Philippines tăng cường sức mạnh ở biển Đông
Kể từ khi để mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở biển Đông sau vụ đối đầu với tàu Trung Quốc hồi tháng 4.2012, Philippines không ngừng hiện đại hoá hải quân và tăng cường năng lực tuần tra để ứng phó với những mối đe doạ trong khu vực.
Philippines tăng cường sức mạnh ở biển Đông
Không chỉ cấp tập hiện đại hoá hải quân, Philippines còn tăng cường năng lực tuần tra để ứng phó với những mối đe doạ trong khu vực.
|
Kể từ khi để mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở biển Đông sau vụ đối đầu với tàu Trung Quốc hồi tháng 4.2012, Philippines không ngừng hiện đại hoá hải quân. Tính đến tháng 2.2014, hải quân Philippines được cấp hơn 120 triệu USD và đã dùng số tiền này để tân trang 2 tàu tuần duyên lớp Hamilton nhận từ Mỹ và sắm 3 trực thăng AgustaWestland AW-109 do Ý sản xuất, theo Đài TV5. Dự kiến từ 2014 đến 2016, hải quân Philippines sẽ được cấp thêm 145 triệu USD để sắm khí tài quân sự, trong đó có 12 – 20 tàu đổ bộ. Philippines cũng đang muốn mua thêm tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ 3 sau khi đã chuyển đổi 2 chiếc đầu tiên thành những tàu chiến lớn nhất của hải quân nước này, theo báo mạng Rappler.
Nâng cấp cơ sở hải quân
Cũng nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng trên biển, Philippines nâng cấp nhiều cơ sở hải quân hướng ra hoặc ở trên biển Đông. Cụ thể, báo Philippine Daily Inquirer hồi tháng 6.2013 đưa tin hải quân Philippines xúc tiến kế hoạch phát triển căn cứ mới ở vịnh Oyster hướng ra biển Đông, với ngân sách hơn 11 triệu USD. Căn cứ này sẽ gồm một xưởng đóng tàu lớn và một cơ sở hải quân. Gần hai tháng sau đó, Đài ABS-CBN dẫn một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Philippines cho hay Manila đã dành gần 11 triệu USD để nâng cấp các cơ sở hải quân ở đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Ngoài ra, Manila đang bỏ ra 11,4 triệu USD để nâng cấp cơ sở hải quân trên vịnh Ulugan, nằm ở phía tây của đảo Palawan, theo AFP. Sau khi được nâng cấp, Ulugan sẽ trở thành một căn cứ hải quân lớn của Philippines, có cầu cảng cùng các cơ sở khác, có thể phục vụ tàu hải quân cỡ lớn. Trong chuyến thị sát Ulugan hồi tháng 4, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố việc nâng cấp sẽ giúp hải quân nâng cao khả năng theo dõi và bảo vệ vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Trong khi đó, cựu cố vấn an ninh Philippines Roilo Golez cho rằng căn cứ mới chỉ cho phép hải quân thực hiện “sứ mệnh tuần tra và phòng thủ có giới hạn”. Tuy nhiên, căn cứ ở Ulugan có thể có tầm vóc lớn hơn nếu Mỹ bỏ thêm tiền đầu tư để triển khai luân phiên binh sĩ và tàu chiến đến đó theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao mà hai bên ký hồi tháng 4, theo AFP.
Hiện nay, giới chức Mỹ đang khảo sát các căn cứ hải quân ở Philippines để chọn ra 5 nơi phù hợp cho việc đưa quân và binh sĩ đóng trú luân phiên ở Philippines. Theo AFP, hai bên sẽ không đưa ra thông báo về 5 căn cứ được chọn trước tháng 10.2014. Tuy nhiên, hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy vịnh Ulugan, vốn gần Trường Sa hơn so với vịnh Subic mà Manila đã chào mời Mỹ, sẽ được chọn.
Tăng cường sức mạnh tuần tra
Bên cạnh đó, Philippines đang tăng cường khả năng tuần tra nhằm ngăn chặn việc đánh bắt trái phép. Theo AFP, cảnh sát quốc gia Philippines đã thành lập Đội tàu đặc biệt (SBU) cách đây 4 năm và được Mỹ tặng tàu cũng như huấn luyện các kỹ năng tuần tra. Đến nay, SBU có 6 tàu được trang bị hệ thống radar hiện đại, có thể chạy với vận tốc 83 km/giờ. SBU chính là đơn vị đã bắt 11 ngư dân Trung Quốc ngày 6.5 sau khi phát hiện tàu cá của họ chở khoảng 350 con rùa biển quý hiếm tại bãi cạn Trăng Khuyết thuộc Trường Sa. Manila sau đó đã thả 2 người và khởi tố 9 người còn lại về tội đánh bắt trái phép động vật quý hiếm, bất chấp yêu cầu thả người của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hôm qua, Philippines đã phải hoãn phiên tòa xét xử vụ này do thiếu thông dịch viên, theo Reuters.
SBU cũng đang mở rộng cơ sở hoạt động, với một căn cứ mới đang được xây dựng gần Malaysia và có kế hoạch xây thêm một căn cứ gần biên giới biển với Indonesia. Tuy nhiên, giới chức Philippines cho rằng như thế vẫn chưa đủ để ngăn chặn việc đánh bắt trái phép cũng như bảo vệ bờ biển của nước này. Trong khi đó, Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) sắp sửa được trang bị tàu tuần tra nhận từ Nhật. Hồi cuối tháng 3, PCG cho hay sẽ nhận 2 chiếc đầu tiên trong số 10 tàu tuần tra do Nhật cung cấp trước quý 3/2015 và nhận số còn lại trong năm tiếp theo. Giới quan sát cho rằng những động thái trên của Philippines là nhằm ứng phó tình trạng Trung Quốc ngày càng có hành động gây quan ngại ở biển Đông.
Nhật tập trung phát triển radar, UAV Trong chiến lược phát triển vũ khí mới công bố ngày 16.6, Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển hệ thống radar và máy bay không người lái (UAV) do thám, theo Đài NHK. Tài liệu cảnh báo Nhật hiện tụt hậu so với các nước khác về công nghệ UAV và nhấn mạnh các công ty trong nước cần hợp tác với đối tác nước ngoài để rút ngắn khoảng cách này. Chiến lược cũng đưa ra một số tiêu chí cho phép các công ty Nhật phát triển vũ khí với các công ty nước ngoài, nhưng vẫn ưu tiên sản xuất cho Lực lượng phòng vệ Nhật. Chiến lược được công bố hơn 2 tháng sau khi nội các Nhật thông qua 3 quy định mới về xuất khẩu vũ khí, qua đó dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tồn tại gần 50 năm qua. Theo báo Asahi Shimbun, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể dùng 3 quy định mới nói trên để cho phép các công ty xuất khẩu vũ khí sang một số nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc. Minh Trung
|
Văn Khoa