10/01/2025

Linh hoạt tỷ giá nhưng đừng… đột ngột!

Đánh giá cao việc giữ ổn định tỷ giá thời gian qua nhưng trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng việc duy trì trong thời gian dài sẽ gây ra những rủi ro.

 

Linh hoạt tỷ giá nhưng đừng… đột ngột!

Đánh giá cao việc giữ ổn định tỷ giá thời gian qua nhưng trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu”,  Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng việc duy trì trong thời gian dài sẽ gây ra những rủi ro.

Các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá thời điểm này chưa phải lúc lựa chọn cơ chế tỷ giá thả nổi nhưng cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều, sau đó giữ nguyên cả thời gian dài. Thay vào đó, cần thay đổi tỷ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn.

Nới rộng biên độ

 

 

Chính phủ nên có những giải pháp khuyến khích DN đa dạng hóa các đồng tiền trong thanh toán. Khi đó áp lực về cung cầu lên đồng USD sẽ không quá nặng như hiện nay

 

TS Nguyễn Văn Thuận

 

 

Báo cáo còn cho rằng biên độ dao động của tỷ giá ngân hàng thương mại xung quanh tỷ giá chính thức nên nới rộng thay vì vẫn giữ ở mức 1% từ đầu năm 2011 đến nay. Là đối tượng trực tiếp bị tác động, nhiều DN khẳng định việc điều chỉnh tỷ giá đột ngột là điều họ không mong muốn. Theo ông Cao Tiến Vị – Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn, việc điều chỉnh tỷ giá nếu được thực hiện nhiều lần trong năm với biên độ thấp và nằm trong phạm vi kiểm soát của nhà nước thì sẽ phù hợp hơn cho hoạt động của DN. Điều đó cũng giúp các DN tránh bị động khi những khó khăn, không hiệu quả do điều chỉnh tỷ giá dồn hết vào một tháng, một quý cụ thể trong năm. Tương tự, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cũng cho rằng thay vì điều chỉnh tỷ giá 1%/lần như thời gian vừa qua thì NHNN có thể chia ra điều chỉnh thành 2 – 3 lần với mức điều chỉnh thấp hơn. Từ đó, giới DN tránh được những rủi ro trong các hợp đồng xuất nhập khẩu khi được ký kết trong những thời điểm khác nhau. Còn theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, việc giữ ổn định tỷ giá trong một thời gian khá dài có thể được xem là thành tựu của NHNN. Tuy nhiên, việc giữ cứng nhắc đó khiến cho các ngân hàng thương mại không thể linh hoạt trong việc mua bán giao dịch ngoại tệ để đáp ứng được nhu cầu cho DN. Vì vậy, NHNN cũng nên xem xét nới biên độ dao động tỷ giá lên cao hơn mức hiện tại để các ngân hàng thương mại rộng đường hoạt động.

Đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay là neo cố định theo USD. Việc giữ tỷ giá cố định trong thời gian quá dài không tạo được động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng như không khuyến khích được việc gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của các ngành hàng xuất khẩu. Vì thế, cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

Thế nhưng, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng – Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận xét đã có thời gian dài biên độ dao động tỷ giá của các ngân hàng thương mại được duy trì ở biên độ +/- 3% vì thị trường ngoại tệ trong và ngoài nước đều ổn định. Nhưng trong thời điểm hiện tại tình hình chính trị kinh tế của thế giới cũng đang có nhiều biến động nên sẽ dễ dẫn đến tác động tâm lý của người dân. Do đó chưa thể thực hiện việc nới biên độ lên cao. Hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam thông thường chỉ có xu hướng tăng nên sẽ càng gặp khó khăn hơn nếu  biên độ được nới rộng. Khi đó, dự trữ ngoại tệ của NHNN vẫn chưa thể đảm bảo có thể can thiệp mạnh vào thị trường khi có biến động quá lớn. Ngoài ra, việc neo tỷ giá với một rổ tiền tệ ngoài USD như đề nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nếu có cũng sẽ chưa tác động nhiều. “Các DN ở Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền USD trong giao thương nên đối với những đồng tiền khác chưa mặn mà. Điều quan trọng là Chính phủ nên có những giải pháp khuyến khích DN đa dạng hóa các đồng tiền trong thanh toán. Khi đó áp lực về cung cầu lên đồng USD sẽ không quá nặng như hiện nay”, TS Nguyễn Văn Thuận nói. Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng nhận định: Hiện chủ yếu các ngân hàng thương mại vẫn giao dịch trong biên độ +/-1% xoay quanh tỷ giá của NHNN công bố và rất hiếm khi giao dịch ở mức kịch trần. Nếu có lúc tỷ giá giao dịch hết biên độ chỉ là do yếu tố tâm lý nhất thời hoặc có biến động đột xuất. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại và theo chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung thì chưa cần thiết phải nới biên độ điều chỉnh tỷ giá của các ngân hàng thương mại. Đồng thời NHNN cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ hơn nếu muốn thay đổi chính sách neo tỷ giá với một rổ tiền tệ vì cũng sẽ có những rủi ro kèm theo. Việc thay đổi đó phải được đánh giá tổng thể trên tất cả các chính sách chính trị, kinh tế thương mại và quan hệ đối tác với các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam đang muốn đa dạng hóa thị trường.

 

Một số nguy cơ

 

Ngày 26.6, Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa đưa ra báo cáo kinh tế vĩ mô với tựa đề “Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu”. Đối với điều hành tỷ giá, theo báo cáo, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được giữ khá ổn định trong năm 2013, biên độ giao dịch giữ ở mức khoảng 1% đã đóng góp tích cực vào việc kiềm chế lạm phát và không tạo các cú sốc bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, giữ ổn định tỷ giá trong thời gian dài đang ẩn chứa một số nguy cơ. Tỷ giá thực gia tăng và tiền VND đang được định giá cao, theo đó, yếu tố tâm lý vẫn có tác động lớn đến tỷ giá. Định giá cao tiền đồng trong thời gian dài cũng làm giảm động lực thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu theo hướng tích cực (không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ). Ngoài ra, neo cố định theo USD như hiện nay cũng khiến VND quá lệ thuộc vào USD và có thể đối diện với rủi ro biến động USD trên thị trường thế giới.

Thanh Xuân

 

Mai Phương