Mỹ muốn loại bỏ thủ tướng Iraq
Mỹ đang gây sức ép buộc Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phải từ chức để lập một chính phủ mới tại Baghdad nhằm đối phó làn sóng tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).
Mỹ muốn loại bỏ thủ tướng Iraq
Mỹ đang gây sức ép buộc Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phải từ chức để lập một chính phủ mới tại Baghdad nhằm đối phó làn sóng tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).
Những người lính tình nguyện Shiite đang được luyện tập trước khi ra trận chống ISIL – Ảnh: Reuters |
AFP đưa tin ngày 24-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bất ngờ đến thành phố Irbil, phía bắc Iraq để kêu gọi các nhà lãnh đạo người Kurd ủng hộ một đất nước Iraq thống nhất. Trong cuộc hội đàm với ông Kerry, nhà lãnh đạo người Kurd Massud Barzani cho rằng Thủ tướng al-Maliki “phải chịu trách nhiệm với những gì đã diễn ra” và cần phải từ chức.
Sức ép đang đổ dồn lên ông al-Maliki. Một ngày trước đó, ông Kerry khi đến Baghdad đã yêu cầu ông al-Maliki và các nhà lãnh đạo Iraq cam kết lập ra một chính phủ toàn dân trước ngày 1-7. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng chính quyền mới ở Baghdad phải dang rộng vòng tay chào đón cộng đồng người Hồi giáo Sunni và người Kurd, thay vì chỉ thiên vị người Shiite như cách ông al-Maliki đã làm.
Một chính phủ không có al-Maliki
Liên Hiệp Quốc nói hơn 1.000 người, chủ yếu là thường dân, đã bị sát hại sau các đợt giao tranh với ISIL trong tháng 6 này. Ngoài chết do đụng độ, có một số bị lính chính quyền sát hại trước khi rút khỏi các thành phố. (Reuters) |
Nhà Trắng khẳng định trong cuộc hội đàm ở Baghdad, ông Kerry không yêu cầu ông al-Maliki từ chức. Tuy nhiên báo Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Mỹ cho rằng ông al-Maliki không thể lãnh đạo một chính phủ toàn dân do từng áp dụng nhiều chính sách thiên vị người Shiite, gạt người Sunni và người Kurd ra bên lề xã hội. “Chính quyền al-Maliki phải ra đi nếu Iraq muốn có sự hòa hợp” – thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh.
Khi ISIL mở cuộc tấn công Iraq, rất nhiều người Sunni bất mãn với chính phủ al-Maliki đã ủng hộ tổ chức phiến quân khét tiếng tàn bạo này. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng ngay cả trong trường hợp ông al-Maliki chấp nhận từ chức thì Baghdad vẫn sẽ chìm trong bất ổn. Bởi các đảng Shiite, Sunni và Kurd chưa tìm ra được một ứng cử viên đủ uy tín để thay thế ông.
Vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông al-Maliki sẽ chấp nhận từ chức. Nguồn tin Wall Street Journal cho biết hiện Mỹ và các đảng phái ở Iraq đang ngắm nghía một số ứng cử viên khả dĩ nhất để thay thế ông al-Maliki. Đầu tiên là chính trị gia Shiite Ahmed Chalabi, người rất thân cận với chính quyền cựu tổng thống Mỹ George Bush. Ứng cử viên thứ hai là cố vấn an ninh quốc gia Falih al-Fayadh, từng là một nhà thương thuyết với các nhóm sắc tộc và chính trị khác nhau ở Iraq. Một người khác là chính trị gia Shiite Ayad Allawi.
Quân đội suy sụp tinh thần
Trong lúc chính trường Iraq còn đang rối ren, ISIL vẫn tiếp tục làn sóng tấn công dữ dội. Al Jazeera đưa tin hôm qua ISIL tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Nhà máy lọc dầu Baiji lớn nhất Iraq, gần thành phố Tikrit, và đã chiếm tất cả các cửa khẩu giữa Iraq với Syria và Jordan. Báo Washington Post dẫn lời các quan chức và giới phân tích Mỹ cho biết hiện quân đội Iraq đang trong tình trạng “suy sụp tinh thần” sau những thất bại liên tiếp và do việc hàng nghìn binh sĩ đào ngũ.
“Quân đội Iraq không có khả năng tự vệ – nhà phân tích Rick Brennan thuộc Hãng Rand Corp, cựu cố vấn lực lượng Mỹ tại Iraq, nhận định – Nếu Mỹ không thay đổi được quân đội Iraq thì quốc gia này sẽ tan vỡ”. Kể cả trước khi nhiều binh sĩ đào ngũ, các tướng lĩnh Iraq thừa nhận họ không thể kháng cự ISIL vốn đã dày dạn kinh nghiệm chiến trường tại Syria. Tình báo Mỹ và Iraq cho biết trong những tuần gần đây, ISIL đã chiếm được nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự trị giá hàng trăm triệu USD của quân đội Iraq và đã chuyển một phần sang Syria. Phần lớn các loại vũ khí này do Mỹ sản xuất.
HIẾU TRUNG