11/01/2025

Nhật công bố “mũi tên thứ ba” cải cách kinh tế

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa công bố chiến lược cải cách mới đầy tham vọng nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau nhiều thập kỷ èo uột.

Nhật công bố “mũi tên thứ ba” cải cách kinh tế

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa công bố chiến lược cải cách mới đầy tham vọng nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau nhiều thập kỷ èo uột.

Ông Abe công bố “mũi tên kinh tế thứ ba” với hi vọng hồi sinh kinh tế Nhật – Ảnh: Reuters  

“Chính phủ Nhật quyết định tăng cường sức mạnh chiến lược tăng trưởng. Sẽ không có vùng cấm nào trong chiến lược tăng trưởng. Chúng tôi quyết tâm xóa bỏ mọi quy định và thể chế cứng nhắc” – Hãng tin Kyodo News dẫn lời ông Abe tuyên bố trong cuộc họp báo tại Tokyo.

Đây được xem là “mũi tên thứ ba” trong chiến lược cải tổ kinh tế “Abenomics”. Hai “mũi tên” trước đó là tăng chi ngân sách vào các dự án hạ tầng và bơm tiền vào thị trường tài chính. Kể từ đầu năm 2013, nền kinh tế Nhật đã có dấu hiệu khởi sắc, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của thị trường vào Abenomics đã giảm nhiệt đáng kể khi các nhà đầu tư đánh giá kế hoạch của ông Abe thiếu những cải cách cấu trúc cần thiết.

Giảm thuế doanh nghiệp

Thủ tướng Abe cho biết Chính phủ Nhật sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới mức 30% kể từ năm tài chính tới và đặt mục tiêu duy trì thuế này ở mức từ 20-30% trong vòng vài năm tới. Thuế thu nhập doanh nghiệp Nhật hiện lên đến 35,6%, thuộc vào loại cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, chỉ kém mức 40% của Mỹ. Để so sánh, mức thuế này chỉ là 24,2% ở nước láng giềng Hàn Quốc và 29,6% ở Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

 

Tăng trưởng yếu ớt

Tăng trưởng kinh tế của Nhật đạt mức cao kỷ lục 3,2% vào năm 1990 nhưng sau đó liên tục sụt giảm và chạm mức thấp kỷ lục -4% trong quý 1-2009. Quý 1-2014 GDP Nhật đạt 1,6%, tuy nhiên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cả năm 2014 chỉ là 1,4%. Năm 2015 GDP Nhật chỉ có thể đạt 1%, trong khi nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3%.

 

Một trong những điểm quan trọng của “mũi tên thứ ba” là chính quyền Thủ tướng Abe cam kết cải tổ toàn diện mô hình quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý tài chính Nhật đã công bố các hướng dẫn mới để giúp tăng cường sự giám sát của cổ đông đối với các công ty Nhật.

Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời nhà phân tích Naoki Kamiyama thuộc Bank of America Merrill Lynch nhận định nếu được thực thi hiệu quả, kế hoạch của ông Abe sẽ giúp tăng giá trị của các công ty Nhật và khuyến khích họ tăng đầu tư phát triển thay vì giữ tiền mặt. Tokyo cũng sẽ cải tổ Quỹ đầu tư hưu trí chính phủ (GPIF) 1.260 tỉ USD theo hướng cho phép GPIF đổ vốn vào thị trường chứng khoán. Hiện tại GPIF, quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật.

Ngoài ra, Nhật cũng sẽ lập các khu công nghiệp đặc biệt với các thủ tục hành chính đơn giản. Theo Reuters, Ngân hàng Nhật (BoJ) đã lên tiếng hoan nghênh những cải cách này. Dù vậy, một số quan chức BoJ cho rằng chính quyền Tokyo cần tìm nguồn thuế bổ sung do nhà nước hiện đang gánh khối nợ công khổng lồ.

Khuyến khích lao động nữ, nhập cư

Một điểm đáng chú ý khác trong kế hoạch của ông Abe là các biện pháp để khắc phục tình trạng lực lượng lao động ngày một mỏng đi vì dân số già. Ông Abe cam kết sẽ áp dụng các chính sách về thuế để khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động và đảm bảo họ có cơ hội được thăng chức lên cấp quản lý. Trước đó Tokyo đã công bố kế hoạch tăng xây dựng trường mẫu giáo.

“Tôi đánh giá cao việc ông Abe khuyến khích lao động nữ. Chúng ta đều biết các điều chỉnh về thuế để khuyến khích phụ nữ đi làm là cần thiết nhưng đây vẫn luôn bị xem là một vùng cấm” – WSJ dẫn lời chuyên gia Kenji Yumoto, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật (JRI), nhận định. Ngoài ra, chính quyền Tokyo cũng sẽ tìm cách thu hút người lao động nước ngoài có trình độ cao, mở rộng chương trình thực tập sinh…

Reuters dẫn lời một số chuyên gia kinh tế ước tính “mũi tên thứ ba” có thể giúp đẩy GDP Nhật thêm 0,2-1,5% từ mức 0,5% hiện nay, tuy nhiên điều đó cần thời gian. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề là liệu Chính phủ Nhật có thể thực hiện được toàn bộ các bước cần thiết trong chiến lược cải tổ này hay không. “Thay đổi luôn là điều khó khăn. Việc tuyên bố cải tổ là một chuyện, nhưng thực hiện lại là chuyện hoàn toàn khác” – WSJ dẫn lời nhà phân tích Mỹ Christopher Ailman đánh giá.

HIẾU TRUNG