơn phương trên cho thấy Trung Quốc không hề tôn trọng Tuyên bố về quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) cũng như UNCLOS.
Việt Nam nên tiếp tục có công hàm lên LHQ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Công Phụng, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, phân tích đó là hành động mà họ nghĩ cần làm, theo logic và cách nghĩ của Trung Quốc. Việt Nam đã chính thức phản đối Trung Quốc lên LHQ, họ là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, họ sợ bị bẽ mặt nên đưa công hàm phản đối. LHQ không có người nào đứng ra phân xử đúng sai, nên họ cứ đưa công hàm ra, nói loanh quanh chứ thật ra không có lý lẽ nào.
Không cho rằng tài liệu của Trung Quốc có hiệu quả, ông Phụng nói: “Chả lẽ nhận mình sai nên Trung Quốc phải làm thế. Ở khía cạnh nào đó, tôi cho rằng hành động của Trung Quốc mang tính nước lớn, cả vú lấp miệng em. Theo tôi, công hàm đó hiệu quả cũng không cao. Vì thế giới họ đều biết Trung Quốc làm sai, đi ngược lại UNCLOS 1982. Chỉ có điều do Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia có lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc nên họ không nói thẳng ra thôi, chỉ yêu cầu làm theo luật pháp quốc tế, hoan nghênh cách xử lý, đấu tranh hòa bình của Việt Nam. Nghĩa là họ đã ủng hộ cái đúng của Việt Nam rồi, vì chúng ta làm đúng UNCLOS”.
Về hướng xử lý, sau khi Trung Quốc có công hàm, ông Phụng đề nghị Việt Nam cũng nên có công hàm lên LHQ, tiếp tục nói lại, khẳng định Trung Quốc vu cáo, bịa đặt. Báo chí trong nước cũng nên có những phân tích tính xảo trá, bế tắc của Trung Quốc…
HIẾU TRUNG – C.V.KÌNH