‘Siết’ chất lượng thực phẩm chức năng
Cục An toàn thực phẩm vừa kết thúc đợt thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm chức năng. Theo báo cáo ban đầu, trong số 3.781 mẫu được kiểm tra có 1.830 mẫu không đạt (48,4%), 14 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 105 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành.
‘Siết’ chất lượng thực phẩm chức năng
Cục An toàn thực phẩm vừa kết thúc đợt thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm chức năng. Theo báo cáo ban đầu, trong số 3.781 mẫu được kiểm tra có 1.830 mẫu không đạt (48,4%), 14 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 105 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành.
|
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) khẳng định, đơn vị phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP, trong đó thực phẩm chức năng (TPCN) là một trong những trọng tâm.
Quyết liệt kiểm tra
Từ đầu năm đến nay, Cục ATTP đã thu hồi 9 giấy xác nhận công bố chất lượng; trong 5 tháng đầu năm 2014 đã xử phạt 35 cơ sở vi phạm với số tiền gần 700 triệu đồng, trong đó chủ yếu là các lỗi về ghi nhãn, vi phạm về chất lượng. “Hiện tại trong tay chúng tôi đang có 26 hồ sơ các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đang trong quá trình xác minh để xử phạt nghiêm. Từ nay đến cuối năm việc thanh, kiểm tra sẽ tiếp tục rất quyết liệt”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trần Quang Trung, qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan quản lý đã phát hiện, thu hồi nhiều sản phẩm vi phạm chất lượng. Trong đó, đã yêu cầu Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn dừng lưu hành, thu hồi sản phẩm Super Fat Burner nhập khẩu từ Mỹ vì có chứa Shibutramine. Đây là chất không được sử dụng trong TPCN, có gây tác động xấu đến tim mạch làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
|
Mới đây, QLTT Hà Nội và TP.HCM cũng đã lấy 18 mẫu sản phẩm gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả, phát hiện nhiều sản phẩm của Công ty CP Thế giới khoa học và tự nhiên TP.HCM nhập khẩu, phân phối không đúng chất lượng như công ty đã công bố với cơ quan chức năng trước đó. Chẳng hạn, sản phẩm Complebiol 4 Joints loại hộp 30 viên, số lô 31460, hàm lượng glucosamin chỉ có 156,6 mg/viên (chỉ đạt 60% so với công bố), hàm lượng vitamin D3 thấp hơn rất nhiều so với công bố (công bố 950 UV/viên, nhưng kiểm nghiệm chỉ có 6,0 UV/viên!); sản phẩm GENKI 9 King’s Secrets, hộp 30 viên và sản phẩm GENKI dành cho nữ thì không tìm thấy thành phần nhân sâm như công bố.
Trước đó, công ty này đã bị Cục ATTP phát hiện quảng bá không đúng sự thật công dụng của 9 sản phẩm, gồm GENKI 9 King’S Secrets; Complebiol detox for women; Complebiol detox for men; Genki Gold, Vego DHA+; Complebilo Headsup-Brain Support; Complebiol 4 Joints; Complebiol Men’s; Complete Multivitamin; Genki 6 Queen’s secrets.
Nhập lậu từ Trung Quốc
Tháng 8 năm ngoái, cơ quan chức năng phát hiện 250 thùng TPCN được làm giả tại một cơ sở ở Q.Đống Đa, Hà Nội. Các sản phẩm giả gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, vi cá mập, collagen, tảo Nhật. Chủ cơ sở khai nhập lậu các loại TPCN từ Trung Quốc về đóng gói, dán nhãn mác giả thành sản phẩm “cao cấp” có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Úc đánh lừa người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng ở Hà Nội cũng từng phát hiện tại một cơ sở ở Q.Hoàn Kiếm nhiều sản phẩm được dán nhãn mác có xuất xứ từ Nhật, Mỹ, Úc, gồm: viên nở ngực Đào Hồng Đơn; nhau thai cừu Queen 9, sữa ong chúa Costar Royal Jelly, thuốc uống giảm cân; tảo spirulina Japan Algae Nhật Bản. Nhưng chủ hàng thừa nhận tất cả đều được mua trôi nổi ở Trung Quốc theo dạng ký về đóng gói, dán nhãn.
Theo Chánh thanh tra Cục ATTP Nguyễn Văn Nhiên, các vi phạm về chất lượng của TPCN từng được phát hiện là sản phẩm có chứa tân dược (như chất vardenafil là hoạt chất trong thuốc điều trị bệnh ở nam giới lại có trong TPCN tăng cường sinh lực cho quý ông). Hoặc hàm lượng các thành phần như vitamin, khoáng chất trong TPCN thấp hơn công bố. “Nhưng cũng có trường hợp có chất cao hơn mức công bố quá nhiều cũng phải thu hồi vì đó là liều điều trị, chỉ được chấp nhận trong tân dược. Việc cho chất đó ở liều cao như vậy là để tăng tác dụng với người dùng, tuy nhiên điều đó nguy hại cho sức khỏe vì khi ở liều điều trị phải kiểm soát ngặt nghèo về liều lượng và thời gian sử dụng”, ông Nhiên phân tích.
Tại TP.HCM, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết cũng đang hoàn tất hồ sơ để xử lý một doanh nghiệp về việc thành phần sản phẩm không đúng như ghi trên nhãn mác. Kết quả kiểm nghiệm bước đầu 3 sản phẩm của công ty này cho thấy cả 3 đều không có thành phần DHA như ghi trên nhãn mác.
Liên Châu – Thanh Tùng