Trông người lại ngẫm đến ta
Đầu tư, phát triển, mở rộng… đó là những thông tin về hàng loạt công ty ngoại đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng “chủ nhà” thì ngược lại, số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn cứ tăng sau mỗi lần thống kê.
Trông người lại ngẫm đến ta
Đầu tư, phát triển, mở rộng… đó là những thông tin về hàng loạt công ty ngoại đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng “chủ nhà” thì ngược lại, số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn cứ tăng sau mỗi lần thống kê.
1 năm có mặt tại VN, Starbucks – thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới đã có tới 6 cửa hiệu hoành tráng và đang chuẩn bị tấn công ra thị trường Hà Nội.
“Ông lớn” Mc Donald cũng mở cửa hàng thứ 2 ngay sau khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM đầu năm nay. Nhanh không kém, chỉ sau 2 tháng ra mắt người dân thủ đô, nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group lại đang chuẩn bị cho siêu thị Robins thứ 2 tại TP.HCM vào tháng 11 tới. Samsung tăng vốn thêm 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy mới ở Bắc Ninh… Hằng ngày trên các trang mạng, thông tin về các doanh nghiệp (DN) ngoại thâm nhập, mở rộng, xây dựng thêm nhà xưởng liên tục được phát đi. Trong khi với hầu hết DN nội, mở rộng quy mô đã trở thành cụm từ xa vời nhiều năm nay khi vốn cụt, tiêu thụ yếu kém. Họ, hầu hết vẫn cố gắng cầm cự “nuôi quân” chờ cho qua khó khăn.
Theo thống kê, chỉ trong 2 năm qua, đã có trên 100.000 DN ngưng hoạt động. Con số này vẫn tăng trong những tháng đầu năm nay. Sức khỏe yếu, hoạt động ngày càng co cụm, thay vì cạnh tranh, mong ước của không ít công ty Việt giờ đây chỉ là có thể làm vệ tinh, làm nhà cung cấp, làm thầu phụ cho công ty ngoại tại chính địa bàn mà họ đã từng chinh chiến. Ở lĩnh vực xuất khẩu còn buồn hơn. Trước đây, DN Việt chiếm thế chủ đạo với khoảng 70% thị phần thì nay DN có vốn đầu tư trực thống lĩnh với 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Những năm kim ngạch thặng dư thì thành tích hoàn toàn thuộc về khối ngoại… Chẳng nói đâu xa, chỉ cần bước ra chợ sẽ thấy, hàng Việt ngày càng lép vế. Để tránh hàng Trung Quốc, người có tiền mua thực phẩm, trái cây… đến từ Úc, Mỹ với giá ngày càng cạnh tranh hơn. Người ít tiền chấp nhận dùng hàng Trung Quốc dù biết không ít rủi ro, độc hại cho sức khỏe. Phân khúc cho hàng Việt ngày càng bị ép mỏng, thể hiện rõ nhất là việc nhiều DN phá sản, thu hẹp sản xuất, tồn kho tắc không thông…
Bức tranh trên là kết quả tất yếu nếu so sánh các yếu tố đầu vào của DN nội và ngoại. Các DN FDI được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ngưỡng nào, thời gian bao lâu tùy lĩnh vực, quy mô vốn. Như Formosa được miễn trong 4 năm đầu khi có thu nhập chịu thuế; giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế suất 10% suốt đời dự án trong khi các DN cùng ngành thép là 22%. Những ưu đãi vượt trội cũng được áp dụng với Samsung, Intel và nhiều DN FDI khác. Chi phí vốn của DN trong nước cao gấp hàng chục lần so với DN ngoại trong khi khả năng tiếp cận vốn thấp hơn nhiều. Đó là chưa kể các ưu đãi mà DN trong nước không được hưởng về giá thuê đất, về phí môi trường, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc…
Khó khăn của người này mở ra cơ hội cho người khác, điều đó vẫn luôn luôn đúng, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng của DN nội mấy năm qua. Hàng loạt dự án đã được “đổi chủ” ngoại với giá rẻ trong thời gian qua; cứ một cửa hàng thức ăn nhanh ngoại “mọc” thêm, rất có thể một số quán phở ở gần đó bớt khách; khai trương một siêu thị ngoại, nhà bán lẻ nội mất đi một số cơ hội mở rộng… Tất nhiên, cạnh tranh là cần thiết và tất yếu khi chúng ta hội nhập và để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng điều đó chỉ đúng khi các DN nội không bị thiệt thòi, không bị bất lợi nhiều.
Ưu đãi để thu hút FDI vẫn luôn là giải pháp hiệu quả nhưng ưu đãi đến mức nào để không tạo ra sự thua thiệt, bất bình đẳng với DN nội là vấn đề mà đã đến lúc chúng ta phải tính toán một cách nghiêm túc bởi xét cho cùng, với bất cứ quốc gia nào, DN trong nước phải là xương sống, phải là trụ cột của nền kinh tế.
Nguyên Hằng