Mập mờ nguồn gốc rau củ Trung Quốc
Mỗi đêm, hàng trăm tấn hàng rau củ, trái cây Trung Quốc ùn ùn đổ về các chợ đầu mối, thế nhưng chỉ sau một đêm, toàn bộ số hàng này đã nhanh chóng lẫn lộn với hàng trong nước ở chợ lẻ.
Mập mờ nguồn gốc rau củ Trung Quốc
Bốc dỡ hành Trung Quốc tại chợ đầu mối Thủ Đức – Ảnh: Lê Sơn |
Bóc hành, tỏi Trung Quốc ở chợ đầu mối Thủ Đức – Ảnh: Lê Sơn |
Bằng cách mập mờ nguồn gốc này, hàng Trung Quốc vẫn đang được tiêu thụ rất nhanh chỉ vì lý do: rẻ, bắt mắt…
Việc tiểu thương mập mờ nguồn gốc đã vô tình tiếp tay cho hàng Trung Quốc kém chất lượng ngang nhiên trà trộn khắp nơi.
Ngồn ngộn chợ đầu mối
Hàng ra thị trường trước khi có kết quả kiểm nghiệm Ông Đặng Văn Hoàng, chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 2 (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), cho biết phần lớn rau củ quả nhập vào TP.HCM khi kiểm tra lấy mẫu đối với lô hàng thông thường lấy xác suất 10%, kiểm tra chặt sẽ lấy mẫu 30% nếu vi phạm một lần và nếu vi phạm hai lần thì xác suất kiểm tra sẽ là 100%, nếu vẫn phát hiện vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ đình chỉ ngay lô hàng đó. Tuy nhiên theo ông Hoàng, do thời gian cho kết quả phân tích thường kéo dài nhiều ngày trong khi hàng rau củ quả là hàng tươi, nếu ách lại tại cảng để chờ kết quả kiểm nghiệm thì hàng bị hư hại, ách tắc, nên kết quả kiểm nghiệm thường chỉ được thông báo cho chủ hàng khi hàng đã ra thị trường. |
Như nhiều tiểu thương chợ lẻ đi mua hàng, 3g sáng một ngày cuối tháng 6-2014, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), đây là thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất. Khắp một khu vực rộng lớn phía trước chợ, vài chục chiếc xe tải lớn xếp hàng ngay ngắn, mở sẵn, hàng rau củ các loại từ hành đỏ, tỏi, gừng, trái cây các loại… được chuyển xuống các xe tải nhỏ đi các tỉnh hoặc chất lên xe đẩy vào các sạp trong chợ.
Mặt hàng hành, tỏi về chợ nhiều nhất trong dịp này, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng khi chuyển từ xe tải xuống được đựng trong những bao tải lớn với thông tin về sản phẩm được ghi sơ sài bằng chữ Trung Quốc dán trên mỗi bao.
Khách hàng từ các tỉnh chỉ cần xem qua hàng mẫu, lập tức từng kiện hàng được chất lên xe đẩy chuyển đi ngay trong đêm. Chỉ chưa đầy hai giờ, chúng tôi chứng kiến ba container chở tỏi Trung Quốc đậu bên ngoài được tiêu thụ hết, hàng hóa thậm chí không cần bốc xuống sạp. Đi sâu phía bên trong nhà lồng chợ, các sạp sáng trưng điện, nhiều loại hàng chất cao tới nóc sạp.
Khu vực này phần lớn dành cho tiểu thương từ các chợ ở TP.HCM và các vùng ven lấy về bán lẻ. “Hiện nay hành, tỏi Trung Quốc đang vào chính vụ thu hoạch nên hàng về dồn dập. Chỉ tính riêng tỏi, mỗi đêm chúng tôi nhập về khoảng chục tấn. Nhập đến đâu bán hết đến đó chứ không để tồn ứ vì không có kho bãi chứa trữ” – anh Quý, chủ một sạp chuyên kinh doanh hành tỏi, cho hay.
Cũng theo anh Quý – người có hơn chục năm kinh doanh mặt hàng hành tỏi, tỉ lệ hành, tỏi, hành tây của VN về chợ chiếm tỉ lệ rất thấp (khoảng 10%). Hành trong nước chủ yếu từ vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đổ về nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi đó nguồn hành, tỏi từ Trung Quốc cung cấp ổn định, thời điểm nào cũng có hàng, giá lại rất rẻ. Còn tỏi trong nước từ các tỉnh miền Trung, miền Tây phải theo thời vụ, giá cao gấp 5-7 lần tỏi Trung Quốc nên các chủ sạp không dám ôm hàng. Ông Tài, một chủ vựa có tiếng tại chợ này, cho hay mỗi tuần đưa ra thị trường 7-8 container, với mức khoảng 20 tấn/ngày.
“Hầu hết khách hàng không ai hỏi tỏi Trung Quốc hay tỏi VN vì thực tế tại chợ hầu như chỉ có tỏi Trung Quốc. Bản thân chúng tôi không giấu giếm điều này. Nhưng khi đưa về chợ lẻ, người bán lột bỏ bao bì, trộn lẫn hoặc không thừa nhận tỏi Trung Quốc để dễ bán hàng hơn là chiêu trò của từng người” – anh H., chủ sạp kinh doanh củ quả tại chợ, cho hay.
Lầm tưởng hàng trong nước
Sau khi hành, tỏi, cà rốt, khoai tây… có xuất xứ từ Trung Quốc được đưa từ các xe container xuống các sạp, nhiều tiểu thương tại các chợ lẻ ở TP.HCM cũng như từ các tỉnh bắt đầu hối hả lựa mua để kịp phiên chợ sớm. “Toàn mối quen cả, có người lấy cả bao tải, có người lấy vài chục ký, cứ xé lẻ từng thùng ra mà bán, đâu có ai yêu cầu phải nhãn mác làm gì cho mệt” – chị C., chủ sạp hành tỏi lớn tại khu giữa chợ Thủ Đức, cho hay. Ghi nhận cho thấy các tiểu thương chợ lẻ thường mua lẻ vài chục ký, mỗi thứ vài món hàng về bán trong ngày. Và từ chợ đầu mối này, các loại hành, tỏi, khoai tây, cà rốt sau khi phân lẻ sẽ được chuyển lên xe ba gác, xe máy hoặc xe tải đi khắp nơi mà không có bất kỳ nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gì.
Mặc dù hành, tỏi, gừng, cà rốt và rất nhiều mặt hàng thực phẩm Trung Quốc vẫn nhộn nhịp đưa ra các chợ lẻ ở TP.HCM, các tỉnh, nhưng bày bán lên sạp cho người tiêu dùng thì hầu hết đều lờ đi việc niêm yết nguồn gốc.
Tại chợ Hiệp Thành (Q.12), quan sát một loạt sạp bán rau củ có thể dễ dàng nhận thấy không thấy bất kỳ chỗ nào niêm yết nguồn gốc cũng như giá cả. Nhiều mặt hàng hành, tỏi, khoai tây… có xuất xứ từ Trung Quốc đã được bày trộn chung với những hàng rau củ trong nước. Việc niêm yết nguồn gốc hầu hết được các tiểu thương cho biết không thể làm được. “Bán mỗi thứ dăm ba ký hàng nên cứ để chung như vậy cho tiện, nếu có khách hỏi chúng tôi sẽ giải thích phân biệt giữa hàng trong nước và hàng Trung Quốc” – chị Thu, tiểu thương chợ này, cho hay.
Ghi nhận tại nhiều chợ lẻ từ nội thành tới vùng ven ở TP.HCM có thể dễ dàng nhận thấy việc ghi rõ nguồn gốc hàng hóa hầu như không thể tìm thấy, hầu hết lý do đều được tiểu thương đưa ra là bất tiện, khi nào người mua hỏi mới trả lời.
Việc mập mờ nguồn gốc hàng hóa đã khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng hàng Trung Quốc là trong nước. Hơn 30 phút có mặt tại sạp của chị Phan Thị Chu, chợ Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), chúng tôi thấy có tới 15 người mua nhưng chỉ hai người hỏi nguồn gốc hàng Trung Quốc hay Việt Nam. Một tiểu thương tại chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) khẳng định nếu đưa hai loại hành tây Trung Quốc và Đà Lạt riêng biệt thì ba người chọn hành tây Trung Quốc, chỉ một người chọn hành tây Đà Lạt dù giá không chênh lệch nhau. “Khoan hãy nói tới giá cả, phần lớn người chọn hàng Trung Quốc vì thấy đẹp mã, to, nhưng nếu nói rõ đây là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc thì họ sẽ cân nhắc ngay vì những thông tin liên tục về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép” – tiểu thương này khẳng định.
DŨNG TUẤN – LÊ SƠN – NGUYỄN TRÍ
Không khó để phân biệt Bà Đặng Thanh Thảo, tiểu thương kinh doanh rau quả tại chợ Bà Chiểu, cho biết hàng rau khó phân biệt hơn, còn lại hầu như các loại bông hay củ đều có những cách phân biệt giữa hàng Trung Quốc và VN dựa vào hình dáng và mùi vị. “Khoai tây Trung Quốc gọt lớp vỏ là thấy thịt bên trong sẫm màu, thịt thường bở hơn, củ khoai dài và to hơn, thường có hai loại da hồng lợt không ngọt và màu vàng có vị ngọt hơn. Đối với cà rốt Đà Lạt màu cam, thường có cuống tươi, cà rốt trong nước nấu dẻo nhưng lâu mềm, còn cà rốt Trung Quốc thường có màu đỏ, không cuống, cắt sát đầu, nấu nhanh mềm và có vị ngọt hơn hàng trong nước” – bà Thảo chia sẻ. Theo nhiều tiểu thương, để nhận biết gừng, tỏi cũng không khó khăn. Củ tỏi Trung Quốc to, dễ lột, không dậy mùi nên được các nhà hàng sử dụng nhiều, còn tỏi VN củ nhỏ, cay hơn, mùi đặc trưng hơn nhưng rất khó lột. Tương tự, củ gừng to, thẳng, da hơi vàng là gừng Trung Quốc, còn gừng VN thường trắng hơn, củ nhỏ, gồ ghề, nhiều ngóc ngách. Đối với bông cải (súp lơ) Trung Quốc có bao trắng trùm vào, không có cùi, trong khi hàng trong nước không có bao trắng, có cùi. |