27/11/2024

Thí sinh “Nấm lùn” đi thi đại học

TT – “Nấm lùn” là cái tên dễ thương các bạn đặt cho Võ Thị Thanh Thảo (thôn Lộc Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ẩn sau thân hình tí hon ấy là một nghị lực phi thường vươn lên trong học tập, cuộc sống.

 Thí sinh “Nấm lùn” đi thi đại học

TT – “Nấm lùn” là cái tên dễ thương các bạn đặt cho Võ Thị Thanh Thảo (thôn Lộc Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ẩn sau thân hình tí hon ấy là một nghị lực phi thường vươn lên trong học tập, cuộc sống.

“Nấm lùn” là biệt danh các bạn đặt cho Võ Thị Thanh Thảo (trái) – một thí sinh vượt qua nghịch cảnh để dự thi vào khoa tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV – Ảnh: Như Hùng

 

Sinh năm 1995, định mệnh đã mang Võ Thị Thanh Thảo đến với cuộc đời này. Bà Đỗ Thị Đào có thai Thảo đến bảy tháng mà không biết, vì lao động quá nặng nhọc nên bị động thai.

Thảo chào đời tại Bệnh viện Đà Nẵng chỉ có 700 gam, em được nuôi trong lồng kính đến ba năm mới được về nhà. Bị bệnh thiếu hormon sinh trưởng, Thảo không thể phát triển như những đứa trẻ khác.

 

Vượt qua nghịch cảnh

Nhà có hai chị em gái. Ông Võ Đông Liêm, cha Thảo, dù đã 53 tuổi vẫn phải lặn lội lên tận miền núi cao hái nấm hoặc làm phu trầm. Đời phu trầm bạc bẽo nhiều hơn may mắn.

Cái nghèo, cái khó vẫn cứ bám riết, bủa vây. Bà Đỗ Thị Đào bất kể ngày nắng ngày mưa vẫn phải đi bán bánh bột lọc dạo kiếm tiền nuôi Minh Thương (chị Thảo) học ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm thứ tư và đứa con gái không bao giờ lớn của mình.

Sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, Thảo may mắn có người chị luôn thương yêu và chăm sóc em. Nhiều lúc mặc cảm bởi số phận, song em vẫn chống chọi và cố gắng học tập. Những lúc ở trường, trước ánh mắt tò mò, dò xét của mọi người, em vẫn phớt lờ và tập quen dần với lối sống lạc quan. Nếu cuộc đời cho em hàng trăm lý do để khóc, em đã cho đời thấy hàng trăm lý do để cười.

Đeo đuổi việc học suốt 12 năm xem như là kỳ tích và quá sức đối với em. Mang thể trạng yếu ớt, em phải hoạt động như bao bạn bè cùng lứa tuổi bẻ gãy sừng trâu.

Năm lớp 10, bị tai nạn giao thông tưởng như không qua khỏi, phải học chậm một năm, vậy mà em vẫn sống, cứ sống và sống ra sống. Thầy cô Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ đến động viên, chia sẻ và quyên góp ủng hộ. Em lại tiếp tục có sức mạnh để chiến thắng số phận.

Suốt gần một tháng kể từ khi em bước chân vào Trung tâm luyện thi Thành Đạt (Đà Nẵng) để ôn luyện, những ánh mắt ngạc nhiên, tò mò rồi sẽ thoáng qua đi, còn lại là sự đồng cảm, yêu thương.

Ban quản lý trung tâm miễn toàn bộ học phí cho em. Thật chua xót khi chúng tôi biết có những ngày hai chị em phải đi xe đạp từ Hòa Khánh – Liên Chiểu xuống trung tâm cách gần mười cây số.

“Đó là những ngày em và chị Thương không có tiền đổ xăng”. Hóa ra ngoài việc học, hằng ngày hai chị em phải đối diện, xoay xở trước bao nhiêu khốn khó của đời thường. Vậy mà em học rất nhanh, chữ viết rất đẹp, thậm chí nói tiếng Anh rất giỏi.

 

Đứng cạnh các bạn, Thảo như em bé 4 tuổi – Ảnh: Tá Bảo

 

Thoải mái và quyết tâm

Tại phòng trọ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), Thảo cùng chị Thương ôn luyện chuẩn bị thi đợt 2, dự thi vào khoa tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV. Sự hỗ trợ của trung tâm luyện thi và Tỉnh đoàn Quảng Nam cộng với sự tiếp sức của gia đình, những chị cùng phòng trọ đã làm cho tinh thần Thảo thoải mái hơn rất nhiều so với những ngày đầu mới đến TP.HCM.

Thảo chia sẻ: “TP.HCM nhiều nhà cao tầng, đông xe là những ấn tượng và khó khăn đầu tiên em gặp phải. Thức ăn ở đây đắt hơn ở quê nên mỗi lần quyết định mua đồ ăn, em và chị hai phải tính toán chi li. Ngày thi đầu tiên, em bị đau bụng do chưa quen ăn uống ở đây. Từ hôm đó, chị hai và những chị cùng phòng đã nấu đồ ăn ở nhà để đảm bảo sức khỏe cho em”.

Không chỉ thế, sĩ tử cao 104cm, nặng 17,5kg này còn nguyên chiếc ốc vít ở chân trái do tai nạn giao thông năm lớp 10. Những khi trái gió trở trời, chân Thảo vẫn thường đau nhức, đi lại khó khăn.

Thảo thi khối A1 ngành quản lý nhà nước của Học viện Hành chính để lấy kinh nghiệm cho đợt 2. Tại đây, Thảo đã nhận được sự quan tâm chu đáo của thầy cô, sinh viên tình nguyện.

Thầy cô kê lại bàn ghế trong phòng để vừa với sức vóc của Thảo. Thầy cô giám thị, thầy điểm trưởng cũng thường xuyên đến thăm và chúc Thảo đạt kết quả tốt.

 

“Nếu đậu đại học, em định xin mẹ cho em học và ở một mình tại ký túc xá. Em sợ mẹ vào đây buôn bán sẽ bon chen, vất vả và còn phải lo cho em. Từ lớp 10, em đã trọ ở nhà bạn để học hết THPT nên việc tự lập cũng không quá khó khăn. Mỗi năm mới về một lần, mẹ sợ em nhớ nhà, có nhiều điều không lường trước được nhưng em sẽ cố thi đậu và thuyết phục mẹ” – Thảo nói với tinh thần lạc quan.