Sắm 100 tàu bám biển cùng ngư dân
Đại hội cổ đông Công ty CP Đức Khải đã thông qua nghị quyết đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 – 1.500 mã lực và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển.
Sắm 100 tàu bám biển cùng ngư dân
Đại hội cổ đông Công ty CP Đức Khải đã thông qua nghị quyết đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 – 1.500 mã lực và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Lâm (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, xung quanh chương trình này.
Dự kiến trong tháng 8, những chiếc tàu này sẽ về đến VN - Ảnh: Đ.S |
Cụ thể kế hoạch này như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Lâm |
Trong 100 chiếc tàu nói trên có 95 chiếc chuyên dụng bám biển để đánh bắt, khai thác thủy – hải sản tại 5 ngư trường lớn gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc chuyên dụng công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn, có nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm đánh bắt được về đất liền. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư 2 ụ nổi, với sức chứa 5.000 tấn, đặt tại ngư trường đánh bắt để tiếp nhận thủy hải sản sau đánh bắt, sau đó phân loại để sơ chế, bảo quản. Đối với những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, khi đủ số lượng sẽ đưa lên tàu vận chuyển trực tiếp đi nước ngoài. 2 trạm hậu cần còn là nơi chăm sóc sức khỏe, tiếp tế hoặc bảo trì sửa chữa nhỏ cho các tàu đánh bắt. Riêng 2 chiếc trực thăng sử dụng để cứu nạn, cứu hộ hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 11 sẽ hoàn tất việc mua sắm tàu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng…, tháng 12 sẽ đưa vào vận hành thử và đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động.
Làm thế nào để triển khai nhanh được như vậy?
Chúng tôi chọn hình thức mua lại các tàu cũ từ các nước phát triển và có kỹ thuật cao về đóng tàu và đánh bắt như Nhật, Hàn Quốc, Úc và Mỹ; 2 chiếc trực thăng sẽ mua từ các nước châu Âu. Đến thời điểm này, chúng tôi đã liên hệ và xác nhận được với các đối tác khoảng 45 chiếc tàu các loại. Nếu không có gì trở ngại thì 45 chiếc tàu này sẽ về đến VN trước 30.8.
Quyền lợi của ngư dân sẽ được tính toán như thế nào trong chương trình này ?
Công ty sẽ tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, sau đó tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế… Tất cả thuyền viên trên tàu sẽ được hưởng lương theo nguyên tắc phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34% và 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư để hỗ trợ. Kể cả những mùa tàu không đi đánh bắt được, họ cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Khi ngư dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/người/tháng, công ty sẽ có chính sách khuyến khích họ trích số tiền vượt trên 10 triệu đồng ưu tiên mua lại cổ phần của công ty. Như vậy, chỉ sau khoảng 3 – 5 năm, ngư dân sẽ dần thay thế công ty, trở thành những chủ tàu.
Việc nhập 100 chiếc tàu đánh bắt cá công suất lớn này có gặp trở ngại gì không, thưa ông?
Hiện nay, quy định hiện hành chỉ cho phép nhập khẩu tàu với vật liệu bằng vỏ sắt đã qua sử dụng không quá 8 năm. Đây là một trở ngại lớn vì theo nghiên cứu thực tiễn của một số nước phát triển về công nghệ đóng tàu và đánh bắt thủy hải sản thì tàu vỏ sắt vận tải xuyên đại dương sử dụng từ 25-30 năm; tàu chuyên dụng để đánh bắt, khai thác thủy hải sản công suất 500 – 1.500 mã lực sản xuất bằng vật liệu composite, sợi thủy tinh và hợp kim nhôm thời gian sử dụng kéo dài từ 40 – 50 năm. Để thực hiện đề án này một cách hiệu quả, nhanh chóng, chúng tôi đã trình Chính phủ xin một số cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để thực hiện thí điểm. Ngoài ra, để thực hiện việc đầu tư này một cách hiệu quả, chúng tôi rất cần sự đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các ngư dân cho chương trình này.
Đình Sơn