Xung đột trên biển Đông tạo hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới
Thủ tướng nêu rõ hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); đe doạ nghiêm trọng hoà bình, ổn định ở khu vực.
Xung đột trên biển Đông tạo hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 30.5 về vụ việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển VN.
|
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết tại cuộc trả lời phỏng vấn, Thủ tướng nêu rõ hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); đe doạ nghiêm trọng hoà bình, ổn định ở khu vực.
|
Thủ tướng khẳng định VN kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của mình. VN cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của VN.
Trả lời các câu hỏi liên quan đến quan điểm, cách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “VN đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập chủ quyền của Tổ quốc VN là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo VN đang cân nhắc giải pháp này”.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển VN nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên biển Đông với khoảng 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại
toàn cầu được vận chuyển qua đây. Thủ tướng nêu rõ chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Trả lời câu hỏi về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc trong tình hình hiện nay, Thủ tướng cho rằng: “Các quốc gia hợp tác kinh tế với nhau đều trên cơ sở kinh tế thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. VN với Trung Quốc cũng như vậy. Đến giờ này, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch VN – Trung Quốc nhìn chung vẫn đang diễn ra
bình thường. Việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của VN đã có một số tác động đến một vài lĩnh vực của kinh tế VN. Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó thích hợp”.
Việt Nam gửi Công hàm phản đối Trung Quốc lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Từ ngày 28.5, Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đã gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế của VN theo quy định của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 mà cả VN và Trung Quốc đều là thành viên. VN kiên quyết bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc, cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là thuộc vùng biển của cái gọi là “quần đảo Tây Sa” và một lần nữa khẳng định rằng “quần đảo Tây Sa” mà Trung Quốc đề cập đến chính là quần đảo Hoàng Sa của VN mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974. VN yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của VN, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực. Văn kiện trên đồng thời phản đối đến quan điểm của Trung Quốc, cho rằng VN đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp. VN khẳng định quan điểm này của Trung Quốc được đưa ra mà không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào, do vậy, VN kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này đồng thời khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của VN đều tiến hành trên thềm lục địa của VN, được xác định phù hợp với quy định của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Công hàm của VN khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước. Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đề nghị Tổng thư ký LHQ cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của khóa 68 Đại hội đồng LHQ. Tiếp đó, ngày 29.5, Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đã ra Thông cáo báo chí về vụ việc trên. Trước đó, hôm 9.5, LHQ cũng đã cho lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta. TTXVN
|
Trường Sơn