Đề thi mở, mới cải cách một nửa
Câu hỏi mở của đề thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ luôn thu hút sự chú ý của dư luận, vì đây là tâm điểm của sự đổi mới trong cách ra đề thi của ngành GD&ĐT trong tiến trình đổi mới cách dạy và học. Ra đề thi như hiện nay có thực sự đánh giá được năng lực thí sinh hay không?
Đề thi mở, mới cải cách một nửa
Câu hỏi mở của đề thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ luôn thu hút sự chú ý của dư luận, vì đây là tâm điểm của sự đổi mới trong cách ra đề thi của ngành GD&ĐT trong tiến trình đổi mới cách dạy và học. Ra đề thi như hiện nay có thực sự đánh giá được năng lực thí sinh hay không?
Đề thi Văn hết khuôn mẫu
Kết thúc giờ thi môn Ngữ Văn 2 khối C và D, nhiều thí sinh than: Đề thi nằm trong phần tham khảo nên thí sinh đã không chú ý, thành ra, đề thi khó.
Nhận xét về thi Văn, thầy Trần Hinh, giảng viên ĐHKH Xã hội & Nhân văn (ĐHQG HN) nói: Đề thi môn Văn khối C khó hơn khối D ở chỗ bài học chọn để thi khó hơn. Câu 5 của đề thi khối C lấy tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, học sinh kêu đề khối C khó hơn khối D.
Theo thầy Trần Hinh, với đề thi này, phổ điểm tập trung ở các điểm 5-6-7, ít điểm 10 nhưng điểm 9 là có thể. Điểm Văn năm nay chắc không cao như năm ngoái, có thể bằng hoặc thấp hơn.
Một giáo viên về hưu tại TPHCM, (người từng nhiều năm tham gia ra đề thi môn Văn) cho biết: “Đề thi Văn lần này có phần đổi mới và không còn nằm trong khuôn mẫu như những lần trước đây”.
Cụ thể, ở câu 1 của cả hai đề thi khối C và D đều đưa ra một đoạn thơ (nằm ở phần đọc thêm), sau đó yêu cầu thí sinh hiểu ý nghĩa của từ ngữ, hiểu ý nghĩa của đoạn thơ… trong khi trước đây, đề thi luôn bắt học sinh tái hiện kiến thức SGK thuần túy. Như vậy, đề thi lần này, học sinh buộc phải tự học và tìm hiểu, vận dụng hết khả năng của mình vào bài thi chứ không còn là học thuộc lòng hay làm theo văn mẫu nữa.
Thí sinh ra về sau khi hoàn thành xong môn Văn tại hội đồng thi trường ĐH Công đoàn Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Thí sinh “tung tẩy” với câu hỏi mở
Khi được hỏi, nhiều giáo viên, thí sinh tỏ ra rất tâm đắc với câu hỏi số 2 của đề thi môn Văn: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. (Trích từ tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao; Ngữ văn lớp 11 nâng cao). Ý kiến trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia (bài viết khoảng 600 từ)?
Theo một số giáo viên ở TPHCM, nhìn bề ngoài, đây là một câu hỏi bình thường nhưng xét kỹ thì kẻ mạnh kẻ yếu đều là vấn đề của con người, cá nhân nhưng đồng thời cũng là vấn đề của quốc gia, đặc biệt mang tính thời sự trong thời điểm hiện nay. Nếu thí sinh nào vận dụng kiến thức và vấn đề biển Đông vào bài thi, khả năng các em sẽ làm bài thi tốt hơn.
Hầu hết các thí sinh được hỏi đều cho biết, họ đã liên hệ với sự kiện nóng hiện nay của đất nước – tình hình căng thẳng ở biển Đông. Thí sinh Nguyễn Phương Thảo (Phú Thọ) kể: Khi liên hệ sức mạnh chân chính của một con người, Thảo đã liên hệ tấm gương Hồ Chủ tịch, người suốt đời cống hiến cho đất nước và mang lại tự do cho dân tộc. Ở tầm quốc gia, Phương Thảo đã liên hệ tình hình đang căng thẳng ở biển Đông khi Trung Quốc đang gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thí sinh Mạc Văn Nguyên (Bắc Giang) lập luận trong bài thi của mình: Trung Quốc cậy là nước lớn nên muốn áp đặt tham vọng buộc Việt Nam và một số nước trong khu vực phải chấp nhận biển Đông là của họ. Tuy nhiên, thí sinh này nói, trong thời đại hiện nay, các quốc gia có thể kêu gọi sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đấu tranh bảo vệ chủ quyền, không thể để Trung Quốc lấn tới.
Mới đổi mới một nửa!
“Không cứ phải là học sinh khá, giỏi, chỉ cần thí sinh có học lực trung bình là làm được bài, vì đề bài rất mở” – Mạc Văn Nguyên và nhiều thí sinh khác cùng nhận xét.
Nhận xét về đề thi môn Văn của cả 2 khối, thầy Trần Hinh nói: Đề thi có hướng tốt hơn những năm trước kia nhưng đã quen thuộc với thí sinh một vài năm trở lại đây. Đề tốt hơn ở chỗ không ra theo dạng có thể dùng văn mẫu, thí sinh học để hiểu mới làm được bài. Với đề thi đọc hiểu năm nay, thí sinh không bắt buộc phải học cả tác phẩm mà chỉ lấy ý trong tác phẩm, đọc văn bản để hiểu là làm được bài. Cách hỏi như thế đòi hỏi học sinh đọc hiểu, nếu học sinh không nghe giảng, không hiểu được bài văn mà chỉ đọc-chép như vẹt giống trước kia thì không thể làm tốt đề này. Đây là một hướng ra đề tốt nhưng chỉ mới đổi mới được một nửa, thầy Hinh khẳng định.
Thầy Hinh phân tích: Với Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, thí sinh phải hiểu và phân tích được các góc nhìn của tác giả ở góc độ văn hóa, lịch sử, ở cách tiếp cận của tác giả với sông Hương, với vẻ đẹp thiên nhiên… Nhưng, dù thí sinh có thể làm được như thế thì với kiểu chấm Văn như hiện nay (thầy chấm có mấy khi đọc hết, chỉ liếc qua) thì khó phát hiện được trò giỏi. Thầy Hinh kết luận: Muốn đổi mới thực sự thì phải cải cách khâu học, khâu thi, cải cách dạy của thầy cô giáo, cách thầy đọc bài thi, cách chấm thi… Và trên hết, theo thầy Hinh nói, đề thi phải ngắn hơn, dài dòng quá không đánh giá được năng lực học sinh.