Vì sao đại biểu hỏi thẳng, bộ trưởng trả lời loanh quanh?
Phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội lần này đã để lại dư âm không tốt, dư luận cho rằng chất lượng trả lời chất vấn ngày càng đi xuống.
Vì sao đại biểu hỏi thẳng, bộ trưởng trả lời loanh quanh?
Phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội lần này đã để lại dư âm không tốt, dư luận cho rằng chất lượng trả lời chất vấn ngày càng đi xuống.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Hoạt động chất vấn sẽ mất sức hút
Là một cử tri theo dõi các phiên chất vấn vừa qua ở Quốc hội, cá nhân tôi thấy rất không hài lòng, nói nôm na theo ngôn ngữ bình dân thì các bộ trưởng trả lời rất chán. Tôi thấy các đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều câu hỏi nóng hổi, bức xúc của cuộc sống. Đó là những câu hỏi mà chính người dân muốn đặt ra cho các vị bộ trưởng, các thành viên Chính phủ. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nắm rất chắc vấn đề, chuẩn bị kỹ nội dung, đặt ra nhiều chất vấn sắc sảo. Nhưng đáng buồn là hầu hết bộ trưởng đều phúc đáp như đang trả lời cho những người không biết gì, cứ nói lấy được mà thôi.
Trước Quốc hội không thể nói cho qua chuyện
Ông bộ trưởng Bộ Tài chính thì rất chậm rãi, nói những chuyện ai cũng biết rồi, nhưng có những nội dung quan trọng lại trả lời không đúng. Ví dụ như vấn đề nợ công, ông bộ trưởng đáp rằng vẫn an toàn, nhưng sau đó chính chủ tịch Quốc hội khẳng định nợ công đã đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Tôi nghĩ bộ trưởng đứng trước Quốc hội không thể nói không đúng, không thể né vấn đề, bởi đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia, người ta cần biết sự thật. Bộ trưởng không thể nói với đại biểu Quốc hội theo kiểu “đánh trâu qua rào” được.
Với ông bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, điều đại biểu và cử tri mong muốn là nếu bộ trưởng sai, hoặc là thuộc cấp sai thì trước Quốc hội, bộ trưởng nên mạnh dạn nhận sai. Đằng này ông lại nói con số 34.000 tỉ đồng là của chuyên viên cấp vụ, rồi anh em bị khớp nên nói thế. Ông quên mất rằng cách đây vài năm Bộ Giáo dục – đào tạo từng đưa ra một dự án 70.000 tỉ đồng, dư luận từng ầm ĩ. Thế thì đây là một nửa của 70.000 tỉ đồng, vì chưa có kinh phí phần cơ sở vật chất trường học mà thôi. Đấy chắc chắn không phải là con số từ trên trời rơi xuống. Hơn nữa, sau khi trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ còn tổ chức họp báo để giải thích con số này. Vậy thì làm gì có chuyện đó là con số ngẫu hứng của ai đó đưa ra. Bộ trưởng không nên giải thích trước Quốc hội giống như nói cho qua chuyện với học sinh lớp 1, lớp 2 như thế.
Đến bộ trưởng Bộ Tư pháp thì đại biểu hỏi rất rõ là có cài cắm lợi ích nhóm trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không? Nhưng bộ trưởng lại trả lời rằng chưa có vấn đề gì đặt ra. Trả lời như vậy rất khó chấp nhận, và ngay sau đó đại biểu đã nói rằng vậy những chuyện cài đặt bộ máy, rồi quỹ này quỹ nọ là cái gì? Thực tế nó đầy ra đấy, đại biểu Quốc hội lịch sự hỏi như vậy chứ không phải người ta không biết. Vì vậy, bộ trưởng không nên trả lời loanh quanh.
Còn tổng thanh tra Chính phủ khi đại biểu chất vấn về chuyện tài sản của quan chức, thì ông ấy luôn lấy Ban Bí thư ra làm mộc đỡ.
Thú thật là tôi thất vọng bởi cách trả lời vòng vo, loanh quanh của các bộ trưởng tại kỳ họp này. Thậm chí có những vị không hiểu được câu hỏi của đại biểu Quốc hội, cho dù chủ tịch Quốc hội đã phải nhắc và giải thích lại. Các bộ trưởng cũng thiếu sự thẳng thắn, thậm chí có những vấn đề đã trả lời không trung thực, không nhìn nhận đúng khuyết điểm của mình. “Câu giờ” cũng là đặc điểm chung trong cách trả lời của các vị bộ trưởng.
Có sự nương nhẹ, ưu ái
Để khắc phục tình trạng này, trước hết là ở cách chọn người trả lời chất vấn. Phiên chất vấn phải diễn ra với những người đứng trên bục trả lời là những vị bộ trưởng mà lĩnh vực họ quản lý đang là điểm nóng, cử tri đang đòi hỏi họ phải giải trình. Nhìn về tổng thể kỳ họp này, người dân không hài lòng vì có những bộ trưởng đáng lẽ phải trả lời chất vấn vì lĩnh vực quản lý của vị bộ trưởng ấy đang có quá nhiều vấn đề bức xúc, nhưng vị bộ trưởng ấy lại “trốn” trả lời chất vấn. Tôi lấy ví dụ như Bộ Y tế, bao nhiêu chuyện nước sôi lửa bỏng như vậy, hơn một trăm trẻ em chết vì bệnh sởi, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đòi hỏi người đứng đầu Bộ Y tế phải trả lời trước Quốc hội. Không thể có chuyện một dịch sởi làm chết nhiều người như vậy mà không ai bị làm sao cả, tất cả đều bình an vô sự.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có trả lời ghép với phần của bộ trưởng Bộ Tài chính về giá thuốc, nhưng tôi nghĩ trả lời như vậy cũng không đạt yêu cầu. Trên thực tế người dân thấy giá thuốc lên cao, trong khi Luật dược đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc thuộc Bộ Y tế, nhưng qua trả lời thì không thấy ai chịu trách nhiệm về vấn đề này cả. Sự sắp xếp người ra trả lời chất vấn trước Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chưa thật sự chuẩn, vẫn có một sự nương nhẹ, ưu ái cho ai đó.
Theo tôi, để đi đến cùng một vấn đề sau phiên chất vấn, Quốc hội phải ban hành nghị quyết và nghị quyết ấy phải xác định rõ trách nhiệm, giải pháp được Quốc hội yêu cầu chứ không phụ thuộc vào ý chí của người trả lời chất vấn. Một số nghị quyết ban hành sau các phiên chất vấn trước đây vẫn nặng tính tường thuật phiên chất vấn là chính mà thiếu đi sức sống, sức đột phá của nó. Một nghị quyết đảm bảo tính khả thi là nghị quyết phải đánh giá được bộ trưởng ấy, ngành ấy có những vấn đề gì, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp thế nào, lời hứa của bộ trưởng ra sao, thời điểm nào phải thực hiện… Làm được như vậy mới đẩy được hoạt động chất vấn đến gần cái đích đặt ra.
LÊ KIÊN thực hiện
Đại biểu NGUYỄN SỸ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế xúc phạm đại biểu Quốc hội
Sau khi tôi chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính và bộ trưởng Bộ Y tế về giá thuốc thì trên báo Sức Khỏe Và Đời Sống xuất hiện bài trả lời phỏng vấn của ông cục trưởng Cục Quản lý dược, trong đó nói rằng đại biểu Quốc hội chất vấn và nhận định không mang tính xây dựng. Tôi đã có văn bản gửi trực tiếp đến bộ trưởng Bộ Y tế về việc này, bởi đây là phát ngôn của một người có trách nhiệm của Bộ Y tế đăng tải trên cơ quan ngôn luận của bộ này.
Quyền chất vấn là quyền của đại biểu Quốc hội được luật định. Tôi nghĩ trong câu chất vấn có thể đại biểu chưa hiểu hết vấn đề, và cũng vì chưa hiểu hết vấn đề nên đại biểu mới phải chất vấn để làm rõ. Thắc mắc, nghi vấn của đại biểu Quốc hội cũng chính là thắc mắc, nghi vấn của cử tri đòi hỏi bộ trưởng phải giải đáp. Đại biểu chất vấn cũng với mục đích làm cho công tác quản lý nhà nước tốt hơn chứ không phải là để triệt hạ bộ trưởng. Tranh luận giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ là rất bình thường. Hơn nữa, tôi không có bất cứ lời lẽ hay sự thể hiện thái độ nào để nói rằng tôi coi thường, xúc phạm bộ trưởng Bộ Y tế trước Quốc hội. Tôi chờ đợi giải thích rõ ràng của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về sự việc này, bởi chính bộ trưởng cũng là một đại biểu Quốc hội. |
Đại biểu TRẦN NGỌC VINH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng): Chưa có trao đi đổi lại quyết liệt
Với lĩnh vực giáo dục – đào tạo đang tồn tại rất nhiều bức xúc, được cử tri quan tâm, đòi hỏi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đưa ra những giải thích xác đáng. Chẳng hạn như tình trạng hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp không có việc làm. Đây là một thực tế rất bức xúc, các bậc phụ huynh ở nông thôn để nuôi con ăn học rất vất vả, bán từng con gà, mớ thóc cho con cái học hành, nhưng ra trường thì lại bơ vơ không tìm được việc. Vậy mà bộ trưởng, với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục – đào tạo, lại trả lời rằng đó là một thực tế khách quan. Rồi chuyện 34.000 tỉ đồng mà các đại biểu đã đề cập, nghe cách bộ trưởng trả lời rất vô lý. Hay như bộ trưởng Bộ Tài chính khi trả lời lại nói “đây là vấn đề tế nhị”. Tại sao ở giữa Quốc hội lại có vấn đề tế nhị không nói được? Tại sao tình trạng nợ công đại biểu lo lắng như vậy, dư luận đặt ra nhiều vấn đề, các chuyên gia cảnh báo, chủ tịch Quốc hội kết luận như vậy mà bộ trưởng trả lời cứ như chưa có chuyện gì cả?
Với những cách trả lời như vậy, đại biểu Quốc hội rất băn khoăn, phân tâm suy nghĩ. Hơn nữa, thời gian trả lời chất vấn ngắn, mỗi vị đại biểu bị giới hạn số lượng, nội dung câu hỏi nên đã không có sự trao đi đổi lại thật sự quyết liệt, nhiều vấn đề chưa thật sự đi đến cùng. Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM): Tôi đã chuyền bóng nhưng bộ trưởng không sút vào gôn
Trong câu hỏi của tôi không có gì là nhạy cảm, bí mật. Ví dụ tôi hỏi các dự án ODA mà chúng ta làm với Trung Quốc thì tác động thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam, chất lượng, hiệu quả của nó thế nào và liệu sắp tới có ảnh hưởng gì không? Các dự án đều công khai, thông qua đấu thầu, có hàng ngàn công nhân… Trung Quốc biết, chúng ta biết thì có gì là bí mật, chỉ có nhân dân là chưa được thông tin thôi.
Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Tài chính lại cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm và không công khai trả lời câu hỏi của tôi. Tôi nghĩ rằng câu hỏi đó tôi không nhằm cho cá nhân tôi mà cho đồng bào cử tri, và cũng là một dịp mà Chính phủ thông qua Bộ Tài chính thông tin đến nhân dân, giải thích cho nhân dân. Có thể nói là tôi đã chuyền bóng nhưng bộ trưởng lại không sút vào gôn. |