Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước: Biến ‘vịt nhà’ thành ‘vịt trời’
Đó là hình ảnh được dùng để ví von về tình trạng làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ nần… của doanh nghiệp nhà nước tại hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước – Thành công và những bài học đắt giá” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hiệp hội Năng lượng VN phối hợp với Công ty CP Tri thức doanh nghiệp quốc tế tổ chức tại TP.HCM ngày 30.6.
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước: Biến ‘vịt nhà’ thành ‘vịt trời’
Đó là hình ảnh được dùng để ví von về tình trạng làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ nần… của doanh nghiệp nhà nước tại hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước – Thành công và những bài học đắt giá” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hiệp hội Năng lượng VN phối hợp với Công ty CP Tri thức doanh nghiệp quốc tế tổ chức tại TP.HCM ngày 30.6.
|
“Hãy mạnh dạn giải tán, phá sản”
TS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing, cho rằng tốc độ cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện gặp quá nhiều khó khăn, tốc độ quá chậm, không đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra. TS Dung nói: “3 năm gần đây, cả nước chỉ sắp xếp được 180 DN trong đó CPH được 99 DN và 81 DN được sắp xếp dưới hình thức khác. Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán tụt dốc, năm 2012 chỉ có 13 DNNN được CPH, sang năm 2013 chỉ đạt 3 – 5 DN”. Như vậy, với chủ trương của Chính phủ phải tiến hành CPH hết 432 DNNN trong hai năm 2014 – 2015, TS Dung tính toán: “Trong 3 tháng đầu năm nay, mới tiến hành sắp xếp và bán được tổng cộng là 28 DN. Còn lại hơn 400 DNNN với thời gian là 21 tháng còn lại, trung bình mỗi ngày, chúng ta phải tiến hành CPH được 1 DNNN. Đây là vấn đề rất khó”, TS Mỹ Dung nhận định.
|
TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Đại học CNTT Gia Định, nêu thực trạng hiện có không ít DNNN đang “sợ” CPH vì quá trình đó sẽ làm lộ ra nhiều sai phạm. “Theo tôi, DNNN thua lỗ, hãy mạnh dạn giải tán phá sản, bán cổ phần cho tư nhân để còn có giải pháp cứu DN, chứ sợ trách nhiệm cá nhân, càng cố càng làm thất thoát tiền của nhà nước”, TS Liêm nói.
Dẫn những con số báo lỗ tại các DNNN trong các năm qua, như chỉ riêng năm 2010, Tập đoàn điện lực VN lỗ đến 12.313 tỉ đồng, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN lỗ 5.000 tỉ đồng, Tổng công ty bưu chính viễn thông lỗ 1.026 tỉ đồng…, PGS-TS Trần Thị Minh Châu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng mức lỗ trung bình của DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước, trong khi hệ số sử dụng vốn cao hơn DN tư nhân trong nước rất nhiều. Để có 1 đồng doanh thu, DNNN phải sử dụng đến 7,8 đồng vốn, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần 3,2 đồng vốn và DN FDI là 5,2 đồng. “Tình trạng giấu nợ, giấu lỗ đã gây ra những tổn thất to lớn ở nhiều tổng công ty nhà nước”, PGS-TS Minh Châu nhận định.
Cũng theo TS Châu, do không có luật quản lý nguồn vốn lớn hơn 800.000 tỉ đồng vốn nhà nước tại các DNNN nên dần dần nguồn vốn này đang là “vịt nhà” đã biến thành “vịt trời”. “Mà vịt trời thì làm sao quản lý được?”, TS Châu nói.
|
DNNN nên chiếm dưới 20%
Để đẩy nhanh quá trình CPH DNNN, TS Minh Châu đề xuất nên giao quyền cho người đại diện vốn nhà nước tại các DNNN như cách làm của các DN tư nhân. Bên cạnh đó, những yếu tố quản lý hành chính phải được thể chế hóa bằng luật rõ ràng, minh bạch và phải được kiểm tra giám sát bằng cả hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp chứ không thể chỉ được giao cho Chính phủ như hiện nay. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 4, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng cần thay thế cơ chế bổ nhiệm giám đốc các DNNN bằng chính sách thuê mướn người tài giỏi từ thị trường lao động. Cần nhận thức giám đốc DNNN là “cái nghề” chứ không phải “cái ghế” và tiến hành xã hội hóa, tư nhân hóa các DNNN làm ăn có hiệu quả.
TS Nguyễn Đăng Liêm kiến nghị, nhà nước nên giữ lại các DNNN là ngành mũi nhọn, thuộc an ninh quốc phòng và tỷ lệ này chiếm dưới 20%. 80% còn lại nên giao cho các thành phần kinh tế khác. Theo TS Mỹ Dung, để đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, có 4 giải pháp: Xác định cụ thể giá trị quyền sử dụng đất của DN song song đối chiếu công nợ, xác định rõ DN nào cần 100% vốn của nhà nước, từ đó sắp xếp DNNN theo hướng tập trung vào những ngành lĩnh vực quan trọng này. Thứ ba là phải giải thể các DNNN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài và không có khả năng khôi phục. Thứ tư, nhà nước kiên quyết không ưu đãi hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty dưới dạng bao cấp hoặc bảo hộ nữa.
Hỗ trợ DN tư nhân Theo chuyên gia tài chính – TS Phạm Đỗ Chí, việc cấp thiết hỗ trợ phát triển DN tư nhân trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. “Tạo môi trường tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng bằng cách tự do hóa hơn nữa trong gia nhập thị trường như bỏ quy định giấy phép con, loại bỏ mọi phân biệt đối sử DNNN và DN tư nhân, rà soát các luật quy định chồng chéo làm khổ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường ủy quyền cho các hiệp hội DN thực hiện một số dịch vụ mà nhà nước hiện đang nắm giữ như cấp giấy chứng nhận, xác nhận, chứng chỉ…”, TS Chí nói.
|
Nguyên Nga