Huy động xã hội viết sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT đã tính đến việc chỉ xây dựng một bộ chương trình thật chuẩn rồi huy động các lực lượng trong xã hội tham gia biên soạn sách giáo khoa. Đó là thông tin mới nhất được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra trong phiên trả lời chất vấn QH hôm qua (11.6).
Huy động xã hội viết sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT đã tính đến việc chỉ xây dựng một bộ chương trình thật chuẩn rồi huy động các lực lượng trong xã hội tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Theo chủ trương, có thể sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ không biên soạn SGK nữa mà giao cho các lực lượng xã hội – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đó là thông tin mới nhất được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra trong phiên trả lời chất vấn QH hôm qua (11.6).
Bộ sẽ chỉ xây dựng chương trình chuẩn
|
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về những giải pháp nào là then chốt trong triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Luận đưa ra một chủ trương rất mới khi cho rằng Bộ GD-ĐT sẽ chỉ biên soạn một bộ chương trình chuẩn, còn việc viết sách giáo khoa (SGK) sẽ huy động các nguồn lực trong toàn xã hội.
Ông Luận cho biết: “Để tổ chức việc viết SGK mới như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, chúng tôi đang bàn. Cách làm của những lần trước thì Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn chương trình, sau đấy biên soạn, thẩm định và tổ chức triển khai thực hiện bộ SGK mới. Lần này có điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi đang cân nhắc, Bộ chỉ lo việc xây dựng một bộ chương trình thật tốt, hoàn chỉnh, sau đó công bố rộng rãi cả xã hội và huy động các lực lượng xã hội tham gia vào việc viết SGK mới”.
Ông Luận nói thêm: “Việc này còn đang trong quá trình thảo luận ở Bộ, chúng tôi đã báo cáo sơ bộ với Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Phó thủ tướng đã chia sẻ, đồng tình với chúng tôi triển khai, nghiên cứu theo hướng này. Chúng tôi sẽ trình bày, trao đổi trong Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản GD-ĐT, Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở đó hoàn thiện, cân nhắc và sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ”.
Nếu điều này đúng như lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì đây là sự đột phá so với quan điểm trong Đề án “Đổi mới chương trình – SGK” mà Bộ GD-ĐT trình bày trước đây. Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong đề án là từ chương trình quốc gia, có thể có nhiều bộ SGK hoặc cuốn SGK khác nhau. Thế nhưng lại khẳng định trước hết Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ SGK. Lúc bấy giờ đã có nhiều ý kiến cho rằng với ngân sách nhà nước, khi Bộ đã biên soạn một bộ SGK rồi thì cá nhân, tổ chức nào có thể cạnh tranh nổi, làm sao duy trì được sự công bằng, khách quan trong thẩm định và phê duyệt…? Vì thế, Bộ chỉ nên xây dựng chương trình khung còn việc biên soạn SGK nên giao cho xã hội.
Xây dựng kinh phí đổi mới giáo dục theo quy trình
|
Xung quanh con số 34.000 tỉ đồng cho đề án đổi mới giáo dục phổ thông từng được dư luận đặc biệt quan tâm cũng được ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chất vấn. Ông Huệ đặt vấn đề: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi Bộ GD-ĐT trình Ủy ban Thường vụ QH đề án đổi mới chương trình SGK với chi phí trên 30.000 tỉ đồng làm xôn xao dư luận. Không kiểm soát được ở chỗ khi ra phát biểu Bộ trưởng nói rằng đây không phải là ý kiến của Bộ?”. Ông Phạm Vũ Luận cho rằng đây là một sai sót kỹ thuật đáng tiếc và tái khẳng định, dự thảo đề án trình Ủy ban Thường vụ QH không hề có đề cập đến kinh phí.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay đang tiếp thu ý kiến của Thường vụ QH, chuẩn bị kinh phí theo quy trình: Bộ GD-ĐT bàn bạc, thẩm định theo một quy trình của Bộ. Sau đó trình Chính phủ, các bộ ngành có liên quan sẽ phải thẩm định kinh phí đó. Chính phủ họp, thảo luận, lấy ý kiến của Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT… Như vậy, không kịp để kỳ họp này QH xem xét thông qua được.
Ông Luận cũng nhận trách nhiệm về mình: “Để xảy ra sai sót như thế, tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thực hiện sự ủy nhiệm của Thủ tướng cũng chưa đầy đủ gây nên lo lắng, băn khoăn trong nhân dân”.
“Không khớp giữa cung – cầu lao động là một thực tế khách quan”!
Vấn đề sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm được nhiều ĐB quan tâm, chất vấn.
Theo ông Luận, mỗi năm nước ta có khoảng 400.000 người tốt nghiệp ĐH và CĐ, 5 năm sẽ có 2 triệu người. Con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm nếu đúng thì chiếm tỷ lệ 3,6%. Ông Luận khẳng định: “Việc làm là vấn đề của thị trường lao động, chỉ khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi mà anh học ngành nghề gì là do nhà nước phân công, tốt nghiệp xong anh làm ở đâu do nhà nước chỉ định. Còn trong kinh tế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế, các cơ sở đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu cho biên chế nhà nước. Khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ và sự không khớp giữa cung và cầu lao động là một thực tế khách quan”.
Ông Luận cũng cho biết, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT để làm tốt hơn trong vấn đề này là cùng các cơ sở đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan cảnh báo cho xã hội những ngành, nghề thừa – thiếu nhân lực, ưu tiên mở ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Ý kiến Nhiều người mong mỏi Đây là điều mà nhiều chuyên gia giáo dục từng đề xuất và mong mỏi. Cho phép nhiều người tham gia viết SGK sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, chắc chắn sẽ có nhiều SGK chất lượng. Nhà nước cũng như người học sẽ giảm được chi phí thông qua cơ chế cạnh tranh, nhà trường cũng chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện của mình. Giáo viên có nhiều chọn lựa hơn trong việc sử dụng, tham khảo, soạn giáo án. Đồng thời, việc này sẽ góp phần làm cho nội dung chương trình phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Với nhiều bộ SGK khác nhau, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn trong việc kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp THPT… Điều này có tác động rất lớn đến việc dạy và học ở trường phổ thông, học sinh hướng đến năng lực nhiều hơn là hướng đến nội dung kiến thức của SGK. Thạc sĩ HỒ SỸ ANH (Viện Nghiên cứu giáo dục rường ĐH Sư phạm TP.HCM) Giáo viên có cơ hội viết SGK Chúng tôi ủng hộ chủ trương này. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều bộ SGK trong chương trình giáo dục của họ. Giáo viên sẽ chủ động được việc đổi mới giảng dạy theo khung chương trình của Bộ, căn cứ vào các bộ SGK phù hợp. Đồng thời, điều này cũng trao cho giáo viên cơ hội viết SGK. Bởi lẽ, giáo viên là người gần nhất với học sinh, biết học sinh mình cần và thích nội dung gì. Bà ĐỖ THỊ THANH THỦY (Tổ trưởng bộ môn sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) MINH LUÂN (ghi)
|
Năm 2030 giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành 9 nội dung của chương trình hành động nhằm tạo chuyển biến căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt và liên thông. Triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông, phân loại các cơ sở giáo dục ĐH theo hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại và thiết thực. Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT theo hướng đánh giá năng lực người học. Tiến tới tổ chức một kỳ thi chung lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề, CĐ và ĐH. Đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT và dạy nghề, sửa đổi và bổ sung cơ chế đầu tư, ưu đãi đất đai và vốn để hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập; Đảm bảo sự công bằng về mọi chế độ và chính sách với học sinh, sinh viên giữa các cơ sở giáo dục công và ngoài công lập. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đề xuất chính sách tiền lương thu hút nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục. Đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo. Tăng cường cơ sở vật chất, giao ngân sách nhà nước chủ yếu hỗ trợ đào tạo các ngành nghề trọng điểm hoặc khó huy động sự tham gia của xã hội. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhưng phải vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm các mô hình giáo dục tiên tiến thế giới. HÀ ÁNH (tổng hợp)
|
Tuyết Mai