14/01/2025

Sự trỗi dậy của ISIL

Bất chấp giới hạn về quân số, mối liên kết với các bộ lạc và những nhóm chống đối chính phủ của Thủ tướng Iraq Nour Al-Maliki cùng sự dồi dào về tài chính đã giúp nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) nổi lên như một nhóm thánh chiến đáng sợ.

 

Sự trỗi dậy của ISIL

Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông đã vượt mặt al-Qaeda để trở thành tổ chức thánh chiến hùng mạnh và nguy hiểm nhất thế giới.


Các tay súng ISIL - Ảnh: AFP

Bất chấp giới hạn về quân số, mối liên kết với các bộ lạc và những nhóm chống đối chính phủ của Thủ tướng Iraq Nour Al-Maliki cùng sự dồi dào về tài chính đã giúp nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) nổi lên như một nhóm thánh chiến đáng sợ.

Liên hệ với người Sunni

Các chuyên gia ước lượng ISIL có từ 6.000 đến 10.000 tay súng hoạt động ở Iraq và Syria. ISIL tuyên bố có các chiến binh đến từ Anh, Pháp, Đức và những nước châu Âu khác, cũng như từ Mỹ, thế giới Ả Rập và vùng Caucasus. Đúng như tên gọi, ISIL được cho là có tham vọng thành lập Nhà nước Hồi giáo trải rộng từ Syria đến Iraq.

Theo ông Lina Khatib, Giám đốc Trung tâm Carnegie Trung Đông ở Beirut (Li Băng), chỉ có vài trăm tay súng ISIL tham gia đánh chiếm Mosul, thành phố lớn thứ 2 ở Iraq vào tuần trước. Sự bất mãn với ông Maliki đã đoàn kết các nhóm người Sunni trong việc hỗ trợ cuộc tấn công của ISIL. “ISIL có thể thâm nhập các bộ trong chính phủ Iraq và có sự ủng hộ của các thành viên đảng Baath của Saddam Hussein, Mặt trận Hồi giáo (thành lập năm 2004 như một nhóm kháng chiến chống sự chiếm đóng của Mỹ) và các nhóm Sunni khác”, Giám đốc chương trình Ả Rập tại Đại học Houston Emran El-Badawi nói với Đài al-Jazeera.

ISIL bắt đầu trỗi dậy nhanh chóng trong bối cảnh xung đột nổ ra ở Syria từ năm 2011. Cuộc chiến ở Syria là cơ hội để ISIL tái tổ chức sau khi bị tiêu hao lực lượng bởi các cuộc tấn công của quân Mỹ. Mặt khác, cuộc nổi dậy của người Sunni ở Syria truyền cảm hứng để người Sunni tại Iraq đòi hỏi các quyền lợi về chính trị và kinh tế. Các cuộc biểu tình hòa bình từ cuối năm 2012 không mang lại nhiều kết quả bởi chính phủ Iraq với đa phần là người Shiite cho rằng những người biểu tình không phải muốn cải cách mà muốn thực hiện cuộc cách mạng để giành quyền lực. Do vậy, khoảng 5 đến 6 triệu người Sunni ở Iraq trở nên đồng cảm hơn với các hành động vũ trang của ISIL.

“Nhóm này đã chờ đợi thời cơ để trả thù chính phủ Maliki mà họ xem là do người Shiite thống trị và phân biệt đối xử với người Sunni. Sự cộng tác giữa các bộ lạc và đảng Baath không phải về ý thức hệ mà xoay quanh lợi ích chung là lật đổ chính phủ Maliki”, ông Khatib nói.

Hồi năm ngoái, ISIL từng tấn công vào nhà tù Abu Ghraib để giải thoát các thủ lĩnh và những tay súng dày dạn kinh nghiệm. Vào tháng 1, họ chiếm thành phố Fallujah ở tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad 69 km về phía tây và trụ lại đó đến nay. Nhóm này cũng chiếm phần lớn thủ phủ Ramadi của Anbar và hiện diện tại một số thị trấn gần Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy nhiên, cuộc tấn công chớp nhoáng thành phố lớn thứ 2 ở Iraq là Mosul thực sự khiến cả thế giới phải choáng váng. Theo al-Jazeera, nhiều binh sĩ người Sunni trong quân đội Iraq đã nhanh chóng buông súng vì chán ghét chính phủ, để mặc các tay súng ISIL hành quân mà gặp ít kháng cự thật sự.

Nhóm thánh chiến giàu có

Chỉ trong vòng 2 năm, ISIL đã trở thành nhóm vũ trang giàu có nhất nhờ giành quyền kiểm soát các giếng dầu ở phía đông Syria. Ngoài ra, nhóm này còn trông cậy vào việc đánh thuế, bắt cóc đòi tiền chuộc và cướp phá để kiếm thêm thu nhập.

Trong cuộc tấn công Mosul, ISIL đã vớ bẫm khi thu được khoảng 500 triệu USD từ ngân hàng trung ương, nâng tổng số ngân quỹ lên khoảng 2 tỉ USD. Họ cũng chiếm được các vũ khí hạng nặng của Mỹ mà quân đội Iraq bỏ lại. Giống như một công ty, ISIL cũng công bố “báo cáo thường niên”. Tuy nhiên, thay vì tiết lộ doanh thu, báo cáo liệt kê danh sách các cuộc tấn công, các cuộc đánh chiếm thành phố và phá ngục. Báo cáo nhằm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và tuyển mộ. Thành công của ISIL trong cuộc chiến chống lại chính phủ Iraq và Syria đã khuyến khích các nhà tài trợ nước ngoài, theo ông Juan Zarate, cựu Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W.Bush.

Nguồn tiền ủng hộ ISIL cũng là một vấn đề gây tranh cãi và nghi kỵ. Chính phủ Iraq đã công khai cáo buộc Ả Rập Xê Út ủng hộ về tài chính và tinh thần cho ISIL. Cả Riyadh và Washington đều bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phần lớn nguồn tiền chảy ra từ Ả Rập Xê Út, nếu không phải từ chính phủ thì cũng từ các nhà tài trợ tại đây.

Ông Günter Meyer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thế giới Ả Rập ở Đại học Mainz nói với Đài DW: “Nguồn tài chính quan trọng nhất của ISIL đến nay là sự ủng hộ đến từ các nước vùng Vịnh, chủ yếu là Ả Rập Xê Út nhưng còn có cả Qatar, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất”.

 

Ly khai al-Qaeda

Tiền thân là al-Qaeda tại Iraq trước khi đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) và cuối cùng là ISIL vào tháng 4.2013, nhóm này hoạt động độc lập với các nhóm thánh chiến khác ở Syria như Mặt trận al-Nusra, chi nhánh chính thức của al-Qaeda tại đây. Thủ lĩnh ISIL Abu Bakr al-Baghdadi (43 tuổi) từng tìm cách sáp nhập al-Nusra song bị khước từ. Lãnh đạo al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã thúc giục ISIL tập trung vào Iraq và nhường Syria lại cho al-Nusra song Baghdadi cùng các tay súng của y đã công khai thách thức thượng cấp. Mâu thuẫn giữa ISIL và phe nổi dậy Syria đã khiến Zawahiri ra tuyên bố cắt đứt quan hệ vào tháng 2 năm nay.

 

 

Ảnh hưởng khu vực

Với vị trí trung tâm của Trung Đông, Iraq có biên giới với hầu hết các cường quốc khu vực và đà tiến công của các tay súng Hồi giáo Sunni có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn. Vương triều của người Sunni ở Ả Rập Xê Út muốn chứng kiến một chính phủ do người Shiite thống trị ở Iraq suy yếu. Riyadh dĩ nhiên sẽ hài lòng khi thấy người Shiite ở Iraq mất đi vị thế. Tuy nhiên, việc chống lưng cho ISIL sẽ tiềm ẩn nguy cơ tổ chức này trở thành một quái vật không thể kiểm soát trong khu vực, gây nguy hại cho chính Ả Rập Xê Út.

Về phần mình, Iran xây dựng quan hệ chặt chẽ với chính phủ của người Shiite ở nước láng giềng từ khi Mỹ rút quân năm 2011. Tehran có thể hỗ trợ về quân sự cho chính phủ Maliki nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ở nước này. Nhưng sự can dự của Iran sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của Washington đối với cuộc khủng hoảng.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ vốn ủng hộ mạnh mẽ quân nổi dậy ở Syria và từng bị cáo buộc huấn luyện các tay súng của ISIL. Ankara cũng có lợi ích quan trọng lâm nguy trong cuộc khủng hoảng Iraq. Lực lượng người Kurd đã tận dụng tình hình rối ren để kiểm soát thành phố dầu mỏ Kirkuk. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã lo ngại việc người Kurd ở Iraq giành quyền tự trị lớn hơn sẽ khuyến khích cộng đồng người Kurd thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy.

 

Sơn Duân