27/11/2024

Trung Quốc giở chiêu trò mới

Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, hải đội trưởng Hải đội 201, Vùng 2 cảnh sát biển Việt Nam, cho biết: theo quy định của pháp luật hàng hải quốc tế, tàu ở mạn trái có nghĩa vụ tránh đường cho tàu ở mạn phải hoạt động, nếu như đâm va thì tàu đang ở mạn trái sẽ vi phạm. Do đó, tàu Trung Quốc thường chủ động đâm vào mạn phải tàu Việt Nam để tạo những chứng cớ giả cho việc tàu họ bị thiệt hại.

 Trung Quốc giở chiêu trò mới

Ngày 3-6, ngoài tàu hộ vệ tên lửa, có nhiều lượt máy bay trinh sát điện tử, máy bay cánh bằng của Trung Quốc tiến hành tiếp cận các khu vực có tàu chấp pháp của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ từ tàu CSB2013, trên khu vực vùng biển phía Nam – Đông Nam giàn khoan xuất hiện tàu hộ vệ tên lửa 534 của Trung Quốc. Tàu hộ vệ tên lửa này hoạt động cách giàn khoan khoảng 10 hải lý. Trong ngày, Trung Quốc điều ít nhất ba chiếc máy bay trinh sát điện tử và máy bay cánh bằng, bay thấp phía trên các tàu của Việt Nam nhằm mục đích quay phim, chụp ảnh và có thể là đe dọa.

Khoảng 13g cùng ngày, tàu CSB4032 và các tàu kiểm ngư của Việt Nam tiến sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở cự ly khoảng 7,8 hải lý để tiến hành tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam. Các tàu Việt Nam dàn hàng ngang, đồng loạt tiến vào và bật loa. Trung Quốc điều ra khoảng 10 tàu hải cảnh và tàu kéo. Họ dùng tàu 45101, 3383, 21102 đuổi theo và bao vây phía sau hai mạn của tàu CSB4032 với mục đích xịt vòi rồng. Tàu CSB4032 phải tăng tốc để khỏi sự bao vây. Khi cách xa giàn khoan khoảng 11 hải lý, tàu CSB4032 chủ động dừng lại để tiếp tục tiến hành việc tuyên truyền pháp luật, chủ quyền với vùng biển của Việt Nam.

Cuối chiều qua, hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Hoàng Sa và về hướng giàn khoan Hải Dương 981. Theo các thuyền viên của tàu CSB2015 thì chưa rõ việc Trung Quốc đưa ra nhiều tàu cá như vậy là có dụng ý gì. Các tàu cá này không thực việc đánh bắt, đồng loạt tiến đến các tàu Việt Nam chừng một hải lý thì vây quanh tạo thành một vòng cung khép kín, khiến cho việc di chuyển của các tàu Việt Nam có phần khó khăn hơn những ngày trước. Cũng trong thời điểm này, hai tàu hải cảnh 1123 và 12102 đáp sát tàu CSB2015 khoảng 30m từ cả hai phía mạn tàu. Cùng lúc đó máy bay Trung Quốc bay sát nóc tàu CSB2015, cuộc rượt đuổi này kéo dài trong khoảng một giờ mới kết thúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trên tàu CSB4032, thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, hải đội trưởng Hải đội 201, Vùng 2 cảnh sát biển Việt Nam, cho biết các tàu Trung Quốc được sử dụng đâm va chủ yếu là các tàu tốc độ cao, có khả năng bứt phá nhanh. Khi tàu Việt Nam không thể chạy quá xa thì những tàu này sẽ lao lên xịt nước bằng vòi rồng và có thể đâm va gây hư hỏng cho tàu Việt Nam. Đặc biệt, khi đuổi theo kèm sát, tàu Trung Quốc luôn ở bên mạn trái tàu Việt Nam nhưng khi muốn đâm va, bao giờ tàu Trung Quốc cũng luồn sang mạn phải tàu Việt Nam. Thiếu tá Đạt lý giải, theo quy định của pháp luật hàng hải quốc tế, tàu ở mạn trái có nghĩa vụ tránh đường cho tàu ở mạn phải hoạt động, nếu như đâm va thì tàu đang ở mạn trái sẽ vi phạm. Do đó, tàu Trung Quốc thường chủ động đâm vào mạn phải tàu Việt Nam để tạo những chứng cớ giả cho việc tàu họ bị thiệt hại.