27/11/2024

Bài học tranh chấp Ấn Độ – Bangladesh

Phán quyết phân định biên giới biển giữa Ấn Độ và Bangladesh của tòa án quốc tế giúp chấm dứt tranh chấp kéo dài hơn 40 năm giữa 2 quốc gia láng giềng.

 

Bài học tranh chấp Ấn Độ – Bangladesh

Phán quyết phân định biên giới biển giữa Ấn Độ và Bangladesh của tòa án quốc tế giúp chấm dứt tranh chấp kéo dài hơn 40 năm giữa 2 quốc gia láng giềng.

Ngư dân Bangladesh đánh cá tại vịnh Bengal - Ảnh: Reuters
Ngư dân Bangladesh đánh cá tại vịnh Bengal – Ảnh: Reuters

Ngày 7.6, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết phân định biên giới biển giữa Ấn Độ và Bangladesh sau gần 5 năm tranh biện. Cả hai quốc gia liên quan đều hoan nghênh và tuyên bố sẽ chấp nhận phán quyết của tòa án, qua đó chấm dứt tranh chấp dai dẳng vốn phủ bóng lên mối quan hệ song phương. Con đường tòa án đã giải quyết êm đẹp vấn đề mà những cuộc đàm phán kéo dài nhiều thập niên không mang lại kết quả.

Tranh chấp lịch sử

Vào năm 1971, một hòn đảo nhỏ bất ngờ nổi lên tại khu vực đồng bằng sông Hằng ở vịnh Bengal sau khi một cơn bão lớn đi qua. Do nằm cách cửa sông Hariabhanga phân chia Ấn Độ – Bangladesh chỉ 3,5 km, vị trí địa lý của hòn đảo khiến cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo. Vấn đề chủ quyền hòn đảo mà New Delhi gọi là New Moore còn Dhaka gọi là South Talpatti nhanh chóng xới lại tranh chấp bị lơ là trong nhiều năm (khi Bangladesh còn là Đông Pakistan) về việc phân định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vốn đóng vai trò quyết định với việc khai thác tài nguyên biển ở vịnh Bengal.

Mặc dù hòn đảo New Moore/South Talpatti đã biến mất vào năm 2010 như một hậu quả của biến đổi khí hậu, tranh chấp phát sinh giữa Ấn Độ và Bangladesh từ năm 1971 vẫn tồn tại dai dẳng cho đến khi có phán quyết nói trên của tòa án quốc tế. Tranh chấp giữa Ấn Độ và Bangladesh tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề: xác định chủ quyền đảo New Moore/South Talpatti, xác định vùng lãnh hải 12 hải lý và xác định EEZ. Với vị trí nằm kẹt giữa Ấn Độ và Myanmar ở vịnh Bengal, Bangladesh còn có tranh chấp biển với cả Myanmar. Do đó, vấn đề xử lý tranh chấp ở vịnh biển lớn nhất thế giới này càng trở nên phức tạp.

Theo Hồ sơ Quan hệ Ấn Độ – Bangladesh 1971 – 2002 của tác giả Avtar Singh Bhasin, phiên họp đầu tiên về tranh chấp biên giới biển giữa 2 nước được tổ chức lần đầu tiên ở Dhaka năm 1974. Sau đợt đàm phán bất thành ở cấp quốc vụ khanh, vụ việc được chuyển lên cấp ngoại trưởng năm 1975. Các cuộc đàm phán chính thức được tổ chức năm 1974, 1975, 1978, 1980 và 1982 không đạt được tiến triển trong khi nguy cơ tranh chấp leo thang thành xung đột bắt đầu ló dạng. Năm 1978, Ấn Độ đã cho dựng các cột bê tông trên đảo New Moore/South Talpatti và 2 năm sau cho cắm cờ tại đây. Nỗ lực chiếm đóng hòn đảo làm quan hệ song phương xấu đi và thổi bùng dư luận bài Ấn ở Bangladesh. Một loạt các cuộc biểu tình chống Ấn Độ được tổ chức khi Ngoại trưởng Ấn Narashima Rao thăm Dhaka vào tháng 8.1980. Tình hình xấu đi vào tháng 5.1981 khi các tàu hải quân Ấn Độ tiến vào sát hòn đảo để chuẩn bị đổ bộ. Ấn Độ tuyên bố động thái của họ là nhằm phản ứng các hoạt động khiêu khích của hải quân Bangladesh ở xung quanh hòn đảo. Dhaka đã cực lực phản đối và yêu cầu New Delhi rút lực lượng quân sự khỏi khu vực. Ấn Độ sau đó đã đồng ý rút tàu và lính khỏi đảo tranh chấp cho tới khi vấn đề được dàn xếp hòa bình.

Năm 2008, Ấn Độ và Bangladesh tiếp tục tổ chức cuộc đàm phán biên giới biển song vẫn bế tắc vì cả hai đều kiên quyết duy trì các yêu sách trước đây. Khi đó, các biện pháp sử dụng cơ quan tài phán quốc tế bắt đầu được Bangladesh xem xét một cách nghiêm túc. Và việc này cũng đánh dấu màn trở lại của một nhân vật miệt mài vận động cho việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.

Chiến binh đơn độc

Theo tờ The Daily Star (Bangladesh), mặc dù luôn lớn giọng trong tranh chấp, trong thời gian dài, Bangladesh không thực hiện động thái đáng kể nào để giải quyết vấn đề. Gần như không ai nghĩ đến việc chuẩn bị cho một vụ kiện ở tòa án quốc tế. Một sĩ quan hải quân trẻ tuổi tên Khurshed Alam được tờ The Daily Star ví như chiến binh đơn độc trong cuộc vận động khởi kiện Ấn Độ khi liên tục viết lách và diễn thuyết về tính khẩn bách của việc giải quyết tranh chấp, nhưng chẳng có ai đếm xỉa.

Công lớn để có được phán quyết mà Bangladesh tuyên bố là chiến thắng thuộc về chính phủ của đảng Liên minh nhân dân Bangladesh sau khi lên nắm quyền năm 2008. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Sheikh Hasina và Ngoại trưởng lúc bấy giờ là bà Dipu Moni, đảng này bắt đầu khởi động tiến trình chuẩn bị khởi kiện ở tòa án quốc tế. Khurshed Alam, khi đó là một phó đề đốc về hưu, được vời trở lại, thăng cấp chuẩn đô đốc và giao cho vị trí lãnh đạo một ủy ban phụ trách vấn đề biên giới biển mới được thành lập tại Bộ Ngoại giao.

Sau quá trình chuẩn bị và thu thập lượng lớn dữ liệu, vào tháng 10.2009, Bangladesh đồng loạt đưa tranh chấp biển với Ấn Độ và Myanmar ra Tòa án thường trực quốc tế. Và đó chỉ là bước khởi động đầu tiên cho một quá trình kiện tụng kéo dài gần 5 năm trước khi mang về chiến thắng cho một quốc gia nhỏ trong tranh chấp với một nước lớn